Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhìn nhận lại “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của TQ

Nhìn nhận lại “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của TQ

Sáng kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên trong hai bài phát biểu vào năm 2013. Bài đầu tiên ở Kazakhstan, nơi ông đề cập đến “vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”, kết nối Trung Quốc với Trung Á, Đông Nam Á , Nam Á, tới tận châu Âu.

Các khoản đầu tư và xây dựng của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường trên các lĩnh vực khác nhau từ năm 2013 đến 2023 (đơn vị: tỉ USD).

Vành đai đó là một mạng lưới cơ sở hạ tầng kết nối với nhau thành một hành lang kinh tế. Ngay sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trình bày một vành đai trên biển ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Ông nhắc tới một “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, kết nối các thành phố cảng ở Biển Đông, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.

Tháng 5/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức giới thiệu sáng kiến “Vành đai và Con đường” trước lãnh đạo 28 quốc gia, như một chính sách đối ngoại tham vọng nhất của Chính phủ Trung Quốc. Chính sách này khẳng định việc Trung Quốc tài trợ và bảo lãnh cho vay hàng trăm tỷ đô la để đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền quốc gia này với châu Âu. Ước tính, Trung Quốc đã chi trung bình khoảng 150 tỷ đô la mỗi năm ở 68 quốc gia đã tham gia chương trình này.

Mục tiêu của sáng kiến đầy tham vọng này là cung cấp đường cao tốc, đường sắt, đường ống, cảng biển, và các nhà máy năng lượng vốn vô cùng cần thiết đối với các nước, với mục tiêu tạo ra “Vành đai” bao gồm một mạng lưới khổng lồ các tuyến đường cao tốc và đường sắt qua Trung Á, và tạo ra “Con đường” là một chuỗi các tuyến đường biển và cảng biển giữa châu Á và châu Âu.

Trung Quốc tuyên bố viện trợ 400 tỷ đô la nhưng phần lớn số tiền là các khoản vay để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu tính theo giá trị thực, Sáng kiến này lớn hơn nhiều Kế hoạch Marshall có giá trị 130 tỷ đô la tính theo giá đô la ngày nay mà Mỹ đã chi để hồi sinh các nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá của châu Âu.

Sáng kiến “Vành đai và con đường” thể hiện tư duy đối ngoại mới của Trung Quốc, từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” như trước, chuyển sang tạo lập sức ảnh hưởng của nước này trên phạm vi toàn cầu.

Có lẽ vì thế, Trung Quốc đã chịu không ít “điều tiếng” và “thuyết âm mưu” khi thực thi chính sách này. Những chỉ trích gay gắt nhất đến từ Mỹ, quốc gia mà sự thống trị toàn cầu đang bị Vành đai Con đường thách thức. Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ tuyên bố rằng Sáng kiến Vành đai Con đường là một dạng bẫy nợ, và cảnh báo vay tiền từ Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia rơi vào một cái bẫy gài sẵn.

Thuyết âm mưu này căn cứ vào việc Trung Quốc áp dụng các tiêu chí cho vay thấp hơn so với phương Tây, với lãi suất thấp hơn và thời gian ân hạn cũng như trả nợ dài hơn. Rộng hơn, thuyết này chỉ trích Trung Quốc đang cố tình gây sức ép buộc nước khác tham gia vào Vành đai Con đường. Bằng cách lôi kéo các nước xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, Trung Quốc tạo ra sự phụ thuộc khi các nước mất đi khả năng trả nợ. Khi đó, họ bắt buộc phải nhượng lại cổ phần hoặc mất đi quyền khai thác đối với dự án cho Trung Quốc.

Thực tế, đúng là đối với các quốc gia không quản lý tốt tài chính, các khoản nợ của Trung Quốc đang tạo ra gánh nặng cho họ. Các quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất hiện nay là Pakistan, Kenya, Zambia, Lào và Mông Cổ. Dự trữ ngoại tệ những nước này dần cạn kiệt khi phải sử dụng để thanh toán lãi cho các khoản vay. Thống kê cho thấy, 50% tổng các khoản nợ nước ngoài của các nước này là từ Trung Quốc và họ phải sử dụng 1/3 tổng thu nhập công để trả nợ.

Ví dụ, Lào hiện vay nợ Trung Quốc ước tính khoảng 12,2 tỷ USD hay 64,8% GDP Lào vào năm 2021. Riêng dự án đường sắt Boten – Vientiane có chi phí 6,9 tỷ USD, trong đó Exim Bank của Trung Quốc cho vay 60%. Lào đã phải cam kết lấy thu nhập từ một mỏ bauxite và ba mỏ kali làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Các khoản nợ lớn cũng đã đe dọa tới chủ quyền quốc gia của một số nước như trường hợp Sri Lanka phải cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota với thời hạn 99 năm để trả món nợ 1,2 tỷ USD.

Các khoản cho vay mạnh tay của Trung Quốc và một số trường hợp không quản lý tốt nợ như trên khiến Mỹ và phương Tây đẩy lên quan ngại rằng Bắc Kinh đang tạo ra gánh nặng cho các quốc gia khác bằng những khoản nợ không thể trả nổi.

Thực tế, phần lớn các quốc gia đang phát triển đều đối mặt với nhu cấp bách trong việc phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng và nguồn vốn của Trung Quốc đã góp phần giải quyết hiệu quả nhu cầu này, đẩy mạnh sự kết nối giữa các khu vực và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong các dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hiện nay, Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay nhất vào các dự án tại Đông Nam Á. Dự án đường sắt nổi trội nhất tại khu vực là dự án Đường sắt Côn Minh – Singapore, kết nối thành phố phía Nam của Trung Quốc tới các thành phố lớn nhất của phần Đông Nam Á lục địa. Cho tới năm 2020, phần lớn mạng lưới đường sắt này đã được lập kế hoạch và triển khai xây dựng. Đặc biệt, vào cuối năm 2021, đoạn đường sắt cao tốc nối Boten tới Vientiane đã hoàn thành và được đưa vào vận hành, kết nối thẳng từ Côn Minh tới thủ đô của Lào. Thái Lan cũng có động thái xúc tiến xây dựng tuyến đường sắt mới bằng nguồn vốn của Trung Quốc, kết nối với các tuyến đường sắt quốc tế tại biên giới.

Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất vào châu Phi khi đã cho khu vực này vay tổng cộng 160 tỷ USD, trong đó 47 tỷ USD cho giao thông vận tải, 41 tỷ USD cho hạ tầng điện và 18 tỷ USD cho khai khoáng. Dưới khuôn khổ Vành đai Con đường, Trung Quốc đã giúp các nước châu Phi xây dựng hơn 6.000 km đường sắt, 6.000 km đường bộ, khoảng 20 cảng, hơn 80 cơ sở điện lớn.

Theo tổng kết mới nhất của Trung Quốc, trong giai đoạn 2013 – 2023, thông qua các khoản đầu tư tài chính và cho vay, Trung Quốc đã đầu tư 962 tỷ USD cho sáng kiến Vành đai Con đường.

Tổng kết lại 10 năm thực hiện chính sách này của Trung Quốc, cần một cái nhìn thực tế và khách quan vào mục đích cũng như hiệu quả của chính sách này đối với các nước phát triển.

Thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và các nước phát triển phương Tây đối mặt với rất nhiều khó khăn nội tại, việc Trung Quốc mạnh dạn cho các nước đang phát triển vay là chính sách tốt. Các khoản vay này nếu được thực hiện đúng và chặt chẽ sẽ tạo ra nền tảng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế của các nước. Và thực tế này đã được chứng minh ở nhiều quốc gia, khu vực.

Quy kết rằng mọi khoản vay của Trung Quốc đều là “bẫy nợ” là quan điểm một chiều, phiến diện. Thực tế, ngược lại, Trung Quốc còn đang sợ các quốc gia khác không trả được nợ nên phải “phanh” bớt tốc độ giải ngân cho các dự án khó có khả năng chi trả. Từ năm 2017 đến năm 2019, Trung Quốc đã phải đàm phán lại, xóa các khoản vay trị giá 17 tỷ USD. Từ năm 2020 đến tháng 3/2023, con số này tăng lên 78,5 tỷ USD. Mất một số tiền lớn, Trung Quốc cũng đã cắt giảm mạnh tốc độ tài trợ cho các dự án Vành đai Con đường, đặc biệt là khi Covid-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và bản thân tăng trưởng của chính Trung Quốc.

Các cơ quan quản lý kinh tế Trung Quốc còn đang đánh giá dòng vốn chảy ra các siêu dự án ở nước ngoài nằm trong Vành đai Con đường đã gây bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Trung Quốc đã giảm số lượng dự án cho vay quy mô lớn, nỗ lực kiểm soát các khoản đầu tư ra nước ngoài do “sợ” bị nợ hơn là cố tình đi “bẫy nợ” nước khác.

Thứ hai, mỗi quốc gia đều phải quản lý kinh tế chặt chẽ và hợp lý trên cơ sở thực lực của nước mình. Vay khác với viện trợ, nghĩ một cách đơn giản là tự nguyện của người đi vay, và khi có sự chấp thuận của đôi bên thì phải có hợp đồng ghi rõ các điều kiện và các chế tài trong đó, nghĩa là có vay – sẽ có trả, trả bằng gì và vào thời gian nào được ghi rõ trong hợp đồng. Gần đây, một số quốc gia bị Trung Quốc siết nợ do không có tiền trả nợ đã phải thế chấp bằng khoáng sản hoặc tài sản theo thỏa thuận giữa hai quốc gia, điều này đã được ghi rõ trong hợp đồng. Trong trường hợp này không thể coi là bẫy nợ, mà đó là trả nợ cho Trung Quốc. Vay nợ là cần thiết để phát triển nhưng đi vay quá khả năng chi trả là lỗi tại các nhà quản lý đất nước chứ không thể đổ hết cho Trung Quốc. Một số trường hợp mất chủ quyền, mất dự án do không trả được nợ cũng phải xem lại năng lực tính toán từ đầu thay vì quy tất cả trách nhiệm cho bên cho vay.

Theo thông tin có được thì Trung Quốc cũng đang tái định hướng các khoản vay dễ dàng trước đây bằng các chương trình hướng tới mô hình bền vững hơn. Thay vì tập trung cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng tốn kém, Trung Quốc đang để ý hơn tới các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, viễn thông, năng lượng xanh. Các khoản vay cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2016 và 2017 và hiện đang chuyển hướng thân thiện hơn với môi trường, và mang hàm lượng chất xám cao hơn.

Như vậy, các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam cần có cái nhìn tỉnh táo, minh bạch, thấu suốt, kỹ lưỡng, không vì cần tiền cho phát triển mà bị lệ thuộc, nhưng cũng không thể bỏ lỡ thời cơ phát triển. Các khoản vay từ Trung Quốc có thể mang lại hiệu quả tốt nếu các nhà quản lý kinh tế tính toán đúng các điều kiện cho vay và có khả năng trả nợ hợp lý.

Không tận dụng các cơ hội để phát triển và làm cho đất nước tụt hậu cũng nguy hiểm không kém rơi vào “bẫy nợ”. Nguồn vốn từ Trung Quốc hay từ bất kỳ quốc gia nào khác cũng cần được tính toán kỹ lưỡng như nhau để thực sự phục vụ lợi ích quốc gia cũng như nhu cầu phát triển của đất nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới