Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBao dung và tha thứ chỉ làm ta lớn thêm

Bao dung và tha thứ chỉ làm ta lớn thêm

Một cảm giác ngậm ngùi xuất hiện khi nghe Bob Kerrey nói, ông sẵn sàng ra đi nếu thấy mình trở thành lực cản của Đại học Fulbright Việt Nam.

Mấy ngày qua dư luận truyền thông cũng như mạng xã hội Việt Nam xôn xao bàn tán, tranh cãi về việc cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey được mời làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam vì “lý lịch” của ông.

Bob Kerrey đã từng tham chiến tại Việt Nam và tham gia một cuộc thảm sát ở Bến Tre. Theo như ông nói, ông chưa giết một người nào trong cuộc thảm sát năm xưa. Nhưng những ám ảnh về cuộc chiến đã không cho ông bình an, dù cuộc chiến đã lùi xa mấy chục năm qua.

Chính điều đó đã thôi thúc Bob Kerry cũng như nhiều cựu binh khác từng tham chiến tại Việt Nam, có thể kể ra như Thượng nghị sĩ John McCain và Ngoại trưởng John Kerry, đã nỗ lực hết khả năng có thể để giúp đỡ Việt Nam tái thiết và phát triển.

Các cựu binh như ông đã thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và làm giàu thêm kho giá trị nhân văn của nhân loại.

Thiết nghĩ tấm chân tình và những nỗ lực đáng trân trọng ấy của các cựu binh Hoa Kỳ như ông Bok Kerrey sẽ được toàn thể xã hội Việt Nam đón nhận như đón nhận những gì Tổng thống Barack Obama đã mang đến và thể hiện trong chuyến thăm Việt Nam.

Nhưng một vài quan điểm lật lại những trang ký ức đau buồn đối với cả hai phía trong “hồ sơ lý lịch” của ông Bob Kerrey để đặt ngược vấn đề, có nên mời ông làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright đã gây nhiều tranh cãi.

Lập luận của một số quan điểm ấy đưa ra là, đặt ông Bob Kerrey vào vị trí này có thể khơi lại vết thương chiến tranh, nỗi đau trong lòng người Việt Nam về vụ thảm sát ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em ở xã Thạnh Phong, Bến Tre tháng Hai năm 1969.

Lập luận thứ 2 là ông Kerrey không phải thật sự thành công với dự án Đại học New School mà ông từng làm Hiệu trưởng trong giai đoạn 2001-2010 ở New York.

Ông Bob Kerrey đã không né tránh những câu hỏi chất vấn, thẳng thắn trả lời thắc mắc của một số tờ báo ở Việt Nam về những chuyện đã qua, đồng thời một lần nữa nói lời xin lỗi chân thành đến người dân Việt Nam vì những gì lính Mỹ đã gây ra trong chiến tranh, trong đó có ông.

Cựu Thượng nghị sĩ chỉ muốn thông qua nỗ lực vun bồi tình hữu nghị Mỹ – Việt và làm điều gì đó giúp đỡ Việt Nam, trước là để xóa bỏ mặc cảm trong lòng ông về cuộc chiến, sau là góp phần hòa giải thực sự giữa hai dân tộc.

Câu chuyện tưởng chừng có thể kết thúc ở đây, nhưng vẫn có một số quan điểm không đồng thuận, không chấp nhận để cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey đảm nhiệm vai trò mà ông đã nói rõ, nghe thì có vẻ to tát, nhưng thực tế là người đi “xin tiền”, gây quỹ cho Đại học Fulbright.

Còn việc xây dựng và điều hành trường đại học này do một hội đồng người Việt Nam lựa chọn ra và đảm nhiệm. Bob Kerrey đã phải nói với báo chí rằng, ông sẵn sàng rút lui nếu đặt trường Đại học Fulbight vào thế khó.

Đánh kẻ chạy đi

Cha ông ta vẫn dạy con cháu về lòng bao dung và sự tha thứ, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Bao dung và tha thứ được cho người khác cũng chính là giúp mình thoát khỏi phiền não, mặc cảm và khổ đau. Bởi ngày nào còn ôm mối hận trong lòng, ngày đó khó có nổi giây phút bình an.

Mặt khác ông Bob Kerrey đã dám đối mặt với sự thật lịch sử và công khai xin lỗi người dân Việt Nam, nhắc lại lời xin lỗi ấy một cách thành khẩn và cầu thị.

