BienDong.Net: Cuộc săn lùng năng lượng của Trung Quốc nhằm duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ngày càng hướng đến những vùng nước sâu ở Biển Đông, tâm điểm những cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN.
Tập đoàn dầu khí quốc gia ngoài khơi (CNOOC), công ty sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc đang gia tăng năng lực khoan ở vùng biển sâu nhằm đáp ứng nhu cầu dầu ngày càng tăng của đất nước.
Dàn khoan Offshore Oil 981, công cụ bành trướng trên biển của Trung Quốc (ảnh Internet)
Trong những năm gần đây, CNOOC và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc như Tập đoàn Sinopec đã tham gia các dự án thăm dò dầu khí biển sâu với các đối tác lớn như Total và Shell ở Tây Phi và ngoài khơi Brazil.
Tuy nhiên, trong các thương vụ này, các công ty Trung Quốc chỉ đóng vai trò thứ yếu và thụ động với khả năng tiếp cận hạn chế kĩ thuật thăm dò và khai thác dầu khí biển sâu.
Để khắc phục tình trạng này, tháng trước, CNOOC đã kí hợp đồng bom tấn mua lại Nexen, một công ty Canada hoạt động thăm dò dầu lửa ở vùng biển sâu hiện có các dự án trải dài từ vịnh Mexico đến Tây Phi. CNOOC thanh toán cho Nexen 15,1 tỉ USD, đánh dấu đây là thương vụ mua lại doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc tính đến thời điểm này.
Vụ mua lại Nexen diễn ra chưa đầy 1 năm sau khi CNOOC tiếp nhận siêu dàn khoan nước sâu được đóng với chi phí gần 1 tỉ USD tại Thượng Hải.
Cả hai sự kiện này đều là chỉ dấu cho thấy CNOOC có ý định bắt đầu thăm dò vùng nước sâu nhiều tiềm năng khoáng sản ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Bruinei có những yêu sách chủ quyền lãnh thổ chồng lấn nhau.
Lập trường vẫn được Trung Quốc tuyên bố đó là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với toàn bộ vùng Biển Đông nằm trong phạm vi đường 9 đoạn gây tranh cãi của họ.
Hôm 20.3, một lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc đã triển khai tại khu vực nằm cách bờ biển phía nam Trung Quốc 1.800 km, cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km trong hành động được coi là một thông điệp mạnh mẽ một cách bất ngờ ở vùng viễn nam của Biển Đông.
Hiện tại, dàn khoan khổng lồ của Trung Quốc, có tên là Haiyang Shiyou, hay Offshore Oil 981 vẫn tránh xa các vùng tranh chấp ở Biển Đông. Dàn khoan này đang hoạt động ở ngoài khơi bờ biển Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông, mặc dù theo nhận định của bà Erica Downs, một học giả làm việc tại Viện Brooklings (Mỹ), “nếu CNOOC muốn khoan tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông thì họ hoàn toàn có thể làm việc đó”.
Có một số khu vực tranh chấp cần một dàn khoan lớn như Offshore Oil 981 để thực hiện việc khoan dầu tại những vùng nước sâu. Và còn có những khu vực tranh chấp khác ở vùng nước nông, nơi người ta không cần loại dàn khoan lớn như vậy để khoan dầu.
Mặc dù vậy, theo báo Al Jazeera, Offshore Oil 981 đã mở ra những biên giới mới trên biển cho sự phát triển của Trung Quốc. Dàn khoan nửa nổi nửa chìm này có thể hoạt động tại những vùng biển sâu tới 3 km và khoan giếng tới độ sâu 10 km.
Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng tỉnh Phúc Kiến, nhận định rằng dàn khoan này là vô cùng quan trọng, bởi lẽ trước đây CNOOC không có kinh nghiệm và kĩ thuật khoan ở vùng biển sâu. Lin nói ông tin rằng CNOOC cuối cùng sẽ đưa dàn khoan này ra thăm dò các vùng biển sâu ở khu vực miền Trung và miền Nam Biển Đông.
