BienDong.Net: Từ đầu năm 2013 đến nay, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã hơn một chục lần truy đuổi, trấn áp các tàu cá Việt Nam đang hoạt động đánh bắt bình thường ở ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đáng chú ý là tham gia vào việc làm bất chính này còn có cả lực lượng hải quân của Trung Quốc mà điển hình là vụ việc tàu hải quân “WANNING 786” của Trung Quốc đã bắn cháy tàu cá số hiệu QNg 96382 TS của Việt Nam gần đảo Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 20/3 vừa qua.
Vụ việc đã làm dấy lên mối lo ngại về việc Trung Quốc triển khai trên thực tế “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển” được tỉnh Hải Nam ban hành cuối năm 2012, xâm hại hoạt động đánh bắt bình thường của những ngư dân nghèo vô tội và đe doạ tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Ngày 25/3/2013, ông Lương Thanh Nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động dã man của các lực lượng Hải quân, Hải giám và Ngư chính Trung Quốc. Ông Nghị nhấn mạnh đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam; hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Ngay ngày hôm sau 26/3 ông Hồng Lỗi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có những phát biểu hết sức ngạo mạn nói rằng hành động của phía Trung Quốc là “chính đáng” và “cần thiết”, và chối bỏ trách nhiệm rằng “không có thiệt hại nào gây cho tàu cá Việt Nam”. Vậy không hiểu ông Hồng Lỗi đã xem những hình ảnh tàu cá QNg 96382 TS bị cháy toàn bộ cabin được đăng tải trên rất nhiều các trang mạng hay chưa? Sự thực vẫn là sự thực, ông Hồng Lỗi có bào chữa như thế nào đi chăng nữa thì hành động của tàu quân sự bắn vào một tàu cá hoàn toàn không được trang bị vũ khí là một hành động vô nhân đạo bị cả cộng đồng quốc tế phê phán. Một hành động vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế như vậy có thể được coi là “chính đáng” như ông Hồng Lỗi đã nói hay chưa? Còn việc ông ta khẳng định là “cần thiết” thì đang đặt ra câu hỏi lớn là có phải Trung Quốc đang leo thang từng bước từ chỗ đe doạ, trấn áp, bắn các tàu cá, rồi tiến đến kiểm tra, lục soát, tấn công các tàu dân sự chở hàng hoá khác ở Biển Đông để thực hiện mục tiêu xây dựng “cường quốc biển” hay không?
Tiếp theo đó, từ tối 26 và sáng 27-3, nhiều cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc, từ Tân Hoa xã, Nhân Dân Nhật Báo đến Cổng thông tin chính phủ Trung Quốc, đều đồng loạt đưa tin dẫn lời một quan chức hải quân với hàm ý phủ nhận chuyện tàu hải quân Trung Quốc đã bắn cháy buồng lái tàu QNg 96382 TS của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa. Người phụ trách cơ quan liên quan đến hải quân Trung Quốc lớn tiếng lấp liếm cho các hành động sai trái của họ khi đổ lỗi cho Việt Nam “bịa đặt” việc “Tàu hải quân Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Việt Nam”. Quan chức này nói: “tàu hải quân Trung Quốc đã bắn chỉ thiên hai phát đạn tín hiệu đỏ để cảnh cáo. Hai phát đạn tín hiệu đã hoàn toàn tắt ngúm trên không trung. Không có việc sử dụng vũ khí bắn vào các tàu cá Việt Nam gây bốc cháy”. Vậy chẳng lẽ những người ngư dân nghèo khó lại tự đốt cháy tàu của mình để rồi thiệt hại hàng trăm triệu đồng và không còn phương tiện đánh bắt hay sao?
Phân tích về sự kiện tàu có vũ trang của Trung Quốc bắn cháy tàu cá QNg 96382 của ngư dân Việt Nam, ông Trần Công Trục, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới đã cho rằng hành vi của lực lượng hải quân Trung Quốc là hoàn toàn vi pháp và vô nhân đạo, thể hiện ở một số điểm sau: một là, hành vi này của tàu chiến Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vi phạm các quyền chính đáng của Việt Nam với các vùng biển liên quan mà chúng ta có quyền hợp pháp theo Công ước Luật Biển 1982; hai là, hành động dùng vũ lực đối với những ngư dân không có một tấc sắt trong tay, làm ăn chính đáng trên vùng biển của mình, cũng không được luật pháp quốc tế thừa nhận. Hiến chương Liên Hợp Quốc đã nghiêm cấm hành vi sử dụng vũ lực để xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của công dân nước khác.
Theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đã quy định rõ, cho dù những hoạt động trên biển của các ngư dân có vi phạm tới vùng biển của nước khác thì việc xử lý những vi phạm đó cũng phải theo thủ tục pháp lý, phải thông báo cho nước liên quan, tuyệt đối nghiêm cấm việc bắt bớ, giam cầm ngư dân chứ chưa nói tới chuyện dùng vũ lực để đe dọa tính mạng, gây tổn thất cho tài sản, thậm chí là cả tính mạng của ngư dân.
Hoa Kỳ có phản ứng mạnh mẽ trước việc tàu Hải quân Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam. Trong vòng 3 ngày Hoa Kỳ liên tiếp hai lần công khai lên tiếng phản đối hành động vô nhân đạo của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam. Ngày 26/3/2013, Phó Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Patrick Ventrell nói: “Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm tới sự kiện tàu Trung Quốc bắn tàu đánh cá Việt Nam, khiến tàu đánh cá Việt Nam bốc cháy, với tư cách là một quốc gia ở Thái Bình Dương, lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ nằm ở việc bảo vệ nền hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật quốc tế, luật thương mại hợp pháp, tàu bè tự do đi lại và thông suốt”; Hoa kỳ “phản đối mạnh mẽ việc đe doạ hoặc sử dụng vũ lực hoặc ép buộc của bất cứ bên liên quan nào nhằm thúc đẩy yêu sách của mình tại Biển Đông”.
Sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc và các quan chức quân đội Trung Quốc có những phát biểu thể hiện sự ngạo mạn cho rằng việc làm của Trung Quốc là “chính đáng và cần thiết”, phủ nhận thực tế tàu Việt Nam bị cháy, ngày 29/3/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland một lần nữa lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc. Bà Nuland nhấn mạnh “Hoa Kỳ lo ngại về những báo cáo liên quan đến vụ việc giữa tàu Trung Quốc và tàu cá Việt Nam dẫn đến tàu cá Việt Nam bị cháy; Hoa Kỳ đang làm rõ thông tin với cả Trung Quốc và Việt Nam; Hoa Kỳ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép của bất cứ bên yêu sách nào ở Biển Đông… Các bên phải bảo đảm an toàn hàng hải và kiềm chế những hành động có thể huỷ hoại triển vọng giải quyết các vấn đề bằng con đường ngoại giao…”. Khi được phóng viên hỏi bà Nuland cho rằng có sự cưỡng ép trong vụ việc tàu cá của Việt Nam. Phát biểu của nữ Phát ngôn viên Victoria Nuland được đưa trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ có thái độ mạnh mẽ như vậy vì Hoa Kỳ nhận ra rằng Trung Quốc đang dùng sức mạnh để trấn áp các nước láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc. Việc Trung Quốc sử dụng tàu quân sự bắn cháy tàu cá dân sự là một bước leo thang mới triển khai “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển” tỉnh Hải Nam ban hành cuối năm 2012 (quy định cho phép các lực lượng chức năng của Trung Quốc kiểm tra, lục soát, bắt bớ tàu nước ngoài ở Biển Đông) nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông, đưa Trung Quốc thành “cường quốc biển”. Điều này thách thức những lợi ích sống còn của Hoa Kỳ ở khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng. Hoa Kỳ thấy rằng với tư cách cường quốc số 1 trên thế giới, nếu Hoa Kỳ không lên tiếng ngăn chặn thì Trung Quốc sẽ còn lấn tới, đe doạ tự do, an ninh an toàn hàng hải và các hoạt động kinh tế dân sự ở Biển Đông.
Nhận định về sự kiện tàu hải quân Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Việt Nam ngày 20-3, Đài Tiếng nói nước Nga (RUVR) ngày 28-3 cho rằng chính sách cứng rắn hơn của Trung Quốc ở Biển Đông được tiến hành theo quy tắc mới về hoạt động của lực lượng cảnh sát biển tỉnh Hải Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 (“Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển”). Điều này có nghĩa Trung Quốc đã rõ ràng xâm lấn tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Úc và Châu Đại Dương (Viện nghiên cứu phương Đông của Nga), nhận xét: “Mặc dù Trung Quốc nói các bạn có thể tiếp tục hàng hải tự do, chúng tôi cho phép nhưng vấn đề lại khác. Nếu trước đây tự do hàng hải là quyền tự nhiên được ghi trong luật pháp quốc tế thì bây giờ tự do hàng hải phải có lời cho phép của Trung Quốc và đó là một tình huống khác”.
Hành động rất nguy hiểm của Trung Quốc mới đây trên Biển Đông, dùng súng bắn cháy ca bin tàu đánh cá của ngư dân Việt trong vùng biển chủ quyền Việt Nam là hành động ngang ngược, độc ác, vô nhân đạo. Việc làm này của Trung Quốc đang thách thức lòng yêu nước của dân tộc Viêt Nam, đồng thời gây mối lo ngại chung cho cả cộng đồng quốc tế về một nguy cơ Trung Quốc ngày càng hiện hữu.
Hình ảnh người ngư dân Việt Nam lao lên boong tàu bảo vệ lá cờ Tổ quốc khỏi bị cháy và quấn vào thân mình đã thể hiện rõ sự kiên cường của mỗi người dân trước những tình huống khó khăn nhất. Những người Lãnh đạo mới của Trung Quốc hay xem lại những trang sử của dân tộc Việt Nam bao lần đánh bại quân xâm lược hung hãn phương Bắc. Ý chí của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện rất rõ trong những câu thơ của Lý Thường Kiệt
“Sông núi nước Nam, vua Nam ở.
Rành rành định phận bởi sách trời.
Cớ sao lũ giặc đến xâm phạm.
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”./.