Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhải chăng Biển Đông sẽ là nơi TQ bắt đầu cuộc chiến...

Phải chăng Biển Đông sẽ là nơi TQ bắt đầu cuộc chiến mới ?

Trong trường hợp kịch bản ác mộng mang tên Đại chiến thế giới lần thứ 3 trở thành hiện thực, nó sẽ xuất hiện ở đâu? Miền đất Đông Âu, nơi người Nga và Ukraine đang giao tranh ác liệt; lò lửa Trung Đông chưa một ngày hạ nhiệt suốt hàng ngàn năm qua; bán đảo Triều Tiên vẫn đang luôn kề cận một cuộc chiến thống nhất, hay là Eo biển Đài Loan?

Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận trên Biển Đông

Đây đều là những điểm nóng trên thế giới. Tuy nhiên, nơi ẩn chứa nguy cơ lớn nhất lại là khu vực nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương xa xôi, giữa vùng trũng Đông Nam Á của thế giới, đó chính là Biển Đông.

Theo ước tính, Biển Đông đang nắm giữ ít nhất là 11 tỷ thùng dầu, “Thùng” là đơn vị đo thể tích của hệ đo lường Anh – Mỹ, thường được áp dụng với các loại chất lỏng như rượu, bia và dầu. Một thùng chứa 42 gallon chất lỏng, tương đương 158,9873 lít, 7 thùng dầu tương đương với 1 tấn. Như vậy, 11 tỷ thùng dầu sẽ là gần 1,6 tỷ tấn dầu. Vùng biển này còn sở hữu 5.377 tỷ m3 khí thiên nhiên, sản lượng hải sản chiếm tới 15% lượng hải sản toàn cầu. Không chỉ có vậy, nhiều loại đất và kim loại hiếm, ví dụ như atrium, vốn là vật liệu chiến lược thúc đẩy sự phát triển trong một nền kinh tế hiện đại phụ thuộc vào các ngành công nghệ kỹ thuật cao, cũng có thể được tìm thấy ở Biển Đông.

Ngoài ra, khu vực này còn là một trong những nút giao thông quan trọng trên tuyến đường giao thương huyết mạch và nhộn nhịp thứ hai của thế giới, chỉ sau Địa Trung Hải. Theo một đánh giá được thực hiện vào năm 2021, mỗi năm có một khối lượng hàng hóa trị giá 5,3 nghìn tỷ đô la Mỹ, tương đương 22% tổng lượng vận tải thương mại quốc tế, đi qua Biển Đông, trong đó bao gồm 40% tổng sản phẩm dầu mỏ trên thế giới, 60% lượng vận tải thương mại đường biển, và 1/3 tổng lượng vận chuyển hàng hải toàn cầu.

Đồng thời, một số nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng phụ thuộc vào tuyến đường này, ví dụ như Trung Quốc và Nhật Bản, với lần lượt là 65% và 42% tổng lượng thương mại của họ phải đi qua khu vực này. Nhìn vào những số liệu vừa rồi không khó để đưa ra nhận định rằng, Biển Đông đích thực là một kho báu vô giá, có một không hai, là chiếc chén thánh mang cho mình khả năng biến bất kỳ thế lực mới nổi nào có tham vọng trở thành một siêu cường thực sự.

Bên cảnh những thuận lợi về tài nguyên và thương mại mà Biển Đông đem lại, cần xem xét tình hình của Trung Quốc để hiểu tại sao cái nước này lại muốn độc chiếm Biển Đông.

Hiện tại, Trung Quốc đang gặp phải một vấn đề hết sức nghiêm trọng, một vấn đề ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả quốc gia: đó là an ninh lương thực của xứ tỷ dân đang ở trong tình trạng báo động đỏ khi phụ thuộc rất nhiều vào lương thực nhập khẩu. Năm 2017, Đại Lục đã phải mua của nước ngoài số lượng lương thực khổng lồ có giá trị lên đến 104,6 tỷ Mỹ Kim, trong khi chỉ xuất khẩu 59,6 tỷ. Hơn thế nữa, xét riêng về sản xuất ngũ cốc, tỷ lệ sản xuất và tiêu thụ của ngành nông nghiệp sứ tỷ dân là 1:1, tức là làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu và không có dư để đưa vào kho dự trữ lương thực quốc gia. Khi so sánh với các quốc gia khác có tỉ lệ sản xuất gấp 1,4 lần tiêu thụ như Úc và đặc biệt là đối thủ trực tiếp của họ, Hoa Kỳ, rõ ràng năng lực của nền nông nghiệp Trung Quốc đang tụt lại phía sau một khoảng cách rất xa.

Đồng thời, mức độ tăng trưởng của nền kinh tế Đại Lục đã tạo ra một tầng lớp trung lưu đồng đảo, có học thức và nhu cầu phức tạp cả về số lượng và chất lượng thực phẩm, qua đó đặt một gánh nặng không nhỏ lên nguồn lực quốc gia. Vì vậy, Trung Quốc buộc phải dựa vào lương thực nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của 1,45 tỷ miệng ăn, chiếm gần 1/6 dân số thế giới của họ. Như thể mọi việc còn chưa đủ tồi tệ, quỹ đất canh tác 127,8 triệu héc-ta của Trung Quốc, tức khoảng 7% tổng diện tích đất canh tác trên toàn thế giới, đã giảm mất 7,5 triệu trong 10 năm qua và hiện tại tỉ lệ chỉ còn là 850 m2 trên bình quân đầu người.

Thêm vào đó, không chỉ số lượng mà ngay cả chất lượng môi trường nông nghiệp của xứ tỷ dân cũng trong tình trạng vô cùng tồi tệ. Ước tính có đến 60% lượng nước ngầm của Trung Quốc có chất lượng kém hoặc rất kém, 15,5% trong số đó thì ô nhiễm đến mức không thể sử dụng được ở bất kỳ trường hợp nào. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm đất lan rộng và đã phá hủy hàng ngàn km2 đất trồng trọt, đặc biệt là ở các địa phương miền Nam nước này. Trong khi đó, vào giai đoạn 2018-2019, Trung Quốc đã phải tiến hành tiêu hủy hơn 1 triệu con lợn như một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi, trực tiếp đẩy sản lượng sản xuất thịt lợn giảm mất 21,3%, và buộc họ phải tăng số lượng thịt lợn nhập khẩu từ Hoa Kỳ thêm 258%.

Tuy là nhà sản xuất và xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất thế giới nhưng Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu mặt hàng này nhiều thứ ba, trong khi tình trạng đánh bắt quá mức đang khiến nghề cá của nước này dần đối sức và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân. Trước tình hình đó, các lãnh đạo Trung Quốc không thể không thừa nhận rằng họ cần lương thực nhập khẩu và chiếm được Biển Đông sẽ đảm bảo sự thông suốt của tuyến đường cung cấp thực phẩm, đồng thời nguồn thủy hải sản dồi dào của khu vực này là tiền đề để mở rộng năng lực sản xuất lương thực của họ.

Bên cạnh đó, với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và dân số 1,45 tỷ người, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới từ năm 2010. Ba năm sau, Đại Lục chiếm lấy vị trí nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất và kể từ đó đến nay, nhu cầu năng lượng của đất nước này chỉ tăng chứ không giảm. Vì vậy, tương tự như đối với lương thực, Trung Quốc buộc phải duy trì khả năng kiểm soát các tuyến đường vận chuyển qua Biển Đông để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng.

Không chỉ giúp Đại Lục giải quyết những vấn đề nội bộ mà một điểm mấu chốt khác đó chính là làm chủ được Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc làm chủ tài nguyên và nền kinh tế của quốc gia phụ thuộc vào hoạt động vận tải biển đi qua khu vực này.

Vì những lý do nêu trên, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc, với quân đội đang dần mạnh mẽ hơn và ngày một hung hăng hơn trong các hành động nhằm mở rộng sức ảnh hưởng trên Biển Đông. Vậy, đại lục sử dụng cái cớ gì để biện minh cho những động thái của mình? Dựa trên những bằng chứng lịch sử do họ đưa ra, cụ thể là cái được gọi với tên bản đồ ‘đường chín đoạn’, hay ‘đường lưỡi bò’, hoặc ‘đường chữ U. Trung Quốc đã chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với một vùng lãnh hải chiếm đến 90% diện tích Biển Đông.

Năm 1974, Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Một năm sau kháng chiến chống Mỹ kết thúc, hai miền Nam Bắc thống nhất dưới lá cờ của chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, từ đó nghiễm nhiên sở hữu chủ quyền chính đáng với Hoàng Sa và do đó trở thành bên tranh chấp tại khu vực này với Trung Quốc đến tận ngày nay.

Đến năm 1988, Trung Quốc bất ngờ cưỡng chiếm đảo Gạc Ma (Trường Sa) 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, trong đó có người mới chỉ là học viên trường Sĩ quan Hải quân, đã vĩnh viễn gửi thân lại dưới đáy biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Bảy năm sau, Trung Quốc đụng độ với Philippines tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Năm 2011, xung đột lại tiếp tục nổ ra giữa hai nước này tại bãi cạn Scarborough, nơi mà Philippines tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Đầu tháng 4/2012, căng thẳng bắt đầu leo thang khi vào ngày 8, một máy bay trinh sát của hải quân Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc xuất hiện ở khu vực bãi cạn. Ngày 11, hải quân hai nước bắt đầu chào hỏi nhau bằng đạn pháo. Kết cục là đến ngày 18, Trung Quốc đã giành chiến thắng và thành công chặn các tàu của Philippines không cho tiến vào vùng hồ nước mặn của bãi cạn. Kể từ đó, họ đã duy trì kiểm soát hiệu quả và đưa quân đến đồn trú lâu dài trên bãi cạn Scarborough.

Một năm sau vụ xung đột, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye. Năm 2016, tòa án phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” là trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Đồng thời, Trung Quốc không có tư cách lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về các quyền lịch sử đối với những nguồn tài nguyên trong “đường chín đoạn”. Cũng theo Tòa Trọng tài Thường trực, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, như đã nói, các tòa quốc tế ở đây là Tòa Trọng tài Thường trực không có lực lượng thi hành phán quyết, do vậy mà có lẽ khi nhận được tờ quyết định, Bắc Kinh sẽ chỉ cười khẩy một cái đầy khinh bỉ và nhìn nó như thể là một tờ giấy rác.

Không chỉ coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, mà Trung Quốc còn tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch nuốt trọn Biển Đông.

Năm 2013-2015, họ bắt đầu cho xây dựng và cải tạo quân sự hóa các đảo nhân tạo xung quanh những vị trí đã chiếm được ở quần đảo Trường Sa và vào tháng 3/2022, Đô Đốc John C.Aquilino, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, thông báo rằng Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất là 3 trong số những hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng nhiều năm qua, bao gồm đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi. Tại đó, họ đã xây nên những căn cứ với sân bay cho tiêm kích và cả máy bay ném bom.

Cùng với đó là việc lắp đặt các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, cũng như thiết bị laser và gây nhiễu. Đây được xem là một phần trong chuỗi động thái của Trung Quốc nhằm đáp trả các hoạt động tự do hàng hải của Hoa Kỳ tại Biển Đông.

Trong hoạt động tự do hàng hải đầu tiên trên Biển Đông diễn ra vào ngày 27/10/2015, khu trục hạm USS Lassen của hải quân Hoa Kỳ đã tiến vào phạm vi 12 hải lý, tới khoảng 22km xung quanh các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa đang được chiếm giữ bởi Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines. Kể từ đó, các hoạt động tương tự liên tục được Hoa Kỳ tiến hành với tần suất tăng dần qua từng năm.

Dĩ nhiên, Trung Quốc không khoanh tay ngồi nhìn. Sau vụ tàu chiến Trung Quốc suýt đâm vào khu trục hạm của Mỹ khi nó đang đi trên Biển Đông vào năm 2018, các tàu hải quân đại lục lại có xu hướng trở nên hung hăng hơn trong việc bám đuôi và không ngại va chạm với hải quân Hoa Kỳ mỗi khi phát hiện đối phương đi qua những vùng mà họ tuyên bố là lãnh thổ. Từ đó, kéo nguy cơ xung đột ngày một leo thang và khiến các chuyên gia quân sự phải bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.

Một số người còn lên tiếng kêu gọi chấm dứt hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông với lý do là rủi ro mà nó đem lại đang vượt quá lợi ích có thể đạt được. Đồng thời, cái giá của việc duy trì các quy tắc quốc tế thông qua biện pháp quân sự đã và đang tăng cao, vượt mức mà công chúng Mỹ sẵn sàng chi trả. Thay vào đó, Hoa Kỳ nên tận dụng những lợi thế của nền kinh tế lớn nhất thế giới để ép Trung Quốc thay đổi thái độ.

Trên thực tế, không phải là họ chưa từng làm vậy. Hồi năm 2020, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt 24 công ty Trung Quốc vì có liên quan đến hoạt động cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông. Cụ thể, những công ty này sẽ bị cấm nhập khẩu công nghệ và một số mặt hàng được vận chuyển từ Hoa Kỳ, cho dù là bàn chải đánh răng hay là chất bán dẫn. Đồng thời, các cá nhân có quan hệ với những công ty này cũng bị áp đặt hạn chế về thị thực nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có một số giới hạn khá nghiêm trọng đối với lệnh trừng phạt này, hầu hết các công ty vừa được đề cập tới không nhập khẩu nguyên liệu từ Hoa Kỳ. Đồng thời, những hạn chế về thị thực hoàn toàn vô dụng.

Trong khi đó, nếu Hoa Kỳ để lại mặt trận quân sự cho các nước tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, thì cũng sẽ không xoay chuyển được chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Do vậy, can thiệp quân sự có lẽ là phương án khả dĩ nhất mà họ có thể thực hiện, và điều này sẽ rất dễ trở thành ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Bên cạnh những yếu tố quân sự và ngoại giao, vấn đề về lòng tự tôn dân tộc của các quốc gia tham gia xung đột ở Biển Đông cũng góp phần thúc đẩy căng thẳng tại khu vực này. Đối với Trung Quốc, đường chín đoạn đóng vai trò là biểu tượng cho sự kết thúc của ‘bách niên quốc sỉ’, tức 100 năm đất nước chịu sỉ nhục, ám chỉ đến thời kỳ Trung Quốc bị xâm lược, chìm trong hỗn loạn và đói nghèo do bàn tay của các cường quốc châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cùng với đó, nó đánh dấu giai đoạn Trung Quốc vươn lên giành lại địa vị bá chủ ở Châu Á, vốn là vận mệnh hiển nhiên của họ. Từ xa xưa người Trung Quốc đã hình thành tư tưởng ‘Dĩ Hoa vi Trung’, theo đó Trung Quốc là trung tâm văn minh và ưu việt hơn tất cả các quốc gia khác. Suy rộng ra, họ đương nhiên có quyền thống trị và khai hóa, bảo hộ các giống Man di xung quanh. Hay nói cách khác, Trung Quốc là ‘thiên triều’, lòng mang thiên hạ.

Trong khi đó, đối với các quốc gia tranh chấp khác ở Biển Đông, lòng tự tôn dân tộc cũng quan trọng không kém và được thể hiện rõ nhất trên mặt trận văn hóa.