Mối quan tâm của Trung Quốc đối với biển một phần xuất phát từ vấn đề an ninh năng lượng. Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới phải dựa vào nhập khẩu để đáp ứng 56% tiêu thụ dầu thô của mình hồi năm ngoái, gấp hơn hai lần mức 26% năm 2000.
Tài nguyên năng lượng dưới đáy biển sâu có thể giúp Trung Quốc giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện vẫn không rõ có bao nhiêu dầu và hơi đốt ở Biển Đông do tranh chấp lãnh thổ cản trở các hoạt động thăm dò.
Các con số ước tính do Trung Quốc đưa ra cho rằng Biển Đông có tiềm năng khổng lồ. Nam Hải (Biển Đông) có thể chứa tới 17 tỉ tấn dầu và hơn 14 nghìn tỉ m3 hơi đốt, chủ tịch CNOOC là Wang Yilin nói như vậy tại Đại hội đảng cộng sản hồi tháng 11 năm ngoái.
Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung quốc ước tính trữ lượng dầu ở vùng này là từ 23 đến 30 tỉ tấn và khí đốt là khoảng 16 nghìn tỉ m3. Các kĩ sư Trung Quốc cho rằng khoảng 70% tài nguyên dầu và khí đốt này nằm dưới vùng biển sâu, ở độ sâu từ vài trăm mét tới 3 km.
Một số phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc thậm chí còn gọi Biển Đông là “ Vịnh Pếch xích thứ hai”.
Một báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ công bố tháng 3.2008 cho rằng dự trữ dầu ở Biển Đông là từ 28 tỉ đến 213 tỉ thùng dầu, đáp ứng nhu cầu sử dụng dầu hiện tại của Trung Quốc trong hơn 60 năm.
Tuy nhiên, theo các ước tính độc lập, trữ lượng dầu ở Biển Đông khiêm tốn hơn. Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho rằng Biển Đông chỉ có trữ lượng dầu và khí đốt được xác định tương đương 2,5 tỉ thùng dầu. Mặc dù vậy, bất cứ phát hiện dầu nào cũng phải mất một thời gian nữa mới có thể khai thác được, và chắc chắn dầu lửa Biển Đông không phải là giải pháp ngắn hạn để giải quyết mối lo ngại của Trung Quốc về tình trạng phụ thuộc vào dầu và khí đốt nhập khẩu.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với lợi ích của họ khi hồi tháng 10.2012 họ tuyên bố vùng biển này là khu vực sản xuất khí đốt chủ yếu vào năm 2015 là khi Trung Quốc dự kiến sản xuất mỗi năm 15 tỉ m3 khí đốt từ các mỏ ở Biển Đông, chiếm 75% tổng sản lượng khí đốt của Trung Quốc.
Đương nhiên, theo Al Jazeera, việc thực hiện mục tiêu này hàm chứa những rủi ro về chính trị và ngoại giao.
Tại lễ khai trương dàn khoan ngoài khơi Offshore Oil 981 năm ngoái, Chủ tịch CNOOC đã khiến dư luận chú ý khi tuyên bố CNOOC sẽ “nỗ lực bảo vệ lợi ích dầu lửa ngoài khơi của đất nước”.
“Các dàn khoan nước sâu khổng lồ là lãnh thổ quốc gia di động của chúng ta và là vũ khí chiến lược thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của đất nước”- Wang tuyên bố như vậy trong bối cảnh cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough.
Các nhà phân tích cho rằng kinh nghiệm thăm dò dầu khí biển sâu của Nexen là một nhân tố thúc đẩy CNOOC thâu tóm công ty này. Tuy nhiên, theo Erica Downs, kinh nghiệm của công ty Nexen có phần nào bị thổi phồng. Bà cũng cho rằng không nhất thiết bất cứ kinh nghiệm nào mà CNOOC thu được ở vùng Vịnh cũng có thể áp dụng tại Biển Đông.
BDN (theo Al Jazeera và Reuters)