Nga tuyên bố đã nắm quyền quản lý hoạt động của các công ty Ý và Đức tại nước này, đồng thời cảnh báo tịch thu tài sản của Mỹ nếu Washington đóng băng dự trữ ngân khố của Moscow.
Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani ngày 27.4 thông báo chính phủ nước này đã triệu tập đại sứ Nga để làm rõ việc “quốc hữu hóa Tập đoàn Ariston Thermo”, hãng máy nước nóng nổi tiếng của Ý.
Động thái diễn ra sau khi Nga ngày 26.4 công bố sắc lệnh do Tổng thống Vladimir Putin ký, theo đó, giao toàn bộ cổ phần của các công ty tại Nga gồm Ariston Thermo Rus (thuộc sở hữu của Ariston) và BSH Household Appliances (thuộc BSH Hausgerate GmbH) cho Gazprom Household Systems, công ty con của tập đoàn Gazprom (Nga). BSH Hausgerate cho biết đang thảo luận với Gazprom Household Systems và sẽ không bình luận vào lúc này, theo AFP.
Tòa án Nga ra lệnh tịch thu tài sản của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase
Từ khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã lấy quyền quản lý tạm thời nhiều công ty con tại nước này của các hãng phương Tây như Danone (Pháp) hay Carlsberg (Đan Mạch) nhằm đáp trả các lệnh cấm vận đối với công ty Nga.
Cựu Tổng thống Nga Dimitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang, ngày 27.4 cảnh báo Nga có thể tịch thu tài sản của công dân và nhà đầu tư Mỹ tại Nga, nếu Washington làm điều tương tự đối với nguồn dự trữ tiền tệ của Moscow đang bị phương Tây đóng băng.
Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép Nhà Trắng tịch thu tài sản Nga tại các ngân hàng Mỹ và chuyển cho Ukraine. Khoảng 300 tỉ USD tài sản của Nga đang bị đóng băng, hầu hết là tại các tổ chức tài chính châu Âu.
Theo Reuters, ông Medvedev nói rằng Nga không nắm giữ số tài sản dự trữ tương xứng của Mỹ để tịch thu nên chỉ có thể hành động đối với tài sản của các cá nhân. “Đây là câu chuyện phức tạp bởi những cá nhân này thường là nhà đầu tư trong nền kinh tế Nga và chúng tôi đảm bảo quyền bất khả xâm phạm đối với tài sản riêng của họ. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, nhà nước của họ tuyên bố một cuộc chiến tranh lai lên chúng tôi. Điều này phải được đáp trả”, ông Medvedev nói.