Sunday, November 24, 2024
Trang chủNước Việt đẹpDu lịch Khánh Hòa lo ''TQ hóa": Sao lại phát hoảng?

Du lịch Khánh Hòa lo ”TQ hóa”: Sao lại phát hoảng?

Chúng ta đang lúng túng và bị động về quản lý, nên thấy lượng khách lớn thì hoảng, trong khi đáng lẽ phải vui”.

Quái chiêu núp bóng của người Trung Quốc

Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, theo Sở Du lịch Khánh Hòa, lượng du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa tăng đột biến với 175.000 lượt, xấp xỉ bằng cả năm 2015 (180.000 lượt) và dự báo còn tiếp tục tăng cao.

Dù thừa nhận lượng khách Trung Quốc tăng “nóng” giúp du lịch Khánh Hòa tăng trưởng khá, nhưng các cơ quan chức năng trên địa bàn bày tỏ lo ngại hiện tượng này cũng phát sinh nhiều vướng mắc, khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong xử lý.

Đặc biệt, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa bắt đầu lo ngại sẽ bị “Trung Quốc hóa”, ảnh hưởng đến việc đa dạng thị trường du lịch khách quốc tế.

Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 30/5, ông Nguyễn Văn Mỹ – Chủ tịch Lửa Việt Tours cho biết: “Việc làm này cho thấy, chúng ta đang lúng túng và bị động về quản lý, nên thấy lượng khách lớn thì hoảng, trong khi đáng lẽ phải vui.

Nhưng nếu có quy trình quản lý chặt chẽ các dịch vụ, từ hướng dẫn viên, khách sạn, nhà hàng cho đến các điểm mua sắm thì không có gì đáng lo ngại.

Lượng khách Trung Quốc tăng 100% ở Khánh Hòa, chứ không phải du lịch Khánh Hòa tăng 100% và điều đáng lo là những lỗ hổng về quản lý.

Chúng ta thấy rõ sự lúng túng, không chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho lượng khách lớn, vì khách Trung Quốc đến Việt Nam lâu nay luôn đứng đầu bảng. Nên nhớ mỗi năm hơn 100 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.

Việt Nam là nước gần Trung Quốc nhất mà mỗi năm chỉ đón chưa tới 2 triệu, lại đa phần đi đường bộ thì quá tệ. Du khách Trung Quốc đến Nha Trang cũng nhộn nhịp từ năm ngoái chứ không chỉ đầu năm nay”.

Chỉ ra thực trạng hiện nay, theo ông Mỹ, lâu nay hướng dẫn viên (HDV) tiếng Hoa đang thiếu trầm trọng vì rảo cản qui định “HDV quốc tế phải có bằng đại học”, Tổng cục tự làm khó các địa phương mà khách Trung Quốc tăng đột biến thì hoảng là phải.

Vì không hình dung và thiếu tầm nhìn nên bị động khi khách Trung Quốc tăng đột biến. Từ khâu tổ chức, nguồn HDV tiếng Hoa cho đến các điểm mua sắm đều lúng túng và bị cuốn theo ý muốn của các đầu nậu. Đáng lẽ phải dự báo trước và có biện pháp thích nghi.

Cả tỉnh Khánh Hòa chỉ có khoảng 10 người được cấp thẻ hướng dẫn viên tiếng Trung thì làm sao đáp ứng. Sẽ có những đoàn không có HDV, hoặc chỉ là HDV kiểu “Siting Guide” . Đây là lỗ hổng để các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng và thao túng.

Nguy hiểm hơn, người Trung Quốc còn nhiều quái chiêu như núp bóng tuồn hàng lậu kém chất lượng dán nhãn Việt Nam bán lại cho khách Trung Quốc.

Họ núp bóng các doanh nghiệp Việt Nam, mở nhà hàng và điểm mua sắm chuyên phục vụ khách Trung Quốc với giá ngất ngưỡng. Tiền lời họ bỏ túi còn tiếng xấu vì hàng kém chất lượng, giá trên trời thì người Việt lãnh đủ.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du Lịch cho rằng, ở đây đã chỉ rõ chức năng quản lý nhà nước của chúng ta quá yếu kém, chứ không phải do khách Trung Quốc.

