Hôm 3.4, tại Brussels (Bỉ), các ngoại trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tranh luận về đề xuất lập quỹ 100 tỉ euro trong vòng 5 năm cho Ukraine, nhằm đảm bảo nguồn viện trợ vũ khí về dài hạn cho Kyiv.
Tại cuộc họp, Reuters dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh “nhu cầu của Ukraine đang cấp bách”, cảnh báo rằng bất kỳ sự trì hoãn nào về viện trợ cũng sẽ gây ra hậu quả thực tế trên chiến trường.
Giới chức cho biết ông Stoltenberg đưa ra phương án lập quỹ 100 tỉ euro cho chương trình cung cấp vũ khí để Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu với Nga trong 5 năm.
Kế hoạch trên nhận được sự ủng hộ của Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic. Tuy nhiên, những thành viên khác của khối vẫn đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh đề xuất, chẳng hạn như nếu thành lập thì lấy nguồn tài chính từ đâu.
Về khả năng này, phát biểu trước cuộc họp, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho hay nước ông đề xuất mỗi thành viên NATO góp 0,25% GDP/năm để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib cho hay cuộc họp xoay quanh vấn đề đóng góp của các thành viên tùy vào quy mô nền kinh tế và cảnh báo rằng “thật nguy hiểm khi đưa ra những lời hứa mà chúng ta không thể hoàn thành”.
Còn Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ủng hộ việc thiết lập cơ chế dài hạn để ủng hộ Ukraine, nhưng cho rằng không nên đưa ra những con số mơ hồ.
Nếu thực hiện theo kế hoạch của Tổng thư ký Stoltenberg, NATO sẽ thành lập cơ quan kiểm soát quy trình phối hợp viện trợ vũ khí cho Kyiv, thay cho cơ chế hiện do Mỹ dẫn đầu.
Giới chức NATO cho rằng kế hoạch trên có thể đảm bảo nguồn vũ khí đến Ukraine trong trường hợp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể quay về Nhà Trắng nếu đắc cử vào tháng 11.
Động thái trên đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của NATO, đến nay vẫn từ chối gửi vũ khí cho Ukraine theo tổ chức vì lo ngại có thể kéo NATO đến gần hơn nguy cơ nổ ra cuộc xung đột với Nga.
T.P