Trong lịch sử phát triển của các quốc gia Đông Nam Á, hầu như đều chứng kiến những dấu ấn của người Hoa trong nhiều giai đoạn khác nhau. Từ những người di cư từ Trung Quốc trong hơn một thế kỷ trước, các Hoa kiều đã trở thành những ông trùm kinh doanh giàu có và quyền lực ở khu vực Đông Nam Á với những tập đoàn có sức ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của cả một quốc gia.
Quá trình người Hoa di cư xuống Thái Lan
Người Thái gốc Hoa là khái niệm để chỉ những người dân Thái Lan có nguồn gốc là người Hán từ Trung Quốc di cư sang. Khái niệm này cũng giống với việc người Việt Nam gọi người Việt gốc Hoa hay là người Mã Lai gốc Hoa vậy. Nhìn chung, người Hoa đến Thái Lan trong nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau và vì nhiều lý do khác nhau, nhưng có thể chia thành ba giai đoạn chính. Trong đó, giai đoạn đầu tiên được diễn ra khi nhà Nguyên được thành lập vào thế kỷ 13.
Trong quá trình người Mông Cổ thôn tính Trung Hoa, bên cạnh việc đánh bại nhà Nam Tống, thì họ còn tiến hành tàn sát dã man những người trung thành với nhà Tống. Trong thảm cảnh chết chóc tang thương, nhiều người đã rời bỏ tổ quốc để tìm đến lánh nạn ở một số quốc gia Đông Nam Á. Sự thiết lập của triều Nguyên đã tạo ra một giai đoạn mới trong lịch sử di cư của người Hoa ra nước ngoài với mục đích thôn tính vùng Đông Nam Á, nhà Nguyên không những tiến hành mở rộng chiến tranh xâm lược mà việc mở rộng giao lưu buôn bán cũng được đẩy mạnh ở khu vực Thái Lan ngày nay.
Nếu như trước thế kỷ 13, các cụm dân cư người Hoa chỉ xuất hiện rất ít ở ven Vịnh Thái Lan, thì từ thế kỷ 13 trở đi, các làng và phố xá của người Hoa bắt đầu được lập nên. Họ là những người di cư từ Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Dưới thời Ayutthaya, khi Vương Quốc này mở rộng quan hệ buôn bán với nhà Nguyên, nó đã kéo theo số lượng lớn người Hoa nhập cư và thời điểm này có một cộng đồng người Hoa nhỏ nằm ở thủ đô Ayutthaya, cũng như một cộng đồng lâu đời tại Patani nằm ở cực Nam của đất nước.
Tuy nhiên, những biến động vào nửa sau thế kỷ 14 ở Trung Quốc đã làm gián đoạn giao thương giữa người Hoa và người Thái trong vài thập kỷ. Nhưng cộng đồng người Hoa ở Ayuthaya đã phát triển khá mạnh và đáp ứng được nhu cầu về hàng hóa Trung Hoa ở Thái Lan.
Giai đoạn thứ hai diễn ra từ đầu thế kỷ 15, dưới thời nhà Minh, khi đó chính quyền Nhà Minh đã ban hành một số chính sách cải cách khuyến khích nền kinh tế hàng hóa phát triển thông qua việc xây dựng những đội thuyền khổng lồ để mở rộng mạng lưới giao thương với các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, Trịnh Hòa là một tướng lĩnh của nhà Minh đã chỉ huy các cuộc thám hiểm đổ bộ lên bờ biển Vịnh Thái Lan vào năm 1405 và 1433. Họ đã đến Ayuthaya và những nơi khác của đất nước này. Khi trở về, với những kinh nghiệm di cư thực tế cũng như cuộc sống của mình tại vùng đất mới, thì họ đã khuyến khích người Hoa di cư đến đất nước Chùa Vàng. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của những Lukin đầu tiên, là tên để chỉ con có cha là người Hoa và mẹ là người Thái. Cũng từ thời gian này mà hoạt động thương mại đã dần được nối lại.
Dưới thời trị vì của vua Fran Rai, trên toàn lãnh thổ Ayutthaya có khoảng 3000 người Hoa sinh sống theo một viên công sứ người Hà Lan ở Patani viết vào năm 1616, số người Hoa ở đây còn đông hơn cả dân bản địa rất nhiều. Bên cạnh đó, những người Nhật, người Anh, người Pháp cũng đến buôn bán với người Thái rất nhiều. Nhưng sau đó, những thương nhân này đều phải rút lui và để lại cơ sở của họ cho người Hoa. Sở dĩ mà người Hoa luôn làm ăn buôn bán và sống yên ổn là vì họ không bị coi là người ngoại quốc trong mắt người Thái. Do đó, mặc dù có những trở ngại về việc buôn bán với nước ngoài ở Trung Quốc, nhưng làn sóng di cư của người Hoa sang Ayutthaya vẫn tiếp tục trong suốt thế kỷ 16 và 17 với số lượng lớn.
Những người Hoa sinh sống ở trong cũng như ngoài thành phố này, phần lớn là người buôn bán nhưng cũng có những người làm các nghề khác như là chăn nuôi lợn, nghề thủ công. Bên cạnh đó, có những người làm ca kịch vì kịch Trung Hoa đều được triều đình Ayutthaya rất ưa thích. Những người Hoa làm nghề thầy thuốc cũng rất được kính trọng. Ở Ayutthaya cũng có một số khu vực người Hoa theo Đạo Thiên Chúa trước khi thực dân Pháp cho các giáo sĩ truyền đạo tại khu vực này. Người Hoa ở đây cũng tham gia giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình của nhà vua. Có thể nói, cộng đồng người Hoa dưới triều đại Ayutthaya không chỉ gồm những thương nhân và người buôn bán mà còn có cả những người có học thức tham gia vào bộ máy chính quyền, thợ thủ công, những diễn viên ca kịch và cả những người chăn nuôi.
Giai đoạn 3 diễn ra ở thế kỷ 17 khi nhà Minh sụp đổ và nhà Thanh lên cầm quyền cai trị Trung Hoa. Vào thời điểm này, tình trạng mất mùa nghiêm trọng, thuế tăng, thiên tai liên tiếp xảy ra ở Trung Quốc đã khiến cho người dân khốn đốn và tạo ra một làn sóng di cư lớn của cộng đồng người Hoa sang Đông Nam Á. Trong đó, số lượng lớn người Hoa di cư sang khu vực Thái Lan ngày nay ngày càng đông và chiếm tỉ lệ đáng kể. Nếu trước đây người Hoa đến Thái Lan chủ yếu bằng đường bộ từ phía Nam Trung Quốc vào thời bấy giờ, họ đến đây bằng tàu thuyển xuất phát từ Hải Nam và các hải cảng lân cận. Giai đoạn này cũng chứng kiến cộng đồng người Hoa ở Thái Lan phát triển lớn mạnh, phần lớn nhờ vào sự ưu ái đến từ vua Taksin của vương quốc Thonburi, một vị quốc vương người Thái gốc Hoa. Ông là con của một viên quan thu thuế đến từ Triều Châu, còn mẹ của ông là người Thái. Tên tiếng Hoa của Taksin là Trịnh Chiêu hay là Trịnh Tín, còn sách xử tiếng Việt còn gọi ông là Trịnh Quốc Anh.
Trong 14 năm trị vì của Taksin, người Hoa đã tập trung thành những cộng đồng lớn, họ lập ra các khu chợ buôn bán và phục vụ các nhu cầu của cư dân trong Kinh Đô nằm dọc bờ phía tây của sông Chao Phraya. Ở đây, người Hoa sinh sống và buôn bán rất phát đạt và đa phần họ đều nhanh chóng trở nên giàu có. Tuy nhiên, thời kỳ đỉnh cao này cũng nhanh chóng qua đi khi vương quốc Thonburi của Taksin bị lật đổ bởi hai vị tướng quân thân cận, đồng thời cũng là hai anh em, đó là Chao Phraya Chakri và Chao Phraya Surasih.
Sau này, Chao Phraya Chakri được tôn lên làm vua của vương quốc Rattanakosin hay vương quốc Xiêm và lấy vương hiệu là Rama I. Ông có tên khai sinh là Thong Duang và được sinh ra trong gia đình có sáu anh chị em. Cha của ông là một quý tộc người Môn chịu trách nhiệm cai trị các tỉnh đông bắc Xiêm, còn mẹ là một người Thái gốc Hoa.