Họ sang đây tổ chức trọn gói, cấm vào khách sạn, họ điều hành, quản lý toàn bộ, việc đó cần phải được dẹp bỏ, để cho hoạt động du lịch trở nên lành mạnh. Quan trọng nhất “Trung Quốc hóa” chính là mất đi quyền quản lý điều hành của mình để hoạt động du lịch rơi vào tay Trung Quốc.

Khẳng định thêm, ông Lương nói rõ: “Chúng ta phải quản lý ở hai góc độ, một là, không để người nước ngoài thao túng hoạt động kinh doanh; hai là, đảm bảo quyền lợi cho khách, đi về khỏi Nha Trang thấy hài lòng”.

Tâm thế người làm chủ

Nhìn nhận ở vấn đề khác, ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định: “Nếu biết tổ chức và chất lượng du lịch của chúng ta tốt thì tôi tin chắc lượng khách Trung Quốc qua còn nhiều hơn. Vì đi Việt Nam gần nhất, rẻ nhất về mặt vé máy bay.

Họ không lựa chọn miền Bắc vì có mùa không hợp cho du lịch, hơn nữa, biển miền Trung đẹp nhất. Đà Nẵng kiểm soát chặt chẽ hơn mà dịch vụ lại chưa đa dạng nên họ lựa chọn Khánh Hòa.

Nhưng vấn đề cấp bách hiện nay là phải thay đổi tư duy. Từ việc quản lý chặt chẽ nội bộ (không để xảy ra việc tiếp tay qua mặt nhà nước) cho đến tìm nguồn HDV, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Mình là chủ, phải có tâm thế và chủ động.

Nếu khách mất lịch sự, quậy phá, vi phạm pháp luật thì mạnh tay từ chối và kiên quyết xử lý. Nếu quá tải thì khuyến cáo từ xa (cả khách nội địa) để khách chọn lựa chứ không thể cấm khách đến. Hết dịch vụ thì không nhận thêm vì lợi bất cập hại”.

Theo ông Mỹ, để xử lý những vấn nạn trên, có mấy việc cần làm ngay. Thứ nhất, nâng cao năng lực quản lý và dự báo, xử phạt mạnh những người tiếp tay để cho các công ty du lịch Trung Quốc hoạt động trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, liên kết với các tỉnh như Ninh Thuận, Phú Yên, kể cả TPHCM và các địa phương gần đó để hỗ trợ và san sẻ lượng khách. Thứ ba, xác định phân khúc thị trường hợp lý để đầu tư, mở rộng, cải tiến chất lượng dịch vụ phù hợp.

Sự lúng túng và bị động của Khánh Hòa là bài học và kinh nghiệm bổ ích cho các địa phương khác, trong việc dự báo và đón đầu khả năng có thể bùng nổ lượng khách trong thời gian tới.

Năm 2015, du lịch Nhật Bản tăng 47% nhưng khách luôn hài lòng và chủ thì vui vẻ vì họ chủ động mọi thứ. Hiệp Hội Du Lịch và Tổng cục Du Lịch có thể tổ chức hội thảo tại Khánh Hòa để tháo gỡ khó khăn và giúp các địa phương nâng chất quản lý nhà nước khi lượng khách du lịch tăng hoặc giảm đột biến.

Đồng tình với các giải pháp ông Mỹ đưa ra, nhưng TS Phạm Trung Lương cho rằng, còn cần yêu cầu các cửa hàng phải treo biển quảng cáo bằng tiếng Việt, cùng lắm là tiếng Anh để tránh chủ Trung Quốc núp bóng làm chui.

Thành lập chi hội hoặc CLB các doanh nghiệp lữ hành khách du lịch Trung Quốc tại Nha Trang, nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp hoạt động theo kiểu mạnh đơn vị nào đơn vị đó hạ giá để thu hút khách, ngăn chặn việc công ty lữ hành Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp Việt hoặc nợ nần nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới