Chủ tịch Thượng viện Hun Sen đã nói rõ rằng Campuchia sẽ không nhượng bộ hay đàm phán với bất kỳ quốc gia nào liên quan đến Kênh đào Funan Techo dài 180 km.
Ông nhấn mạnh Hiệp định Mekong năm 1995 không yêu cầu bất kỳ thành viên nào của Ủy ban sông Mê Công (MRC) phải làm như vậy.
“Tôi sẽ không nhượng bộ về vấn đề này và tôi muốn thẳng thắn nhấn mạnh rằng không cần thiết phải đàm phán. Đừng cố ép Campuchia vào bàn đàm phán”, ông nói khi phát biểu tại hội nghị Hiệp hội Oknha Campuchia tổ chức vào tối 26/4.
Việc xây dựng kênh đào Funan Techo sẽ được khởi công vào cuối năm nay và sẽ nối sông Bassac với bờ biển của Vương quốc tại tỉnh Kep. Dự án đã gây quan ngại cho các quan chức Việt Nam cũng như các học giả ở nước láng giềng.
Hun Sen giải thích rằng Hiệp định Mekong chỉ yêu cầu các bên ký kết thông báo cho MRC về các dự án được xây dựng trên các nhánh sông Mekong. Nó không bắt buộc các thành viên phải tìm kiếm sự tư vấn hoặc sự chấp thuận nhất trí giữa các bên ký kết.
“Hãy để tôi giải thích. Chúng tôi không sử dụng sông Mekong, chúng tôi đang sử dụng sông Bassac, vốn chỉ là một nhánh. Về vấn đề này, chúng tôi không cần tham vấn gì cả vì chúng tôi chỉ sử dụng một nhánh sông Mekong”, ông nói.
Theo Hun Sen, Campuchia đã thông báo cho MRC về dự án này vào tháng 8 năm ngoái.
“Tôi thắc mắc liệu Hiệp định Mekong 1995 có còn hiệu lực hay không. Nếu còn thì không cần thương lượng nữa. Nếu bạn muốn biết về dự án, hãy hỏi thông tin chi tiết từ MRC. Chúng tôi có thể cung cấp thêm thông tin nếu cần thiết nhưng sẽ không có đàm phán”, ông nói thêm.
Ông cũng cảnh báo nếu Việt Nam không hài lòng với dự án này, Vương quốc có thể buộc phải cấm hàng hóa Campuchia quá cảnh Việt Nam qua ngả sông Mekong.
“Không có con kênh này, chúng tôi giống như phải phụ thuộc vào oxy của người khác để thở. Họ có thể cắt nó bất cứ lúc nào họ muốn. Tôi muốn Việt Nam hiểu rằng đây chính là lý do Campuchia phải hoàn thành dự án này”, ông giải thích.
Hun Sen đã trình bày chi tiết về những lợi ích của kênh đào, bao gồm việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng ra biển và cải thiện điều kiện nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở phía tây nam Vương quốc thông qua việc trữ nước, cũng như việc sử dụng kênh để hấp thụ nước lũ vào mùa mưa và làm hồ chứa trong mùa khô.
Ông lưu ý rằng nó cũng sẽ giảm chi phí hậu cần xuống dưới mức phí hiện hành mà các cảng Việt Nam hiện đang áp dụng.
Ngoài ra, nó sẽ giúp cải thiện việc vận chuyển hàng hóa được sản xuất tại các tỉnh dọc thượng nguồn sông Mekong và xung quanh Biển Hồ (Tonle Sap).
“Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu được sự cần thiết của tất cả những lợi ích này. Gần đây ở Đại học Cần Thơ cũng có trao đổi về vấn đề này”, ông nói.
Ông cũng giải thích rằng tác động của dự án đối với người dân sống dọc theo con kênh mới sẽ rất ít vì tuyến đường của nó sẽ đi theo con đường của những con kênh lịch sử đã tồn tại từ lâu.
Phản bác lại những tuyên bố của các học giả tại Đại học Cần Thơ, Hun Sen đặt câu hỏi về khẳng định của họ rằng việc xây dựng kênh đào có thể dẫn đến mất tới 70% nguồn cung cấp nước cho đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.
Ông lưu ý kênh sẽ tích trữ nước mưa trong mùa mưa và nước mặn sẽ không xâm nhập vào các tỉnh của Campuchia dọc theo kênh đào.
“Khi cơ sở hạ tầng mới này hoàn thiện, nước mưa sẽ đủ để duy trì mực nước. Dự án sẽ bao gồm 3 con đập có cống đảm bảo nước ngọt không chảy ra biển và nước mặn không xâm nhập vào kênh”, ông nói.
Xoa dịu lo ngại rằng con kênh bằng cách nào đó có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng, như một số nhà phê bình đã cáo buộc, Hun Sen nói: “Campuchia không ngu ngốc đến mức cho phép quân đội Trung Quốc đồn trú trên lãnh thổ của chúng tôi, vi phạm hiến pháp của chúng tôi”.
Ông nói thêm: “Dù sao thì Trung Quốc cũng không ngu ngốc đến mức bố trí binh lính của họ ở đây, vì điều này sẽ trái với các nguyên tắc độc lập và chủ quyền của Vương quốc”.
Ông cũng lưu ý rằng hiện tại đang có tình trạng thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù việc xây dựng kênh đào thậm chí còn chưa bắt đầu và cho rằng tình trạng này là do tự nhiên và đã xảy ra gần đây nhất là vào năm 2016.
Ông cũng nhớ lại việc Campuchia đã từ bỏ kế hoạch xây dựng một đập thủy điện – vốn có công suất 3.000 MW – do những lo ngại từ cả các nhóm trong nước và Việt Nam, nhưng nhắc lại rằng Vương quốc sẽ không lùi bước trong việc xây dựng kênh đào.
Ông Hun Sen cho biết: “Kênh Funan Techo sẽ không ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà sẽ tạo ra một kết nối mới giữa sông Bassac và biển, đồng thời tạo ra nguồn cung cấp nước mới dọc theo kênh đào”.
Ông kêu gọi người dân Campuchia cũng như Việt Nam tránh xung đột phi lý và cân nhắc lợi ích to lớn của dự án.
Trong trường hợp dự án xây dựng gặp khó khăn về tài chính, ông kêu gọi các thành viên của Hiệp hội Oknha can thiệp và hỗ trợ dự án cơ sở hạ tầng lớn bằng cách đầu tư vào đó.
Ông nói thêm: “Tôi kêu gọi mỗi người dân Campuchia của mình hãy ủng hộ Kênh đào Funan Techo”.
Cựu thủ tướng cũng khuyên các cường quốc nước ngoài ngừng lấy việc phản đối dự án làm cái cớ để phản đối tham vọng và tiến bộ của Campuchia.
T.P