Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTướng Ukraine nêu thời điểm có thể đàm phán hòa bình với...

Tướng Ukraine nêu thời điểm có thể đàm phán hòa bình với Nga

Quan chức tình báo cấp cao của Ukraine thừa nhận Kiev đến lúc một nào đó sẽ phải tham gia đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột.

Thiếu tướng Vadym Skibitsky, phó giám đốc cơ quan tình báo quân sự HUR của Ukraine, nói với tạp chí Economist rằng, cuối cùng các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine sẽ cần thiết phải diễn ra, giống như mọi cuộc chiến tranh khác.

“Tướng Skibitsky nói rằng ông không thấy cách nào để Ukraine có thể tự mình giành chiến thắng trên chiến trường. Ngay cả khi họ có thể đẩy lực lượng Nga trở lại biên giới – một viễn cảnh ngày càng xa vời – thì chiến tranh cũng sẽ không kết thúc”, Economist đưa tin.

“Ông Skibitsky cho biết những cuộc chiến như vậy chỉ có thể kết thúc bằng các hiệp ước. Hiện tại, cả hai bên đang tranh giành “vị thế thuận lợi nhất” trước các cuộc đàm phán tiềm năng. Nhưng các cuộc đàm phán có ý nghĩa chỉ có thể bắt đầu sớm nhất vào nửa cuối năm 2025, ông dự đoán”, theo Economist.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức khác cho biết, Nga không được mời tham dự “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” dự kiến tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 vì không có gì đảm bảo rằng Moscow sẽ thương lượng một cách thiện chí.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba dường như có cùng quan điểm với tướng Skibitsky, khi ông nói trong một cuộc phỏng vấn trong tuần này với tạp chí Foreign Policy rằng, mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ là “kết nối các quốc gia có chung nguyên tắc và cách tiếp cận để họ có thể tiến hành các hành động tiếp theo”.

“Sau đó, việc trao đổi với Nga có thể diễn ra và Nga có thể tham gia vào các cuộc đàm phán. Bởi vì cuối cùng, bạn không thể chấm dứt chiến tranh nếu không có sự tham gia của cả hai bên”, ông Kuleba thừa nhận.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông báo nước này đã mời hơn 160 phái đoàn đến dự hội nghị về Ukraine, bao gồm các nước G7, G20 và BRICS. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa được mời “tính đến thời điểm hiện tại”.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, mục đích của hội nghị ngày 15-16/6 tại Burgenstock nhằm “đưa tiến trình hòa bình trong tương lai đến gần hơn và phát triển các bước đi thực tế hướng tới điều đó”.

Chính quyền Thụy Sĩ nói rằng tất cả các nước tham gia “sẽ có thể bày tỏ ý tưởng và tầm nhìn về một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine”. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh rằng các bên tham gia hội nghị về Ukraine sẽ cố gắng xác định lộ trình để cả hai bên xung đột tham gia vào tiến trình hòa bình và thúc đẩy sự hiểu biết chung về khuôn khổ lộ trình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 2/5 tuyên bố Moscow sẽ không tham gia hội nghị về Ukraine ở Thụy Sĩ, hoặc bất kỳ sự kiện nào khác liên quan tới “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Công thức hòa bình của Kiev kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, cũng như thành lập một tòa án để truy tố các quan chức hàng đầu của Nga vì phát động cuộc chiến. Nga đã bác bỏ đề xuất này vì cho rằng “xa rời thực tế”.

Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận “thực tế mới về lãnh thổ”. Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines ngày 2/5 dự đoán chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khó có thể sớm kết thúc. Theo bà, Moscow có thể sẽ tiếp tục “chiến thuật ngày càng quyết liệt” chống lại Ukraine, bao gồm cả các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng.

RELATED ARTICLES

Tin mới