Năm 2019, bộ phim ‘Abominable’ bị cấm chiếu ở Việt Nam, Philippines và Malaysia. Năm 2022, Việt Nam và Philippines cấm chiếu Uncharted. Đến năm 2023, Việt Nam cấm chiếu phim ‘Barbie’ nguyên do bởi tất cả chúng đều có phân cảnh thể hiện đường lưỡi bò. Thậm chí, ngay cả những phim có diễn viên tham gia ủng hộ đường lưỡi bò như John Wick: Chapter 4 cũng không được phép ra rạp tại Việt Nam. Cùng với những hành động bảo vệ an ninh văn hóa của quốc gia, tinh thần bài Trung Quốc đang trở nên ngày càng gay gắt ở các quốc gia này. Nhân tố này, tuy có khả năng tự thân dù không gây ra một cuộc chiến toàn diện trên Biển Đông, nhưng nếu nó bị lợi dụng bởi Hoa Kỳ, đối trọng lớn nhất của Trung Quốc, kết quả có thể sẽ rất khác. Vốn là quốc gia đang tranh chấp từ góc độ chiến lược và kinh tế, xứ cờ hòa cần phải tính đến yếu tố văn hóa khi đưa ra chính sách nhằm chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Điều này không có mục đích gì khác ngoài lôi kéo đồng minh trong khu vực để bảo đảm tuyến đường vận tải đi qua Biển Đông không rơi vào tay Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện ‘xoay trục châu Á – Thái Bình Dương’.

Nhằm hiện thực hóa chiến lược này, Hoa Kỳ đã bắt đầu bằng việc tái khởi động Diễn đàn Đối thoại Tứ giác An ninh dưới thời Tổng thống Donald Trump với ‘Bộ tứ Kim cương’ bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Cùng nhau, họ cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bất chấp việc Trung Quốc liên tục lên tiếng phản đối và coi nhóm ‘Bộ tứ’ là mối đe dọa.

Trong lúc đó, quan hệ giữa Hoa Kỳ với đồng minh truyền thống của họ ở Đông Nam Á, là Philippines, ngày càng thắt chặt, qua đó cho phép quân đội xứ sở cờ hoa hiện diện nhiều hơn ở Biển Đông. Đồng thời, người Mỹ cũng đã từng bước cải thiện và nâng cấp quan hệ song phương với Việt Nam, một nhân tố vô cùng quan trọng mà, nếu lôi kéo được, gần như nắm chắc chiến thắng trong cuộc xung đột ở Biển Đông. Lý do là vì chúng ta đang nắm giữ Đệ nhất quân cảng Cam Ranh, như các chuyên gia quân sự phương Tây nhận xét, ai làm chủ được Cam Ranh, người đó sẽ làm chủ được Biển Đông.

Những tin tức này quả thực không hề đem lại tín hiệu tốt lành nào cho các lãnh đạo ở Bắc Kinh. Mặc dù trên thực tế, Hoa Kỳ chưa tuyên bố chính thức về phe về bất kỳ quốc gia nào tham gia tranh chấp và những gì họ muốn là tự do hàng hải. Thế nhưng, không có nước nào trừ Trung Quốc, là có khả năng và tham vọng để ngăn chặn sự tự do đó. Chính điều này đã khiến đại lục trở thành một đối tượng nguy hiểm trong mắt Washington.

Ở chiều ngược lại, ‘Trăm năm chịu nhục’ đã là quá đủ với người Trung Quốc. Đây là thời gian để gã khổng lồ mới nổi này vươn lên trở thành nhà lãnh đạo mới của thế giới và không kẻ nào, kể cả siêu cường số một của thế giới, có thể ngăn cản họ hai thế lực hùng mạnh cả về kinh tế và quân sự đụng độ với nhau sẽ châm ngôn cho một cuộc chiến tranh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới