Vietjet phải tính toán khả năng của mình có thể hấp thụ lượng máy bay đó như thế nào, thị trường liệu có mở rộng để tiếp thu hay không?.
ietjet Air mua hàng loạt máy bay hạng sang
Nguồn cung có vượt quá mức cầu?
Mới đây, Vietjet Air (VJ) đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737Max 200 của tập đoàn sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) với trị giá 11,3 tỷ USD. Chưa kể, Vietjet Air còn ký hợp đồng mua động cơ với một DN Mỹ khác trị giá lên tới 3 tỉ USD.
Trước đó, cách đây 2 năm, VJ cũng đã ký hợp đồng thuê, mua máy bay trị giá 9 tỉ USD với tập đoàn chế tạo máy bay Airbus. Theo các hợp đồng đã ký với 2 tập đoàn chế tạo máy bay lớn nhất thế giới, đến năm 2023, VJ sẽ có hơn 200 máy bay thuê và sở hữu.
Trước thông tin trên, trao đổi với chúng tôi, ngày 1/6, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường hàng không trong nước, khi Vietjet Air là một hãng bay giá rẻ trên thị trường.
Trong khi, xu hướng hàng không hiện nay rất thuận lợi cho các hãng hàng không giá rẻ hoạt động, thậm chí xu hướng này còn đang phổ biến, chiếm thị trường lớn trên thế giới, ngay cả Việt Nam cũng vậy.
”Bản thân tôi cũng đã đi VJ và thấy rằng phục vụ tốt, giá rẻ so với Vietnam Airlines, đây là một xu hướng chung của thế giới, nếu VJ có khả năng mua thêm máy bay, mở rộng hệ thống giao thông của mình, đây là một tin vui cho thị trường” – ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, bên cạnh tin vui đó, ông Hiếu lo ngại: “Thứ nhất, VJ phải tính toán khả năng của mình có thể hấp thụ lượng máy bay đó như thế nào, thị trường liệu có mở rộng để có thể tiếp thu hàng trăm máy bay như vậy để phục vụ cho thị trường hay không.
Thứ hai, tất nhiên nó cũng phụ thuộc vào thu nhập của người dân Việt Nam, bởi những hành khách đi VJ chủ yếu là khách hàng trung lưu, tầng lớp nghèo, liệu rằng khi có nhiều máy bay như vậy, nguồn cung có vượt quá mức cầu hay không.
Thứ ba, vấn đề tài chính, VJ phải xem khả năng trả nợ của mình như thế nào. Tôi không biết những hợp đồng mua máy bay của VJ là hợp đồng mua đứt bán đoạn hay hợp đồng thuê thì tôi không rõ, nhưng mỗi hợp đồng sẽ có một tác động tài chính khác nhau”.
Theo ông Hiếu, đã làm kinh doanh thì phải có tham vọng, bản thân ông nghĩ rằng tham vọng của VJ là có thể trở thành một hãng hàng không hàng đầu của Việt Nam, đó là một tham vọng hợp lý, nếu nó đi cùng phương tiện tài chính và điều kiện thị trường.
Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, TS Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế TP.HCM khẳng định: “Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, việc đầu tư hàng loạt máy bay như vậy chắc chắn chỉ với mục đích mở rộng khai thác kinh doanh. Tất nhiên, chắc chắn Vietjet Air đã nhìn nhận thấy việc phát triển thị trường cho hãng kể cả đường bay trong nước và ngoài nước đều cần thiết.
Để có được những nhìn nhận như vậy thì phải có sự thăm dò, đánh giá nhu cầu của thị trường, sự phát triển kết hợp với chất lượng, dịch vụ cộng với giá cả cung ứng dịch vụ đó, khi thấy có thể cạnh tranh được với các hãng máy bay trong và ngoài nước.
Khi thấy đó là phương án khả thi, họ mới đầu tư, bỏ ra một lượng tiền lớn để phát triển, mở rộng. Trong tương lai, doanh thu đem lại sẽ bù cho số tiền hãng đầu tư cho đội tàu bay”.
Hợp đồng lớn nhờ đâu?
Giải thích cho việc, dù chỉ là một hãng hàng không mới nổi ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, tuyến bay chủ yếu trong nội địa và một vài nước Đông Nam Á, nhưng VJ lại có thể ký kết được nhiều hợp đồng trị giá tỷ USD, ông Tuấn chỉ rõ, thực tế Vietjet Air không cần nhiều tiền đến vậy để ký kết hợp đồng.
Hãng có thể làm việc với các nhà sản xuất máy bay Boeing, Airbus, trong quá trình mua sắm được trả tiền theo lộ trình, vừa khai thác vừa trả, trong hợp đồng sẽ có những quy định trên.
Đó là những hợp đồng thuê mua, thay vì bắt Vietjet Air “chồng” toàn bộ tiền mua máy bay ngay lập tức, Boeing vẫn sản xuất ra, đưa máy bay cho Vietjet Air vận hành và sau đó thu tiền lại từ từ. Chính vì thế, khi mua Vietjet Air cũng giảm bớt được gánh nặng chi phí cực lớn ban đầu.
Điều kiện để được thực hiện những bản hợp đồng trên, chính là uy tín của các hãng bay. Đầu tiên, phương án đầu tư kinh doanh của hãng phải thuyết phục được các nhà sản xuất trong việc thương lượng, cùng với đó là phương án mở rộng sản xuất kinh doanh hợp lý.
Cùng với đó, trong quá trình thương lượng, các hãng Boeing, Airbus họ cũng đã khảo sát các đối tác rất kỹ càng. Từ việc tính toán tốc độ phát triển của thị trường, tiềm năng của hãng hàng không và nhiều phân tích khác.
Nhìn nhận ở góc độ khác, TS Nguyễn Trí Hiếu lại nhận định: “Một hợp đồng ký kết giữa các đối tác thương mại với nhau, chỉ là giai đoạn khởi đầu của một sự hợp tác, còn hợp đồng được thực hiện như thế nào thì lại là một chuyện khác, dĩ nhiên chúng ta cần phải quan tâm đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng.
Hợp đồng có nhiều dạng, có hợp đồng như văn bản ghi nhớ, có hợp đồng bao gồm nhiều điều kiện rất chặt chẽ, ràng buộc 2 bên với trách nhiệm. Chúng ta cũng không nắm rõ hợp đồng VJ ký kết là như thế nào, thành ra hợp đồng mới là văn bản để hai bên ký kết còn thực hiện hợp đồng và tính chất pháp lý của hợp đồng như thế nào lại là chuyện khác.
Nếu hợp đồng mà là hỗn hợp của hình thức thuê và mua thì chỉ có máy bay mua mới phải bỏ tiền ra tài trợ, còn thuê dưới hình thức chỉ thuê hoạt động, thì việc thuê đó không phải trả tiền trước.
Boeing, Airbus là những hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, uy tín rất lớn, hợp đồng này có giá trị tương đối lớn đi kèm theo uy tín của các đối tác. Nhưng chúng ta phải xem tất cả các giao dịch đó được thực hiện ra sao, tài chính của VJ để mà đáp ứng những nhu cầu, yêu cầu về tài chính cho riêng các hợp đồng ra sao, đó là cái cần phải tham khảo”.
Cần sự vươn lên của toàn hệ thống
Với 2 hợp đồng của Vietjet Air, Việt Nam có tổng cộng gần 400 máy bay, tương đương với tầm vóc khu vực, nhưng theo ông Hiếu, nó sẽ giúp cải thiện giao thông hàng không tại VN, còn khu vực thì không lớn lắm.
Bởi với lượng máy bay, đường bay còn giới hạn, việc đóng góp cho toàn thể ngành hàng không thế giới của chúng ta nhỏ bé lắm.
Ông Hiếu phân tích: “Thực sự ngành hàng không không những bao gồm các hãng máy bay, tất cả các tuyến hàng không, tất cả các sân bay, dịch vụ đi kèm, mà còn bao gồm cả những vấn đề logistics, thành ra nếu muốn phát triển hệ thống hàng không Việt Nam, phải phát triển nhiều lĩnh vực khác, chứ không thể chỉ là một hãng hàng không sẽ giúp chúng ta cải tiến vị trí trên bản đồ hàng không thế giới.
Chất lượng sân bay cần được cải thiện, cần nhiều sân bay hơn, vấn đề phục vụ khách hàng, kiểm tra an ninh, hành lý cũng cần được quan tâm. Cả những điểm phục vụ khách, dịch vụ phục vụ tại các cảng là điều hết sức quan trọng”.
Đồng tình quan điểm, theo TS Trần Anh Tuấn, đây là một thương vụ kinh doanh lớn, nhưng trong quá trình hoạt động kinh doanh sẽ phải tùy theo cam kết, thỏa thuận, hiệu quả sản xuất kinh doanh để đánh giá, còn mới nhìn vào sự kiện như vậy chưa thể nào khẳng định, vị thế trên bản đồ hàng không thế giới.
Các nhà đầu tư nước ngoài, các giới kinh doanh sẽ chỉ nhìn vào mục tiêu dài hạn chứ không phải ngắn hạn, trong khi thương vụ mua sắm này là thương vụ lớn nhưng chỉ mang tính ngắn hạn.
Cho nên, việc hãng có nâng được tầm của mình lên hay không còn tùy thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietjet Air, đó là cả một quá trình.
Yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả khai thác từ việc mua sắm, cam kết thỏa thuận, vì trong quá trình mua sắm, thực hiện đầu tư có cam kết với nhà sản xuất mà chúng ta không biết. Phải nhìn lại hiệu quả khai thác về sau mới khẳng định được việc đầu tư máy bay có hiệu quả hay không, nó mang tính dài hạn.
Từ đó, đưa ra nhận định về sự phát triển của thị trường hàng không Việt Nam trong thời gian tới, vị chuyên gia này nói: “Đây là cả một sự vươn lên của toàn bộ hệ thống chứ không riêng gì Vietjet Air, từ cơ sở vật chất, hạ tầng bến cảng, các hãng hàng không, đội ngũ nhân lực, quá trình khai thác, chất lượng dịch vụ, tất cả cộng hưởng lại.
Thời buổi này cạnh tranh rất gay gắt, nhưng tùy theo chiến lược của mỗi hãng bay, phân khúc với giá rẻ của Vietjet Air đang phải cạnh tranh rất nhiều, các hãng như Tiger Air, Jestar Pacific.
Trước những khó khăn đó, để phát triển và vươn lên đó là cả một nghệ thuật trong quản lý kinh doanh để tạo sức cạnh tranh, ngay cả cơ sở vật chất, hạ tầng.
Những dịch vụ công sản kèm theo sẽ tạo nên khả năng cạnh tranh cho đơn vị khai thác kinh doanh, cộng với nội lực nền kinh tế, chiến lược khai thác đúng hướng thì khả năng cạnh tranh tốt lên, thì hiệu quả mới tốt lên được”.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng tin tưởng: “Chắc chắn ngành hàng không Việt Nam sẽ có những phát triển khả quan trong thời gian tới, nhưng khi hiệp định TPP được ký kết, các hãng hàng không VN đứng trước sự cạnh tranh rất lớn với các hãng hàng không khác.
Vì các hãng hàng không quốc tế sẽ du nhập vào VN cạnh tranh rất ráo riết với các hãng hàng không trong nước. Vấn đề ở đây không chỉ là số lượng máy bay mà còn là phục vụ, các vấn đề đi kèm”.