Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNATO định lập quỹ viện trợ hơn 100 tỷ USD cho Ukraine

NATO định lập quỹ viện trợ hơn 100 tỷ USD cho Ukraine

NATO đang cân nhắc một quỹ 100 tỷ euro (107 tỷ USD) để viện trợ cho Ukraine trong vòng 5 năm. Đây có thể xem là một phần kế hoạch nhằm đề phòng kịch bản ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề xuất lập một quỹ hỗ trợ Ukraine trong dài hạn. Cụ thể, quỹ này có trị giá 100 tỷ euro nhằm hỗ trợ Ukraine trong vòng 5 năm.

Đề xuất sẽ trao cho liên minh phương Tây vai trò trực tiếp hơn trong việc điều phối cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine.

NATO từ chối bình luận chi tiết về các đề xuất của ông Stoltenberg nhưng một quan chức trong khối cho biết các bộ trưởng sẽ “thảo luận về cách tốt nhất để tổ chức sự hỗ trợ cho Ukraine, giúp Kiev trở nên mạnh mẽ hơn.

Đề xuất sẽ được các ngoại trưởng NATO thảo luận trong cuộc họp kéo dài 2 ngày ở Brussels, bắt đầu từ hôm nay 3/4. Đây là cuộc họp kỷ niệm 75 năm thành lập NATO và cũng để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của liên minh vào tháng 7 tới.

Giới ngoại giao NATO thừa nhận, những thảo luận về đề xuất mới ở giai đoạn đầu. Mọi quyết định của NATO cần được sự đồng thuận của toàn bộ 32 thành viên.

“Chúng tôi sẽ chưa đưa ra quyết định cuối cùng tại các cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 4 và các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục khi chúng tôi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Washington vào tháng 7”.

Tuy nhiên, cuộc họp sẽ cho thấy việc các đồng minh châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Ukraine khi gói viện trợ quân sự trị giá hơn 60 tỷ USD của Mỹ vẫn bế tắc ở quốc hội. Theo kế hoạch, NATO sẽ đảm nhận một số công việc điều phối từ liên minh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu được gọi là nhóm Ramstein.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh NATO đang tìm kiếm một lãnh đạo mới kế nhiệm ông Stoltenberg và liên minh đối mặt với nguy cơ rạn nứt khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng tái đắc cử.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể rút Mỹ khỏi NATO và phát tín hiệu ngừng viện trợ cho Ukraine nếu tái đắc cử.

Cho đến nay, NATO tập trung vào viện trợ phi sát thương cho Ukraine vì lo ngại rằng vai trò trực tiếp hơn có thể gây ra căng thẳng leo thang với Nga. Các thành viên của tổ chức này đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí trên cơ sở song phương.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết ngày càng có quan điểm trong NATO rằng đã đến lúc phải đưa viện trợ quân sự cho Ukraine trên một nền tảng bền vững hơn và NATO là nơi tốt nhất để làm điều đó.

Một số người cho rằng, mặc dù Nga cảnh báo sẽ coi việc NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine là hành động leo thang căng thẳng, nhưng đến nay, Moscow chưa có sự trả đũa đáng kể nào.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 2/4 cho biết, NATO đang xem xét các biện pháp có thể coi là “cây cầu cần thiết” đưa Ukraine trở thành thành viên liên minh. Đến nay, NATO vẫn khẳng định, Ukraine không thể gia nhập khối khi xung đột chưa kết thúc, nhưng chắc chắn sẽ trở thành thành viên vào một thời điểm nào đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới