Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói ông không thể chấp nhận vụ chiến đấu cơ Trung Quốc gây nguy hiểm cho máy bay quân sự của Úc đang làm nhiệm vụ ở không phận quốc tế.
Hãng tin Reuters dẫn phát biểu ngày 7-5 của Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói rằng Úc “không thể chấp nhận được” vụ chạm trán với máy bay chiến đấu của Trung Quốc khiến máy bay quân sự Úc rơi vào tình thế nguy hiểm.
Vụ việc xảy ra khi chiếc trực thăng của quân đội Úc đang tham gia vào một hoạt động thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên.
Úc tố chiến đấu cơ Trung Quốc phóng pháo sáng
Trước đó, hôm 6-5, quân đội Úc tố một máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát và gây nguy hiểm cho một trực thăng quân sự của Úc.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết chiếc máy bay phản lực J-10 của không quân Trung Quốc đã thả pháo sáng cách vài trăm mét phía trước chiếc trực thăng MH60R Seahawk của quân đội Úc.
Bộ Quốc phòng Úc cho biết chiếc trực thăng MH60R Seahawk cất cánh từ tàu khu trục HMAS Hobart của Úc tránh được pháo sáng, nhưng cuộc đối đầu giữa hai bên khiến máy bay và những người ngồi trên máy bay gặp nguy hiểm, dù may mắn không có ai bị thương trong vụ việc.
Theo phía Úc, khi vụ chạm trán trên không xảy ra, chiếc trực thăng của quân đội Úc ở trong vùng biển quốc tế, không phận quốc tế và đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ theo khuôn khổ chiến dịch thực thi các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Triều Tiên theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
“Lẽ ra họ không nên gặp bất kỳ nguy hiểm nào”, ông Albanese nói. Theo Thủ tướng Albanese, công chúng Úc đang đợi một lời giải thích từ phía Trung Quốc về vụ việc. Úc cũng đưa ra những phản ánh “rất mạnh mẽ” đối với Trung Quốc sau vụ chạm trán trên không.
Trả lời trên chương trình truyền hình Nine’s Today Show ngày 7-5, thủ tướng Úc nói Trung Quốc vẫn chưa công khai phản hồi về những cáo buộc từ phía Úc.
“Chúng tôi đã nêu công khai vấn đề này để có thể nói một cách rõ ràng và dứt khoát rằng hành vi này là không thể chấp nhận được”, ông Albanese nói trên sóng truyền hình.
Ông Albanese tiết lộ Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự kiến đến thăm Úc trong tháng tới. “Chúng tôi sẽ nêu rõ quan điểm của mình trong các cuộc thảo luận”, nhà lãnh đạo Úc nói thêm.
Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi chính thức liên quan đến các cáo buộc từ Úc.
Không phải lần đầu chạm trán
Đây là vụ đối đầu giữa Úc và Trung Quốc thứ hai trong vòng sáu tháng, kể từ khi hai quốc gia này làm lành và tiến đến hàn gắn mối quan hệ sau nhiều năm căng thẳng chính trị và tranh chấp thương mại.
Vào tháng 11-2023, quân đội Úc tố một chiếc tàu hải quân Trung Quốc sử dụng sóng siêu âm dưới nước làm bị thương một số thợ lặn Úc ở vùng biển thuộc hải phận Nhật Bản. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận việc sử dụng sóng siêu âm làm bị thương các thợ lặn Úc. Ở chiều ngược lại, phía Úc đã bác bỏ lời giải thích của Bắc Kinh.
Trước đó, vào năm 2022, Úc cho biết một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc bắn tia laser vào một máy bay quân sự Úc gần bờ biển phía bắc nước Úc.
Cũng trong năm 2022, Úc tố một chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc chặn đầu một máy bay giám sát của quân đội Úc ở khu vực Biển Đông. Ông Lưu Kiến Siêu – trưởng Ban Liên lạc đối ngoại trung ương Trung Quốc – cho rằng các động thái của hải quân Úc ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông dường như là nỗ lực nhằm kiềm chế Bắc Kinh.
Úc đã bác bỏ cáo buộc này và nói rằng Canberra luôn tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế.