Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNỗ lực để cứu vãn những 'đứt gãy' thương mại giữa hai...

Nỗ lực để cứu vãn những ‘đứt gãy’ thương mại giữa hai lục địa Á – Âu.

Khác với thảm đỏ và cờ hoa phô trương lộng lẫy, chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực tế lại chính là nỗ lực cấp cao nhất nhằm cứu vãn những ‘đứt gãy’ thương mại ngày càng sâu sắc giữa hai lục địa Á – Âu.

Trong bối cảnh chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz được xem như đại diện của “quân xanh” với chuyến thăm ôn hòa đến Bắc Kinh vào giữa tháng 4 vừa qua, thì sự song hành của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lại đại diện cho lập trường cứng rắn của “quân đỏ” về phía Liên minh châu Âu (EU) trong quan hệ với cả hai thế lực là Trung Quốc và Nga.

Sự điều phối thống nhất của EU với cả “quân xanh” và “quân đỏ” ở trên được xem là nước cờ cao tay trên bàn đàm phán khi sẽ tạo nên những hiệu ứng dư luận nhằm khiến Trung Quốc từng bước ủng hộ những kịch bản thỏa hiệp có lợi cho EU.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy ông Tập đã có nước cờ “chéo vai” nhằm hóa giải thế trận này của châu Âu.

Bắc Kinh “đổi màu” lập trường

Dựa trên xuất phát điểm về nhận thức của châu Âu cho rằng cả Trung Quốc và Nga đều đang có lập trường cứng rắn có thể gây tổn hại đến thương mại và chuỗi cung ứng nguyên liệu của EU, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rất khéo léo triển khai ba bước tuyên truyền về sự “đổi màu” lập trường của Trung Quốc từ cứng rắn sang ôn hòa.

Bước vận động đầu tiên chính là các hứa hẹn sẽ “để ngỏ” sự ưu tiên hơn nữa khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc từ các công ty của Đức trong chuyến thăm của Thủ tướng Scholz. Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với một số loại thịt bò (do lo ngại bệnh bò điên), thịt heo và táo của Đức nhằm thể hiện thiện chí trước cách tiếp cận “khách quan” từ ông Scholz.

Dựa trên mô hình tiếp cận đầy thiện chí điển hình của “quân xanh” (ôn hòa), ông Tập đã thăm dò được sự phân tách của dư luận châu Âu giữa hai xu hướng nhận thức ủng hộ lợi ích tài chính ngắn hạn (từ phía Đức) và quan ngại về rủi ro an ninh dài hạn (từ phía Pháp và châu Âu).

Từ đó, bài viết của ông trên nhật báo lâu đời nhất nước Pháp Le Figaro vào ngày 5-5 và bài phát biểu ngay sau khi đặt chân đến Paris đã liên tục nhấn mạnh quá trình xây dựng quan hệ Trung Quốc – Pháp như một mô hình kiểu mẫu về khái niệm “chung sống hòa bình”, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của ông Macron khẳng định sự sống còn của EU phụ thuộc vào “quyền tự chủ chiến lược” tương đồng với Trung Quốc như “hai cường quốc cùng có tinh thần độc lập”.

Các “thông tin tuyên truyền” không chỉ mô tả thành công lập trường “quân xanh” của Trung Quốc mà còn gây áp lực đáng kể đến các quan điểm cứng rắn nhất của EU nhằm chống lại sự thống trị tiềm năng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ xanh bao gồm cả ô tô điện. Ông Macron được cho là đang đứng sau tất cả các nỗ lực “chống” này.

Vẫn giữ bản chất “quân đỏ”

Do đó, cả ba bước triển khai nói trên từ phía Trung Quốc dường như đã đạt hiệu quả trong việc điều hướng dư luận ở Pháp nói riêng và cả châu Âu nói chung cùng lãng quên trong ngắn hạn lập trường cứng rắn của chính ông Tập.

Cụ thể nhất chính là giúp dư luận châu Âu lãng quên bản chất chuyến đi lần này của chủ tịch Trung Quốc không phải một chuyến thăm châu Âu như truyền thông mong đợi, khi ông không có lịch trình đến thăm Brussels (trụ sở của EU) ngay sau khi rời Paris mà sẽ tập trung vào Serbia và Hungary – hai quốc gia có xu hướng ngả về trục ảnh hưởng của Nga – Trung trong khu vực.

Không chỉ vậy, cách tiếp cận “chéo vai” độc đáo của ông Tập sẽ được thể hiện rõ không chỉ vì đã hoán đổi thành “quân xanh” khi tiếp cận với cặp đôi lãnh đạo Emmanuel Macron – Ursula von der Leyen đại diện cho “quân đỏ” ở thượng tầng EU, mà còn nằm ở khả năng truyền tải bản chất “quân đỏ” (cứng rắn) của Trung Quốc ở các chuyến đi sắp tới đến Serbia và Hungary.

Trong đó, ông Tập dự kiến sẽ tài trợ thúc đẩy phục hồi lại tuyến đường sắt giữa Budapest và Belgrade giúp vận chuyển hàng hóa Trung Quốc tăng cường từ cảng Piraeus của Hy Lạp đến EU, bất chấp sự “mất cân bằng” hiện tại về thương mại giữa Trung Quốc với châu Âu mà EC đang tiến hành điều tra vì nghi ngờ trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc đang làm “bóp méo” sự cạnh tranh công bằng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã bắt đầu các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các nhãn hiệu rượu brandy và cognac sang trọng của Pháp nhằm đối trọng với khả năng thúc đẩy một “cuộc chiến tranh thương mại toàn diện” từ phía EU.

Như vậy, Trung Quốc đã khéo léo chuyển vai “quân xanh” để đối phó với trục “quân đỏ” của châu Âu, trong khi dự kiến sẽ quay lại vai trò “quân đỏ” với châu Âu ở phần còn lại của chuyến thăm.

Chiến thuật “chéo vai” này dường như có phần cao tay hơn trong bối cảnh EU đang có xu hướng “nước đôi” khi vừa muốn giảm thiểu rủi ro từ hợp tác với Trung Quốc vừa muốn duy trì xu hướng tự chủ chiến lược nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào cả Nga và Mỹ khiến cho Trung Quốc lại trở thành điểm đến tất yếu.

RELATED ARTICLES

Tin mới