Người viết cho rằng chỉ làm một việc xin lỗi thôi, ông Bob Kerrey đã có thể phải đối mặt với nhiều chỉ trích, lực cản từ chính đồng đội ông ở Hoa Kỳ. Nhưng ông vẫn quyết định làm những gì mình cho là đúng.

Tiếp tục xoáy vào một chương buồn trong lý lịch của ông ấy và cũng là chương buồn trong quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ có phải là cách hành động nhân văn như cha ông ta vẫn dạy?

Người dân Hiroshima vẫn chào đón Tổng thống Obama đến thăm, dù không có lời xin lỗi chính thức nào được đưa ra cho những nạn nhân của 2 quả bom nguyên tử. Không phải vì họ đã quên quá khứ hay phai nhạt nỗi đau.

Nhưng họ biết nén nỗi đau ấy lại để tương lai, cuộc sống được hồi sinh. Vị thế của Nhật Bản bây giờ có được thiết nghĩ phần lớn là nhờ vào tinh thần ấy. Đó là nói về tình.

Nói về lý, nếu ai đó đặt vấn đề ông Bob Kerrey nên rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright vì “lý lịch”, thì tại sao khi Thượng nghị sĩ John McCain hay Ngoại trưởng John Kerry sang thăm Việt Nam chúng ta vẫn đón tiếp trọng thị và nồng nhiệt?

Bởi lẽ ông John McCain từng là phi công lái máy bay ném bom miền Bắc trong chiến tranh, chắc gì số người thiệt mạng vì những quả bom ấy ít hơn con số 12 người trong cuộc thảm sát ở Bến Tre?

Hơn nữa việc một cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ được mời làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright người viết cho rằng, đó là thể hiện sự coi trọng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng như cơ sở đào tạo này.

Vì trong chế độ chính trị Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ có vai trò, vị thế và ảnh hưởng rất lớn, chỉ một bước có thể trở thành Tổng thống. 

Hơn nữa, người Việt Nam hẳn không ai quên 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam bị lính Trung Quốc thảm sát ở Gạc Ma năm 1988 khi đang làm nhiệm vụ xây dựng, tay không tấc sắt. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta mãi đối đầu với Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Quốc sang Việt Nam, chúng ta vẫn tiếp đãi trọng thị như lãnh đạo các nước khác, thể hiện tinh thần hòa hiếu của dân tộc, mưu cầu hòa bình ổn định lâu dài và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Dù một phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc vẫn bị họ kiểm soát bất hợp pháp, dù ngư dân Việt Nam đánh bắt bao đời trên Biển Đông nay đang phải đối mặt với những mối đe dọa tính mạng và tài sản từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc, nhưng đâu phải vì thế mà chúng ta đóng lại mọi cánh cửa đối thoại.

Trong bối cảnh ấy mà vẫn có những tiếng nói muốn ép những cụu binh Hoa Kỳ như Thượng nghị sĩ Bob Kerrey không được tiếp tục đóng góp cho hòa bình, phát triển của Việt Nam cũng như tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ở cương vị họ có thể phát huy tối đa khả năng, năng lực và hiệu quả chỉ vì lý lịch, dù họ đã công khai và thành khẩn xin lỗi, thì thật bẫn nhẫn.

Xương máu nào cũng là xương máu, nỗi đau chiến tranh nào cũng là nỗi đau. Ép cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey phải rời vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright là chính chúng ta đang khoét sâu thêm những vết thương chiến tranh vừa mới lành chứ không phải ông ấy.

Nó không khác nào một gáo nước lạnh dội lên những tấm lòng đã đủ dằn vặt vì chiến tranh và đang mong muốn đóng góp cho tình hữu nghị Việt – Mỹ của các cựu binh Hoa Kỳ.

Tiếng nói khác biệt

Người viết cũng muốn chia sẻ với cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey rằng, ở Việt Nam, Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác, chín người thì mười ý là chuyện hết sức bình thường và chắc chắn ông Bob Kerrey không lạ gì điều này.

Đặc biệt trên cương vị một cựu Thượng nghị sĩ, ông Bob Kerrey đã và đang vận động Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ ngân sách cho Đại học Fulbright, bản thân ông cũng phải đối mặt với những định kiến, những chỉ trích thậm chí gay gắt từ một bộ phận dư luận Hoa Kỳ vẫn còn những nhận thức khác biệt về Việt Nam, hay mặc cảm về cuộc chiến.

Tôn trọng những tiếng nói khác biệt chẳng phải là những giá trị mà Hoa Kỳ theo đuổi đó sao? Vậy nên người viết hy vọng rằng, ông Bob Kerrey có thể vượt qua được những tiếng nói khác biệt ấy và không để nó trở thành rào cản những nỗ lực tốt đẹp của ông dành cho Việt Nam và quan hệ Việt – Mỹ, mặc dù về tâm lý có thể điều ấy không dễ dàng.

Như ông Bob Kerrey chia sẻ với báo Vietnamnet, ông đã bắt đầu tham gia dự án thành lập một trường đào tạo cao học ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1991 khi Chiến tranh Lạnh vừa kết thúc.

Vậy là 25 năm qua ông đã nỗ lực không mệt mỏi để có được thành quả ngày hôm nay, Đại học Fulbright ra đời. Chắc chắn trong quãng thời gian đó ông Bob Kerrey gặp phải những khó khăn và rào cản không nhỏ kể từ cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ.

Những khó khăn rào cản đó phần lớn do lịch sử để lại, và cũng là do nhận thức của đôi bên chưa theo kịp với thực tế phát triển sinh động của nhân loại và quan hệ song phương.

Trong khi đó công việc và đóng góp của ông cho Đại học Fulbright rất ý nghĩa, đó là lo đảm bảo kinh phí cho trường, bởi người Việt Nam vẫn nói, có thực mới vực được đạo.

Còn việc ông Bob Kerrey xin ngân sách hỗ trợ cho “cựu thù” trong mắt một bộ phận Nghị sĩ và người dân Hoa Kỳ vẫn còn những định kiến về Việt Nam chắc chắn không phải chuyện dễ dàng.

Nay nếu chỉ vì một vài ý kiến khác biệt mà bỏ cuộc thì thật đáng tiếc, tiếc cho 25 năm nỗ lực của cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey, tiếc cho Đại học Fulbright, và tiếc cho quan hệ Việt – Mỹ, Dù ông nói rằng có nhiều người giỏi hơn ông có thể thay thế, và ông sẵn sàng ra đi nếu trở thành lực cản cho trường.

Cá nhân người viết tin rằng, những tiếng nói khác biệt nhằm vào ông Bob Kerrey ở Việt Nam chỉ là thiểu số. Rất nhiều người chào đón ông và cần những bàn tay thân thiện, chung sức xây đắp hòa bình hữu nghị từ những cựu binh như ông.

Hình ảnh người dân Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đứng dày đặc hai bên đường chào đón Tổng thống Obama đã cho thấy, dù người Việt không quên quá khứ, nhưng đã sẵn sàng gác lại quá khứ hướng tới tương lai, cùng hợp tác với Hoa Kỳ vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước cũng như khu vực.

Cá nhân người viết cũng không có ý chỉ trích hay lên án những tiếng nói khác biệt ấy. Người viết chỉ nghĩ rằng, đó là những gì còn sót lại của chiến tranh, dù không ai muốn. Có người đã gác lại quá khứ, nhưng cũng có người vẫn chưa sẵn sàng, còn bận lòng, trăn trở, băn khoăn.

Đó là điều bình thường và cần có thời gian.

Mặt khác, hai nước đã chính thức bình thường hóa quan hệ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ và Tổng thống Obama là nguyên thủ thứ 3 liên tiếp của nước Mỹ thăm chính thức Việt Nam, mang theo nhiều cơ hội hợp tác cùng sự chào đón nồng nhiệt của người Việt Nam, Đại học Fulbright được Chính phủ Việt Nam chính thức cấp phép thành lập.

Thiết nghĩ chừng đó cũng đủ để ông Bob Kerry tự tin bước tiếp.

Bao dung và tha thứ chỉ làm ta lớn thêm

25 năm nỗ lực vun đắp cho quan hệ Việt – Mỹ với nhiều việc làm thiết thực, trong đó có việc thúc đẩy thành lập và vận động gây quỹ cho Đại học Fulbright, người viết tin rằng ông Bob Kerry làm điều này không phải chỉ vì muốn “trả nợ”, món nợ tinh thần của cá nhân ông với nhân dân Việt Nam vì cuộc chiến đã lùi xa 40 năm về trước.