Đầu thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã đẩy mạnh xâm lược và bành trướng vào khu vực Đông Nam Á. Thái Lan tuy không bị một cường quốc nào trực tiếp cai trị nhưng với những hiệp ước không bình đẳng được ký kết như hiệp ước Anh-Xiêm được ký kết vào năm 1855, hiệp ước này đã đi vào lịch sử quan hệ ngoại thương của Xiêm với tên gọi là Hiệp ước Bowring. Theo quy định của những điều khoản được ký kết, Xiêm phải chấp nhận quyền lãnh sự, tài phán, thủ tiêu sự độc quyền của Hoàng Gia và tư nhân về hàng hóa thương mại quá cảnh.
Vào năm 1879, Hoa kiều đã kiểm soát toàn bộ máy xay lúa chạy bằng hơi nước do người Anh bán. Hầu hết các doanh nhân hàng đầu ở Thái Lan vào thời điểm này đều có gốc Trung Quốc và chiếm một bộ phận đáng kể trong tầng lớp thượng lưu của Thái Lan.
Vào năm 1890, bất chấp sự thống trị của người Anh về vận tải biển, người Thái gốc Hoa vẫn nắm giữ đến 62% thị phần trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, họ cũng thống trị ngành công nghiệp giải trí và truyền thông thời kỳ đầu ở đất nước Chùa Vàng. Tiếp đó, người Hoa cũng kiểm soát 1/3 tổng số xưởng cưa ở Bangkok vào năm 1924. Còn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, họ cũng kiểm soát phần lớn các ngân hàng và cơ sở kinh doanh tài chính.
Sau cuộc đảo chính năm 1947, Thái Lan là một nền kinh tế nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp nhà nước và chính người Hoa đã tạo động lực cho quá trình công nghiệp hóa khi biến nền kinh tế Thái Lan trở thành một nền kinh tế dựa trên thương mại định hướng xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu với các mặt hàng xuất khẩu chính là gạo, thiếc, cao su và gỗ.
Những chính sách đồng hóa người Hoa, dân số đông đảo cùng với sự thống trị trong các lĩnh vực kinh tế của người Hoa đã bắt đầu tạo ra sự phẫn nộ trong xã hội Thái Lan vào những năm đầu thế kỷ 20 và nó càng trở nên quyết liệt hơn khi xuất hiện trong các chính sách của chính phủ mà khởi đầu từ những tuyên bố của vua Rama 6.
Đây là một vị vua có tư tưởng dân tộc mạnh mẽ dù tổ tiên của ông có một phần dòng máu Hoa kiều cũng như là có vợ gốc Hoa. Nhưng mà ông đã thể hiện thái độ bài xích người Hoa. Trong quá trình trị vì, vua Rama 6 đã viết một cuốn sách với tựa đề “Người Do Thái Ở Phương Đông” và cho rằng các doanh nhân Hoa kiều đang gặt hái thành công từ sự tổn thất của người Thái bản địa.
Chính những tư tưởng này của nhà vua đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên tinh thần bài Hoa kiều của xã hội Thái Lan. Đặc biệt là trong giới chính trị và thượng lưu, họ đã đổ lỗi cho các doanh nhân người Thái gốc Hoa đã làm nền kinh tế khó khăn. Họ xem giới tài chính Hoa kiều đã làm bần cùng từng lớp nông dân Thái vì những món nợ với lãi suất cao.
Từ đó, vua Rama 6 và chính phủ của ông đã ban hành nhiều chính sách nhằm đồng hóa người gốc Hoa trên lãnh thổ Thái Lan trong đó buộc tất cả phải sử dụng họ bằng tiếng Thái, kiểm soát các trường học chuyên biệt cho người Hoa, thậm chí là đặt ra các tiêu chuẩn ngôn ngữ buộc người Hoa phải nói được tiếng Thái.
Nhiều năm sau đó, chính quyền Thái Lan đã bắt đầu thực thi các luật bắt buộc đồng hóa công dân. Điều này trở nên đặc biệt rõ ràng sau khi cuộc đảo chính thay đổi chế độ từ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến vào năm 1932 khiến cho giới chức nước này áp dụng các biện pháp đồng hóa quyết liệt hơn nhiều thông qua việc ban hành chính sách Thái hóa với đối tượng hướng đến là người gốc Hoa và một số dân tộc thiểu số khác nhằm tạo ra một quốc gia do người Thái thống trị.
