Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mới9 câu hỏi lớn trong vụ Philippines kiện Trung Quốc

9 câu hỏi lớn trong vụ Philippines kiện Trung Quốc

Nếu Tòa Trọng tài tháng 6 ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh sẽ bị mất mặt trên trên trường quốc tế.

Philippines đâm đơn kiện về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đồ họa: BBC

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố phần lớn diện tích Biển Đông qua yêu sách “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” trải dài hàng trăm km về phía nam và phía đông từ Hải Nam – tỉnh cực Nam nước này. Năm 1947, Bắc Kinh phát hành bản đồ vô căn cứ nêu chi tiết “đường lưỡi bò”.

Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam thực thi quyền chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa kể từ thế kỷ 17 và có nhiều tài liệu xác thực để chứng minh điều đó.

Cả Philippines và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Bãi cạn này nằm cách Philippines 100 dặm và cách lãnh thổ Trung Quốc 500 dặm. Năm 2012, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi cạn Scarborough khi đó đang nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines.

Philippines kiện Trung Quốc điều gì?

Philippines kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tòa quốc tế sẽ phán quyết cách giải thích của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” có phù hợp hay không phù hợp UNCLOS.

Manila tranh luận rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không có hiệu lực vì nó vi phạm UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và hải phận.

Vụ kiện còn liên quan tới hàng chục mỏm đá, đảo san hô, bãi cát và đá ngầm, ví dụ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Vụ kiện diễn biến ra sao?

Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan để kiện Trung Quốc theo UNCLOS về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” đối với Biển Đông.

Ngày 19/2/2013, Trung Quốc gửi Philippines công hàm ngoại giao, đưa raQuan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông và trả lại thông báo của Philippines.

Ngày 30/3/2014, Philippines trình bản ghi nhớ 4.000 trang, nêu phân tích pháp lý và bằng chứng về tuyên bố chủ quyền của nguyên đơn.

Ngày 7/12/2014, Bắc Kinh đưa ra tài liệu thể hiện lập trường chính thức của nước này về việc Manila đưa vấn đề Biển Đông ra PCA.  

Ngày 16/3/2015, Philippines trình thêm 3.000 trang tài liệu bổ sung.

9 cau hoi lon trong vu Philippines kien Trung Quoc hinh anh 2

PCA tổ chức phiên điều trần kín ở Hà Lan để nghe Philippines giải trình các luận điểm quanh vụ kiện Trung Quốc từ ngày 7 tới 13/7/2015. Ảnh: PCA

Từ ngày 7 – 13/7/2015, PCA tổ chức phiên tranh tụng đầu tiên.

Ngày 14/7/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị Manila bỏ đơn kiện và giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông thông qua đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh. Manila khước từ đề nghị.

Ngày 29/10/2015, PCA ra phán quyết khẳng định tòa này có đủ thẩm quyền xét xử.

Tháng 6/2016, PCA sẽ ra phán quyết cuối cùng.

Tòa Trọng tài gồm những ai?

Tòa trọng tài gồm 5 thành viên được chủ trì bởi thẩm phán Thomas A. Mensah đến từ Ghana. Các thành viên khác gồm thẩm phán Jean-Pierre Cot người Pháp, thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak, giáo sư người Hà Lan Alfred Soons và thẩm phán Đức Rudiger Wolfrum.

9 cau hoi lon trong vu Philippines kien Trung Quoc hinh anh 3

Nhóm thẩm phán của PCA tham gia quá trình xử vụ Philippines kiện Trung Quốc. Ảnh: PCA

Ai đại diện cho Philippines?

Đoàn tranh tụng của Philippines gồm các luật sư và quan chức trong nước và 2 luật sư, 3 cố vấn người nước ngoài, trong đó đứng đầu là luật sư Paul Reichler của công ty luật Foley Hoag LLP có trụ sở tại Washington, Mỹ.

PCA nhận thụ lý những gì?

PCA khẳng định tòa có quyền tài phán với 7 trong số 15 nội dung Philippines khởi kiện gồm:

– Bãi cạn Scarborough không được hưởng quyền có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

– Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và đá Xu Bi là những kết cấu nửa chìm nửa nổi, không được hưởng quyền có vùng biển chủ quyền (tức lãnh hải), vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Chúng là những thực thể địa lý không đủ điều kiện để các quốc gia chiếm dụng bằng cách cư ngụ hoặc các hình thức chiếm dụng khác.

– Đá Ga Ven và cụm đá Ken Nan, đá Tư Nghĩa là những cấu trúc địa lý (dạng bãi đá ngầm) thấp hơn mực thủy triều (bãi đá thủy triều), không được hưởng quyền có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

9 cau hoi lon trong vu Philippines kien Trung Quoc hinh anh 4

Đường băng trái phép Trung Quốc xây trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Airbus Defense

– Đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập không được hưởng quyền có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

– Trung Quốc cản trở trái phép ngư dân Philippines mưu sinh bằng cách cản trở hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi cạn Scarborough.

– Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS đối với việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây.

– Trung Quốc vi phạm các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS khi triển khai các tàu của lực lượng thực thi pháp luật gây nguy hiểm, rủi ro, va chạm với các tàu của Philippines hàng hải gần khu vực bãi cạn Scarborough.

Quá trình phân xử có bị tác động khi Trung Quốc không tham gia?

Trong cuộc trao đổi với Zing.vn, GS.TS Erik Franckx, giám đốc Khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu tại Đại học VrijeUniversiteit Brussel (VUB), cho biết việc Bắc Kinh không tham gia gây khó khăn cho PCA trong việc đánh giá chính xác luận cứ pháp lý của một bên trong tranh chấp.  

Tuy nhiên, PCA nêu rõ việc Bắc Kinh không tham gia quá trình tố tụng không ảnh hưởng đến quyền xét xử của tòa.

Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc thua kiện?

Theo Diplomat, nếu phán quyết cuối cùng của PCA đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, nước này sẽ phớt lờ, dù Bắc Kinh đã ký vào UNCLOS.

Phán quyết có lợi cho Philippines cũng đồng nghĩa với việc khiến Trung Quốc mất mặt trên trường quốc tế và có thể tạo cho Mỹ nhiều lý do để hỗ trợ đồng minh Philippines.

Việc Trung Quốc “lờ” phán quyết của PCA cùng việc nước này quyết định leo thang căng thẳng trên Biển Đông sẽ chỉ dẫn tới sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ tại khu vực, theo chiến dịch thực thi “quyền tự do hàng hải”.

Manila sẽ làm gì nếu PCA phán quyết có lợi?

Theo GS Jay Batongbacal, chuyên gia luật Phillippines, nếu tòa đưa ra phán quyết có lợi, Philippines sẽ tiếp tục vận động và phối hợp cùng cộng đồng quốc tế chống lại tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến một số giải pháp ngoại giao song phương với Bắc Kinh, nhưng Manila sẽ tham gia tự tin hơn.

Những hoạt động khai thác tài nguyên trên Biển Đông mà không nằm trong các vùng chồng lấn sẽ tiếp tục, nhưng Manila không còn lo ngại sự can thiệp của Bắc Kinh sau khi có phán quyết của tòa.

Chiến thắng của Philippines trong vụ kiện sẽ có ý nghĩa khích lệ các nước khác và cũng cũng được coi là chiến thắng cho tất cả các quốc gia liên quan.

Việt Nam có thể kiện Trung Quốc giống cách Philippines đang làm?

Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam, để xét xử vấn đề tranh chấp chủ quyền, Tòa cần có sự tham gia của tất cả các bên nhưng Trung Quốc luôn một mực từ chối dự, dù lúc nào cũng khẳng định tuân thủ luật pháp quốc tế. Đó là vướng mắc.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng nếu Việt Nam muốn kiện Trung Quốc, chúng ta sẽ kiện “đường lưỡi bò”. Nếu thắng lợi nghiêng về phía Philippines trong vụ kiện này, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn cần phải chờ đợi.

RELATED ARTICLES

Tin mới