Hình ảnh người dân Việt Nam chào đón Tổng thống Obama nói lên nhiều điều. Ảnh: VOV.

Mà nó còn cho thấy, dường như ông đã yêu mảnh đất và con người nơi đây. Bởi nếu chỉ làm những việc này để “trả nợ”, ông Bob Kerrey hay các cựu binh khác như Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain không cần mất nhiều công sức đến thế.

Và người Việt Nam đón nhận ra sao thì đón nhận, không đón nhận thì thôi, ông cũng không cần quá bận tâm. Chỉ có tình yêu đất nước và con người Việt Nam mới cho các cựu binh Mỹ như ông sức mạnh và sự bền bỉ, kiên trì để vượt qua rào cản và định kiến, bước tiếp con đường của mình đến thế.

Đọc những lời tâm sự của ông khi trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam xung quanh những vấn đề “lý lịch” của ông trong cuộc chiến, người viết càng tin hơn vào điều này.

Một cảm giác ngậm ngùi xuất hiện khi nghe Bob Kerrey nói, ông sẵn sàng ra đi nếu thấy mình trở thành lực cản của Đại học Fulbright Việt Nam.

Người viết chỉ hy vọng rằng, những quan điểm khác biệt hãy cho thêm Bob Kerry thời gian để hoàn thành tâm nguyện tốt đẹp ấy. Và đồng thời cũng mong cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey bao dung hơn với những tiếng nói khác biệt, hãy xem nó đơn giản chỉ là những gì còn rơi rớt lại của chiến tranh. 

Vết thương da thịt có thể nhanh chóng lành lại, nhưng vết thương lòng đôi khi phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực.

Bản thân ông cũng đang bị những vết thương ấy hành hạ, mà người viết thiết nghĩ chỉ có đi tiếp con đường ông đang đi, lý tưởng ông đã chọn cống hiến phần còn lại của cuộc đời cho quan hệ hữu nghị Việt – Mỹ mới giúp ông tìm được phương thuốc chữa lành những vết thương.

Tất nhiên trong xã hội có người yêu, kẻ ghét, nhưng người viết tin ông đã tìm thấy cho mình điều cần tìm từ hình ảnh người dân Việt Nam chào đón Tổng thống Obama.

Quyết định của Chính phủ Việt Nam cho phép thành lập Đại học Fulbright mà ông đang là Chủ tịch Hội đồng Tín thác là đủ căn cứ pháp lý cho ông bước tiếp. Một số người có thể không đồng tình nhưng không ai được phép ngăn cản ông tiếp tục đóng góp, vun bồi cho quan hệ Việt – Mỹ.

Có thể đâu đó còn có những quan điểm lo ngại về “diễn biến hòa bình” hay cho rằng, bản thân ông Bob Kerry, Đại học Fulbright có mục đích nào đó khác nữa không có lợi cho Việt Nam.

Tuy nhiên người viết tin rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai hợp tác cùng Hoa Kỳ tức là hai bên đã có được lòng tin chiến lược.

Quyết định cho phép thành lập Đại học Fulbright đã được ký có nghĩa là các vấn đề liên quan đã được bàn thảo kỹ lưỡng và thống nhất từ hai phía, nên những băn khoăn lo lắng ấy là không cần thiết.

Chúng ta cho phép Trung Quốc thành lập Viện Khổng Tử, cho Nga thành lập Phân viện Puskin thì không có lý do gì để lo ngại một Đại học Fulbright của Hoa Kỳ.

Người Việt đã từng trải qua quá nhiều chiến tranh và mất mát, ngày nay đang tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hơn ai hết người Việt hiểu được vận mệnh của mình, đâu là thù và đâu là bạn.

Mong rằng những nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị và tương lai phát triển phồn vinh của dân tộc Việt Nam từ bạn bè quốc tế, kể cả từ các quốc gia từng đem quân xâm lược Việt Nam, dù lớn dù nhỏ cũng đều được nâng niu, trân trọng. Hận thù và nghi kỵ là rào cản của tương lai, phát triển, còn bao dung và tha thứ chỉ giúp ta lớn thêm.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới