Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệc “nội bộ” của Solomon?

Việc “nội bộ” của Solomon?

Việc “nội bộ” của một quốc đảo bé xíu Nam Thái Bình Dương can hệ gì tới hai siêu cường? Chuyện là từ vài năm nay, Solomon đã là mục tiêu phải nắm được, của Mỹ và Trung Quốc rồi.

Bộ trưởng Ngoại giao Solomon Jeremiah Manele và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ký thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2019

Lẽ ra, theo kế hoạch, tổng tuyển cử của Solomon diễn ra từ năm 2023. Tuy nhiên, Thủ tướng Solomon, ông Manasseh Sogavare, vào đầu tháng 9/2022 đã yêu cầu chuyển cuộc bầu cử từ năm 2023 sang năm 2024 để tránh “chồng chéo” với việc tổ chức Thế vận hội Thái Bình Dương dài 13 ngày cuối năm 2023.

Nhìn qua cũng biết, lý do không chính đáng chút nào. Với một quốc gia, tổng tuyển cử là việc trọng đại bậc nhất. So với nó, những việc còn lại chỉ là “muỗi”, phải điều chỉnh theo. Vậy mà bằng quyền lực của mình, ông Manasseh Sogavare đã thuyết phục được Quốc hội sửa đổi hiến pháp của quốc gia này để việc thay đổi thời gian tuyển cử thành hợp hiến.

Tất nhiên, chẳng gì qua mắt được dư luận. Nhiều người, nhất là giới quan tâm tới chính trị, thừa hiểu, lý do chính là trong bối cảnh các phe phái đối lập đang chỉ trích Chính phủ có thể rơi vào vòng kiềm tỏa của Trung Quốc sau thỏa thuận an ninh (mà nội dung, chỉ được tiết lộ một cách úp mở) giữa Solomon và Trung Quốc ký tháng 4/2022, ông Sogavare muốn bầu cử diễn ra vào thời điểm thuận hơn về dư luận, để ông và đồng đảng dễ bề thâu tóm được quyền lực. Cùng quan điểm này, những chuyên gia phân tích chính trị quốc tế cũng cho rằng: chậm lại một năm đủ để 7 công trình thể thao Trung Quốc hỗ trợ Solomon cơ bản hoàn thành. Quy mô hoành tráng và chất lượng của chúng giúp dư luận nhận thấy, cái bắt tay của Chính phủ với Bắc Kinh là khôn chứ không phải dại – điều đó có lợi cho tham vọng ngồi vào vị trí thủ tướng lần nữa, sau 3 lần từng nắm vị trí quyền lực tối cao này.

Nay thì không thể thay đổi được nữa. Tất cả đã vào vòng quay cho cuộc bầu cử ngày 17/4. Chính phủ New Zealand, từ đầu năm, đã sốt sắng công bố gói viện trợ trị giá 35 triệu đô la New Zealand (NZD) hỗ trợ Solomon tổ chức bầu cử. Còn Úc thì khỏi nói – quốc gia “láng giềng” lâu nay hậm hực với những động thái ráo riết, quyết liệt của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương, ngoài thông qua gói hỗ trợ 16 triệu USD về hậu cần, đăng ký cử tri, đào tạo các quan chức bầu cử…, theo lời mời của Chính phủ Solomon, đã triển khai cảnh sát tới giúp cho công việc tổ chức…Nói gì thì nói, việc tiếp cận sát sàn sạt bầu cử nơi sở tại vẫn là cái gì đó có thể coi là “lợi thế” hơn các đối thủ khác. Biết đâu, bằng sự nhiệt tình, hào phóng đó, Solomon sẽ ghi ơn, làm gì, bắt tay với ai, cũng phải nhìn ngang nhìn dọc Canberra cái đã…

Tuy nhiên, nôn nóng, sốt ruột nhất lúc này là hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ. Tới mức, có nhà phân tích bình rằng, Bắc Kinh và Washington đang “nín thở” nhìn về Solomon xem binh tình diễn ra theo chiều hướng nào. Éo le nhất, cả Bắc Kinh và Washington cùng sốt ruột, nhưng ngoài mặt lại vờ vịt và dửng dưng. Chẳng thế, ngày 15/4, tại cuộc họp báo, trước câu hỏi của phóng viên liên quan bầu cử ở Solomon, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm nói rằng: Bắc Kinh luôn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và ủng hộ người dân Quần đảo Solomon độc lập lựa chọn con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của mình.

Nghe vậy thì biết vậy, nhưng bảo rằng tin lời ông Lâm Kiếm thì có mà đánh giá thấp cánh phóng viên kia. Nhìn vào những gì Trung Quốc đã và đang thực hiện tại Nam Thái Bình Dương, đủ thấy, Trung Quốc đâu có vô tư đến thế. Nhớ lại gương mặt cau có sau chuyến công du con thoi của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng 8/2022, vì thất bại trong việc thuyết phục các quốc đảo Nam Thái Bình Dương kỷ Thỏa thuận về “Tầm nhìn Phát triển Chung” soạn sẵn từ nhà, đủ thấy, Bắc Kinh, thời điểm này, đang sốt ruột tới mức nào việc ông Sogavare có tiếp tục trụ lại trong ghế Thủ tướng Solomon hay không. Nếu còn, thì Bắc Kinh vẫn có thể hy vọng, từ điểm tựa Solomon thiết lập bằng Thỏa thuận an ninh, Trung Quốc có thể tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ra Thái Bình Dương bất chấp sự lo ngại bị đe dọa về anh ninh của Úc, và sự gầm ghè của Mỹ.

Nói đến Mỹ, sai lầm từ việc đóng cửa đại sứ quán tại Solomon 30 năm trước, để rồi “nước đến chân” – tới năm 2022, khi mà các đảo quốc bé tý nhưng thành vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, thương mại, và cả tài nguyên…, Washington mới hối hả cho kế hoạch mở lại đại sứ quán tại Solomon, thì câu chuyện đã có chiều bất lợi cho họ rồi. Bất lợi vì ít nhất một nửa số quốc gia Nam Thái Bình Dương coi như đã “thành thân” với “kẻ đến sau” Trung Quốc. Số còn lại, trừ Cộng hòa quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Cộng hòa Palau đã ký kết Hiệp ước liên kết tự do với Mỹ cuối thế kỷ 20 (coi như Mỹ nắm chắc), còn lại, hầu như tất cả đang trong trạng thái lưỡng lự chọn lựa giữa gió Tây (Mỹ) và gió Đông (Trung Quốc) mất rồi. Thế nên, dù gì, kết quả bầu cử Solomon lần này cũng là điều khiến Washington phải sốt ruột quá đi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới