Giới chức G7 thừa nhận rằng việc tịch thu toàn bộ tài sản bị đóng băng của Nga không còn được bàn đến nữa.
Tờ Financial Times đưa tin, một số quan chức của nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) thừa nhận riêng biệt rằng việc tịch thu toàn bộ tài sản bị đóng băng của Nga không còn được bàn đến nữa.
Ukraina đang thúc đẩy phương Tây tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga, nhưng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước G20 khác không thống nhất được việc này.
Indonesia và Saudi Arabia đã cảnh báo EU tại cuộc họp gần đây của các Bộ trưởng Tài chính G20 rằng, việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga có thể tạo tiền lệ nguy hiểm trong luật pháp quốc tế.
Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỉ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga như một phần của lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraina.
Hầu hết số tiền này được nắm giữ ở EU và trong khi Mỹ khẳng định luật pháp quốc tế cho phép chiếm dụng số tiền này thì một số thành viên EU lại tỏ ra miễn cưỡng khi thực hiện bước đi đó, cho rằng động thái như vậy có nguy cơ tạo ra tiền lệ nguy hiểm trong luật pháp quốc tế, với những tác động sâu rộng.
Các quan chức EU cho hay, những lo ngại lại dấy lên trong cuộc họp gần đây của các Bộ trưởng Tài chính G20 ở Brazil. Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed al-Jadaan và người đồng cấp Indonesia Sri Mulyani Indrawati, được cho là nằm trong số những người đặc biệt cảnh giác trước nguy cơ tịch thu tiền của Nga.
Một quan chức châu Âu nói với Financial Times, cả hai quốc gia này đều “rất lo lắng” về tương lai tài sản của họ được nắm giữ ở phương Tây, đồng thời nói thêm rằng mối quan tâm chính là liệu tiền của họ có “vẫn an toàn” ở đó hay không.
Nhật Bản, Pháp, Đức và Italy vẫn “rất thận trọng” về vấn đề này, dẫn đến bế tắc. Một số người hoài nghi nổi bật nhất là các Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 như Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde – người trước đây đã cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga có nguy cơ phá vỡ trật tự quốc tế.
Tờ Financial Times dẫn lời bà Philippa Webb của King’s College London, tác giả một nghiên cứu của Nghị viện châu Âu về tính hợp pháp của việc tịch thu tài sản Nga, cho biết: “Hệ thống pháp luật quốc tế của chúng ta không có lực lượng cảnh sát, mà thực sự chỉ dựa trên sự tôn trọng cơ bản đối với luật pháp quốc tế”.
Bà giải thích: “Rủi ro là nếu chúng ta phớt lờ những nguyên tắc này, chúng cũng có thể được các quốc gia khác sử dụng để chống lại chúng ta và chúng ta sẽ đặt ra một tiền lệ có thể gây ra những tác động không lường trước được về sau”.
Các quan chức châu Âu nói với Financial Times, Mỹ dễ dàng áp dụng lập trường cứng rắn hơn vì Washington chỉ nắm giữ khoảng 5 tỉ USD tài sản nhà nước của Nga, nên họ có “rất ít quyền lực trong cuộc chơi” so với châu Âu.
Tháng 4 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật cho phép tịch thu tài sản của Nga đang cất giữ trong các ngân hàng Mỹ.
Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ thảo luận về tài sản bị phong tỏa của Nga tại hội nghị thượng đỉnh ở Italy vào tháng 6 tới.
Creon Butler, Giám đốc Chương trình Tài chính và Kinh tế Toàn cầu tại Chatham House, viết trong một bài bình luận tuần vừa rồi: “Tịch thu tài sản nhà nước Nga nên là biện pháp cuối cùng”.
Theo Butler, không chắc lợi ích của việc tịch thu tài sản Nga sẽ lớn hơn cái giá mà G7 sẽ phải gánh chịu, lưu ý rằng “hỗ trợ tài chính cho Ukraina thông qua chi tiêu công thông thường, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, có thể là lựa chọn tốt hơn”.
Mátxcơva đã nhiều lần tuyên bố rằng việc tịch thu tài sản bị phong tỏa sẽ làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào hệ thống tài chính phương Tây, cũng như suy yếu vị thế của đồng USD và điều này sẽ rất khó khôi phục.
T.P