BienDong.Net: BienDong.Net: Trong số các nước có tranh chấp với Trung Quốc tại vùng Biển Đông thời gian gần đây, Malaysia luôn cố tránh đối diện với Trung Quốc. Thế nhưng lập trường đó dường như vẫn không giúp Kuala Lumpur thoát khỏi sự thách đố của Bắc Kinh về vấn đề lãnh thổ.
Đó là nhận định của RFI qua việc Hải quân Trung Quốc phô trương thanh thế hôm 26.03.2013, ngay tại một rạn san hô ở vùng cực nam Biển Đông mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.
Hải quân Trung Quốc phô trương sức mạnh ( ảnh Internet )
Hành trình cũng như hoạt động của đội đặc nhiệm gồm 4 chiến hạm do chiếc tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) dẫn đầu tham gia cuộc tập trận đã được báo chí Trung Quốc quảng bá rầm rộ. Nơi tập trận chính là khu vực bãi ngầm san hô James Shoal, chỉ cách Malaysia 80 km, cách Brunei gần 200 km, nhưng cách bờ biển Trung Quốc đến 1.800 km, và nằm gần sát điểm cực nam đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Bãi san hô James Shoal nằm cách mặt nước khoảng 22 mét, được Malaysia gọi là Beting Serupai, nhưng bị Trung Quốc và Đài Loan tranh chấp dưới tên tiếng Hoa là bãi Tăng Mẫu. Tháng 5 năm 1983, một đội tàu Hải quân Trung Quốc ghé vào rạn san hô nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của Trung Quốc.Tháng 9 cùng năm, Malaysia chính thức tuyên bố về quyết định chiếm bãi ngầm James và coi chúng thuộc “vùng kinh tế biển” của mình.
Năm 1994, Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc lại viếng thăm và thả bia tại bãi ngầm. Vào ngày 20 tháng 4 năm 2010, tàu Hải giám số 83 đã thả một bia xuống khu vực biển của rạn san hô để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Khu vực tập trận của hải quân Trung Quốc ( ảnh Internet )
Trong một bản tin công bố rộng rãi, Tân Hoa Xã đã mô tả cảnh quân lính Trung Quốc cũng như thủy thủ đoàn tập hợp trên boong tàu Tỉnh Cương Sơn, một trong những chiếc tàu hiện đại nhất của Trung Quốc có khả năng chở máy bay lên thẳng, để cam kết “giữ vững chủ quyền đất nước và phấn đấu thực hiện giấc mơ một nước Trung Quốc hùng mạnh”.
Thông tin về vụ tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn xuất hiện trong vùng James Shoal đã khuấy động dư luận. Một tùy viên quân sự theo dõi sát tình hình đánh giá rằng đó quả là một hành động phô trương chủ quyền khiến ai cũng phải chú ý.
Nhà quan sát này nhận định: “Trường Sa là một chuyện, nhưng thị uy tại khu vực James Shoal lại là một chuyện khác hẳn. Một lần nữa Trung Quốc cho thấy là họ không ngại ngùng gì trong việc gửi một thông điệp đến cả vùng Đông Nam Á, trong năm mà Brunei làm chủ tịch ASEAN”.
Trong khi đó, mạng tin Talk Radio News Service (TRNS) có trụ sở tại Mỹ viết: Việc Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân ở khu vực bãi ngầm James “đánh dấu sự thách thức mới nhất đối với vấn đề quyền tài phán trên biển, nó cho thấy Trung Quốc ngày càng muốn hỗ trợ yêu sách biển của họ bằng sự phô trương sức mạnh”.
Cũng theo TRNS, hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực này có thể uy hiếp những người đánh cá có quyền đánh bắt tại ngư trường nhiều hải sản này.
Về phần mình, hãng tin AP nhận định: Sự có mặt của lực lượng hải quân Trung Quốc tại vùng biển xa nhất về phía nam mà Trung Quốc đòi chủ quyền chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với vùng biển tranh chấp với Việt Nam, philippines, Malaysia và Brunei trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Báo mạng Stars and Stripes thì có bài cho rằng việc hải quân Trung Quốc tập trận tại bãi ngầm cách Malaysia 80 km là nhằm thúc đẩy hơn nữa yêu sách của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ vùng biển mà hầu khắp thế giới đều coi là vùng biển quốc tế.
Zhu Feng, chuyên gia quan hệ quốc tế tại trường Đại học Bắc Kinh nói: Các cuộc tập trận này là một tuyên bố chủ quyền quan trọng mang tính biểu tượng của Trung quốc nhằm chứng tỏ Bắc Kinh sẽ không do dự trong yêu sách lãnh thổ của mình.
Theo ông Zhu, về mặt quân sự, hành động này không có mấy ý nghĩa, bởi lẽ hải quân Trung Quốc đã tới bãi ngầm này nhiều lần trước đó, và không có ý định cho quân đồn trú gần bãi ngầm này.
Zhu nói: các cuộc tập trận hải quân gần đây ( ở bãi James ) có thể coi như một chỉ dấu mạnh mẽ về quyết tâm của Trung Quốc, nhưng đó cũng là sự tiếp nối lập trường vốn có của Trung Quốc.
Tuy nhiên, mạng tin Foundry của Quĩ Heritage Foundatio lại nhìn nhận: Sự có mặt của lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc tại vùng biển này là một bằng chứng nữa cho thấy Bắc Kinh yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ vùng Biển Đông. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là nỗ lực này lại nhằm vào Malaysia chứ không phải là Việt Nam hay Philippines. Người ta không rõ vì sao Bắc kinh lại chọn phương án nhấn mạnh yêu sách của họ với Malaysia vào lúc này. Các sự kiện này cho thấy Trung Quốc ngày càng muốn quân sự hóa các cuộc tranh chấp.
“Trước đây đã từng có hi vọng rằng các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ theo đuổi một đường lối dung hòa hơn một khi họ chính thức đảm nhiệm cương vị trong đảng và trong chính phủ”, Foundry lập luận. “Tuy nhiên, thay vào đó, chính sách của Trung quốc liên quan đến các cuộc tranh chấp ranh giới biển có vẻ như đang trở nên cứng rắn hơn”.
BDN ( tổng hợp )