Nhu cầu vàng tại nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng cao ngay cả khi giá của loại kim loại quý này liên tiếp đạt mức cao kỷ lục.
Theo Kitco, trên thị trường thế giới, giá vàng ngày hôm nay (13/5) mở cửa tuần giao dịch với giá 2.358 USD/ounce, giảm 2 USD/ounce so với hôm trước. Tuy nhiên, trong tuần qua, giá vàng tăng 2,5%. Đây cũng là tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4.
Về nguyên nhân giá vàng liên tiếp tăng mạnh, theo các chuyên gia lý giải là do sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố về số liệu xin trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh. Cụ thể, số người xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng thêm 20.000 người trong 1 tuần, nâng tổng số lên 231.000 người. Đây cũng là con số cao hơn so với dự báo của những chuyên gia kinh tế trong khảo sát của Reuters. Thực tế này làm dấy lên kỳ vọng rằng Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành giảm lãi suất sớm trong thời gian tới, sau 6 lần giữ nguyên.
Theo ông Tim Waterer, chuyên gia về phân tích thị trường ở sàn giao dịch KCM Trade, giá vàng tăng trở lại vì số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp tệ hơn so với dự kiến. Vị chuyên gia này cho rằng, những số liệu công bố cho thấy thị trường việc làm đang bị suy yếu, có khả năng làm thay đổi về mốc thời gian cắt giảm lãi suất so với dự kiến. Nhưng bà Mary C. Daly, Chủ tịch Fed San Francisco lại nhận định rằng là chưa có gì chắc chắn về vấn đề lạm phát của nước Mỹ.
Các chuyên gia đưa ra kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 9 và lãi suất thấp sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc tích trữ vàng.
Ông David Meger, Giám đốc giao dịch và đầu tư ở công ty môi giới High Ridge Futures, cho biết, yếu tố chính ảnh hưởng mạnh tới giá vàng hiện tại là do kỳ vọng đến từ việc Fed cắt giảm lãi suất. Xuất phát từ những dấu hiệu thực tế mới cho thấy, tương lai Fed sẽ thông qua việc giảm lãi suất là không còn xa. Điều này sẽ giúp hỗ trợ cho những thị trường kim loại quý như vàng và bạc.
“Cơn sốt” vàng trên thế giới, Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua
Nhiều quốc gia trên thế giới đang ồ ạt thu mua vàng như Trung Quốc, Hàn Quốc… Theo Hội đồng Vàng Thế giới, tổng nhu cầu vàng trên toàn cầu trong quý I/2024 là 1.238 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là quý I tăng mạnh nhất của giá vàng, kể từ năm 2016.
Trong “cơn sốt” vàng trên thế giới, Trung Quốc là quốc gia thu mua hàng đầu. Theo The New York Times, số liệu từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho thấy, tiêu thụ vàng ở quốc này đã tăng 6% trong quý I. Trước đó, trong năm 2023, nhu cầu về vàng trang sức ở Trung Quốc đã tăng 10%, vượt qua Ấn Độ để trở thành nước mua vàng trang sức nhiều nhất trên thế giới.
Ở Trung Quốc, trong bối cảnh bất động sản đang trong tình trạng khủng hoảng và niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn chưa hoàn toàn trở lại, vàng đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết. Thực tế nhiều người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ đã và đang đổ xô đi mua các “hạt đậu vàng”, có trọng lượng khoảng 1/30 ounce, với giá từ 80 – 87 USD.
Dù là nước khai thác nhiều vàng nhưng Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu rất nhiều kim loại quý này. Trong tháng 3/2024, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã mua 160.000 ounce vàng thỏi, nâng tổng dự trữ lên tới 72,74 triệu ounce. Đây cũng là tháng thứ 17 liên tiếp PBOC mua vàng dự trữ.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ vàng lớn nhất trên thế giới, hiện được coi là trung tâm của sức tăng phi thường của giá vàng. Thị trường vàng giờ đây không còn bị chi phối bởi những yếu tố kính tế mà còn bởi nhu cầu của người mua và các nhà đầu tư Trung Quốc.
Ông Ross Norman, giám đốc điều hành của Metals Daily, một trang thông tin về kim loại quý ở London (Anh), nhấn mạnh rằng, Trung Quốc chắc chắn đang thúc đẩy về giá vàng. Mặt khác, do thị trường chứng khoán và bất động sản ảm đạm nên nhiều người dân Trung Quốc đều tìm đến loại tài sản này.
T.P