Trong những năm 1930 và 1940, nhiều đạo luật đã được đưa ra để loại trừ những người gốc Hoa ra khỏi 27 ngành nghề khác nhau. Chính quyền Bangkok cũng tiến hành quốc hữu hóa một số lĩnh vực kinh tế và đặt chúng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Việc dạy học bằng tiếng Trung bị cấm hoặc chỉ được phép ở các trường tư nhưng chỉ được sử dụng trong một khung giờ giới hạn được quy định.
Từ năm 1952 đến năm 1953, Chính phủ Thái Lan đã áp dụng một loạt các biện pháp như tăng phí căn cước cư trú của Hoa kiều từ 20 bạt lên 100 bạt nhằm hạn chế người Hoa nhập cảnh vào quốc gia này. Đồng thời sửa đổi một số bộ luật trong trong đó có luật quốc tịch bắt buộc người Hoa phải đổi tên sang tiếng Thái nếu muốn nhập tịch quốc gia.
Năm 1975, chính phủ Thái Lan tuyên bố những người Hoa sau khi nhập tịch sẽ được hưởng quyền công dân trong đó có quyền bầu cử và ứng cử. Ngoài ra, con của những gia đình Hoa kiều mà sinh ra ở Thái Lan nếu nhập quốc tịch thì cũng được hưởng mọi quyền lợi chính trị giống hoàn toàn như người Thái. Nhìn chung, trước hàng loạt chính sách thắt chặt mạnh mẽ của giới chức Bangkok, một bộ phận người Hoa đã chọn rời khỏi đất nước và trở về Trung Quốc hoặc di cư đến các quốc gia khác, trong khi những người Hoa còn lại chọn cách sống chung và hòa nhập với quốc gia sở tại, họ cũng lấy tên Thái để ít bị chú ý hơn.
Tính đến cuối năm 2023, Thái Lan có dân số là 70 triệu 180 nghìn người, trong đó có khoảng 9 triệu người gốc Hoa và họ chiếm khoảng 13% dân số cả nước. Hiện đây không chỉ là cộng đồng thiểu số lớn nhất của đất nước Chùa Vàng mà còn là cộng đồng Hoa kiều lớn nhất thế giới. Phần lớn họ tập trung ở các thành phố lớn như là thủ đô Bangkok, Trường Mai hay Phuket…
Cộng đồng người Hoa tại Thái Lan hiện được chia thành năm nhóm chính. Trong đó, đông đảo nhất là nhóm người Hoa Triều Châu khi nhóm này chiếm khoảng 56% dân số người Thái gốc Hoa. Nhiều chính trị gia Thái Lan cũng như các doanh nhân dầu có hiện nay đa phần xuất thân từ Triều Châu. Nhóm đông thứ hai là nhóm người Hoa gốc Khách Gia chiếm 18% trong cộng đồng người Thái gốc Hoa. Hiện những người Hoa Khách Gia đang sở hữu nhiều ngân hàng tư nhân ở Thái Lan, nổi bật là ngân hàng Kasikorn và ngân hàng Kiatnakin. Ba nhóm còn lại lần lượt là nhóm người Hoa gốc Quảng Đông, nhóm người Hoa gốc Phúc Kiến và nhóm người Hoa gốc Hải Nam.
Nhìn chung, cộng đồng người Hoa hiện đang hòa nhập tốt tại Thái Lan cũng như có lợi thế về kinh tế hơn so với người dân bản địa. Đặc biệt, không giống với cộng đồng người Hoa ở một số quốc gia Đông Nam Á như là Indonesia hay Malaysia, người Hoa tại Thái Lan vào thời kỳ hiện đại không phải là nạn nhân của bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào. Một trong những lý do đến từ việc hầu như họ đều thành công trên nhiều lĩnh vực cũng như nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước Thái Lan. Có thể nói hiện đây là cộng đồng người Hoa thành đạt và có sức ảnh hưởng nhất sinh sống bên ngoài Trung Quốc.
Sự bám rễ và kinh tế và chính trị Thái Lan ngày càng gia tăng của người Hoa, một trong những yếu tố tác động đến sự liên kết và hòa nhập của người Hoa và người Thái bản địa là do chính sách Thái hóa của đất nước Chùa Vàng. Hiện người Thái gốc Hoa đã có chỗ đứng rất vững chắc trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu của xã hội Thái Lan. Họ đóng vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh, hay nói cách khác là họ đang thống trị nền kinh tế của quốc gia này. Theo ước tính, Thái Lan có 13% dân số là người gốc Hoa nhưng cộng đồng này lại đang sở hữu đến 85% toàn bộ nền kinh tế Thái Lan. Trong danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan, hầu hết trong số đó có tổ tiên là người Hoa. Những gia đình tài phiệt gốc Hoa giàu nhất Thái Lan có thể kể đến là Chearavanont, Sirivadhanabhakdi,Chirathivat và Chalerm Yoovidhya.
Trong số các nhà tài phiệt này, gia tộc Chearavanont đã có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc từ lâu. Phần lớn tài sản của bốn anh chị em Chearavanont hiện nay đều đến từ tập đoàn Charoen Pokphand, một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới. Cha của họ là ông Chia Ek Chor, cùng với anh trai là Choncharon Chiaravanont, đã khởi nghiệp từ một cửa hàng bán hạt giống nhập khẩu từ Trung Quốc cho nông dân Thái Lan vào năm 1921, năm 2023, gia tộc này vẫn đứng đầu danh sách 50 người giàu nhất Thái Lan với giá trị tài sản lên tới 34 tỷ đô la.
Thái Lan vốn có cộng đồng Hoa kiều lớn nhất thế giới. Thế nên, nước này có sự tương đồng trong văn hóa và lịch sử sâu sắc với Trung Quốc. Với sự trỗi dậy của Bắc Kinh như một cường quốc kinh tế toàn cầu như hiện nay, các doanh nghiệp Thái Lan dưới sự kiểm soát của những người Hoa đang đi đầu trong việc mở cửa nền kinh tế đất nước để thu hút đầu tư từ các công ty từ đại lục. Nói cách khác, là họ đóng vai trò như một mắt xích quan trọng để kết nối các hoạt động kinh tế giữa Trung Quốc và Thái Lan. Chính vì vậy, các cộng đồng này luôn được chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh tầm quan trọng.
Những dòng vốn đầu tư của Trung Quốc cũng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, niềm tự hào về văn hóa Trung Hoa trong cộng đồng người Hoa gốc Thái và họ có xu hướng tìm lại nguồn gốc tổ tiên đã mất từ lâu, giáo dục đã được phía chính quyền Bắc Kinh sử dụng như một công cụ chính để tác động đến cộng đồng người Hoa ở Thái Lan. Chẳng hạn, thông qua việc xây dựng hàng loạt Học viện Khổng Tử tại đất nước Chùa Vàng. Hiện Thái Lan đang là quốc gia có nhiều Học viện Khổng Tử nhất ở Đông Nam Á, đồng thời cũng là nơi có nhiều giáo viên tình nguyện người Trung Quốc nhất, với hơn 10.000 người đã giảng dạy tại Thái Lan từ năm 2003 – 2018.
Trong nhiều năm qua, Thái Lan và Trung Quốc cũng đã tăng cường hoạt động thương mại song phương. Hiện nay, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Bangkok và ngược lại Thái Lan cũng là đối tác thương mại lần thứ tư của Trung Quốc ở ASEAN. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 135 tỷ đô la và đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Riêng nông sản Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc đạt mức 12,6 tỷ đô la, khi kim ngạch thương mại tăng, đồng nghĩa với việc dòng tiền đầu tư của hai quốc gia cũng tăng, một trong những dự án lớn nhất mà Trung Quốc đang thực hiện tại Thái Lan chính là dự án đường sắt cao tốc Bangkok – Nong Khai.
Nhìn chung, kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, chính sách đối ngoại của Thái Lan đang ngày càng thắt chặt hơn với Trung Quốc, dù họ có quan hệ đồng minh quân sự lâu đời với Mỹ. Đặc biệt là trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến lược Vành đai và Con đường, thì Thái Lan là một trong những quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á được nước này dành nhiều sự quan tâm. Theo đó, cộng đồng người Hoa tại Thái Lan chắc chắn sẽ là một trong những con bài đắc lực được phía Bắc Kinh sử dụng để có thể hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa đầy tham vọng.
T.P