Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPalestin, con đường gập ghềnh vào Liên hợp quốc

Palestin, con đường gập ghềnh vào Liên hợp quốc

Sau khi giành được số phiếu áp đảo của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), có thể nói, Palestin đã đặt chân đến cửa Trụ sở LHQ. Thế đã là thành công lớn. Thế nhưng con đường trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này còn lắm gập ghềnh.

Con đường ấy còn nhiều trắc trở là bởi vì tiếng nói trong ĐHĐ còn khác nhau. Chỉ khi nào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) chính thức thông qua thì Palestin mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Tối 10/5, theo giờ địa phương, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ĐHĐ LHQ đã thông qua một nghị quyết quan trọng với số phiếu tập trung cao, trong đó có các “Ông lớn” như Nga, Trung Quốc, Đức ủng hộ. Nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ xem xét ủng hộ Palestine trở thành một trong những chủ nhân của ngôi nhà LHQ.

Cuộc họp này được cho là “khẩn cấp, đặc biệt”, bàn về tình hình Dải Gaza và tư cách thành viên của Palestine. Sau khi thảo luận kỹ lưỡng, với nhiều luông ý kiến trái chiều, Đại hội đồng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết nói trên với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng.

Việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết có ý nghĩa rất to lớn đối với qui chế và hoạt động của Palestine. Từ đây Palestine sẽ được hưởng nhiều quyền hạn hơn, bắt đầu từ Khóa họp toàn thể sắp tới của Đại hội đồng, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2024.

Một số quyền hạn đó là: Đưa ra tuyên bố thay mặt một nhóm; trình các đề xuất và sửa đổi hay đề xuất các nội dung trong chương trình nghị sự tạm thời tại các phiên họp thường kỳ, hoặc bất thường. Có điều, do chưa phải thành viên chính thức, Palestine không được quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan của LHQ như HĐBA, hay Hội đồng Kinh tế và Xã hội.

Con đường gập ghềnh của Palestin có mốc khởi đầu cách đây vừa đúng nửa thế kỷ. Năm 1974, ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) làm thành viên quan sát. Phải tới tháng 11/2012, Đại hội đồng mới tiếp tục thông qua Nghị quyết trao cho Nhà nước Palestine quy chế “thành viên quan sát” tại LHQ.

Theo quy định của Hiến chương LHQ việc kết nạp các thành viên mới do Đại hội đồng quyết định, trên cơ sở đề nghị của HĐBA – nơi thành viên xin gia nhập cần nhận được 9/15 phiếu ủng hộ và không có ủy viên thường trực nào phủ quyết.

Vào ngày 18/4, Mỹ – Ủy viên thường trực HĐBA – đã dùng quyền phủ quyết để một lần nữa ngăn chặn nghị quyết của HĐBA. Palestine đành chấp nhận kết cục cay đắng.

Tại phiên họp hôm 10/5, có 9 quốc gia phản đối công nhận Palestine tham gia LHQ là Mỹ, Israel, Argentina, Cộng hòa Séc, Micronesia, Nauru, Palau, Hungary và Papua New Guinea. Khi có tên Mỹ trong danh sách phản đối là một tín hiệu rất xấu đối với Palestin. Do vậy, HĐBA cần phải tính toán thận trọng, thuyết phục Mỹ và đưa ra những biện pháp có lợi cho Palestine.

Nỗ lực để Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và Hamas bước sang tháng thứ 7 đã khiến hơn 33.000 người chết, gần 76.000 người bị thương, 8.000 người mất tích, và vẫn chưa có lối thoát. Cho nên các cuộc họp của LHQ đã chuyển trọng tâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Thảm họa nhân đạo ở Gaza được đánh giá là chưa có tiền lệ, khi có hơn 1 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói.

Vì lý do khẩn cấp đó mà ông Riyad Mansour, Đại sứ Palestine tại LHQ, đã phát biểu trước cuộc bỏ phiếu: “Bỏ phiếu đồng ý là điều đúng đắn và tôi có thể đảm bảo với các ngài rằng, các ngài và đất nước của các ngài trong nhiều năm tới sẽ tự hào vì đã đứng lên vì tự do, công lý, hòa bình trong giờ phút đen tối nhất này”.

Thế nhưng, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan thì tỏ ra kiên quyết phản đối. Ông đã mang theo máy hủy giấy khi phát biểu và chỉ trích những người tỏ ra sẵn sàng ủng hộ nghị quyết. Và ông ta đã có một hành động ngang ngược: Nghiền nhỏ bản sao Hiến chương LHQ.

Về pháp lý, khi trở thành nước thành viên LHQ, Palestin có quyền ký các hiệp ước, công ước và có thể kiện các nhà lãnh đạo Israel ra tòa do các hành vi trong xung đột Israel-Palestin. Bản chất cuộc xung đột cũng vì thế mà thay đổi, nó sẽ mang tính chất quốc tế, không còn bó hẹp trong phạm vi hai quốc gia.

Nói thêm về điều này, Đại sứ Đức Thomas Zahneisen cho rằng: “Nếu việc Palestine được trao tư cách thành viên đầy đủ có thể ngay lập tức chấm dứt mọi đau khổ mà chúng ta đang chứng kiến. Nếu thế thì chúng tôi sẽ hết lòng bỏ phiếu thuận. Nhưng hiện chỉ có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine mới dẫn đến hòa bình bền vững ở Trung Đông và dẫn đến giải pháp hai nhà nước. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã bỏ phiếu trắng ngày hôm nay”.

Vậy là, tiếng nói phía nào cũng “đanh thép”. Con đường đến với tổ chức đa phương lớn vẫn xa mờ với Palestin, mặc dù nó vừa vượt qua một con dốc đứng.

Chúng ta mong chờ ở quyết định sáng suốt của ĐHĐ LHQ vì hòa bình, vì quyền được sống của người dân Dải Gaza nói riêng, Palestin nói chung. Mọi việc lúc này đều rất khẩn thiết. Mọi xung đột về lợi ích xin hãy bỏ lại phía sau.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới