Sau Đại hội 18 (11/2012), Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền đã đưa ra quyết sách lớn “Đánh hổ, diệt ruồi, săn cáo”, lập Tổ điều phối điều hành thống nhất, tiến hành liên tục chiến dịch “Săn cáo” trong nhiều năm.
Hơn 9.000 tội phạm sa lưới
Trung tuần tháng 4/2024 vừa qua, Bộ Công an Trung Quốc đã phát động, triển khai trong toàn hệ thống chiến dịch chuyên biệt “Săn cáo 2024” nhằm bắt giữ các tội phạm kinh tế bỏ trốn ở nước ngoài.
Chiến dịch “Săn cáo 2024” là một phần quan trọng trong chiến dịch “Thiên Võng 2024” (Skynet 2024) do Văn phòng trung ương về truy bắt người chạy trốn, truy thu tang vật, chống tham nhũng xuyên biên giới (gọi tắt là “Văn phòng trung ương truy đào”) thuộc Tổ điều phối chống tham nhũng trung ương triển khai.
Theo yêu cầu triển khai, các cơ quan công an sẽ tăng cường nỗ lực giải quyết các vụ án trọng điểm về đào tẩu và trộm cắp tài sản, nâng cao hiệu quả chất lượng và hiệu quả của công tác truy bắt tội phạm đào tẩu và thu hồi tài sản, đồng thời tăng cường và mở rộng các kênh hợp tác thực thi pháp luật.
Theo đó, các cơ quan công an cả nước sẽ triển khai sâu rộng chiến dịch chuyên biệt “Săn cáo 2024” nhằm phục vụ tốt hơn cuộc đấu tranh chống tham nhũng của trung ương và công tác trung tâm ngăn chặn, hóa giải các nguy cơ lớn, thiết thực bảo vệ hiệu quả an ninh quốc gia và ổn định xã hội.
Bộ Công an nêu rõ, kể từ năm 2014, đã tổ chức cho các cơ quan công an trên cả nước liên tục thực hiện các “Chiến dịch săn cáo” trong 10 năm và đạt được kết quả nổi bật.
Với sự phối hợp, điều phối của Văn phòng trung ương truy đào cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ của các ngành, cơ quan liên quan, các “Chiến dịch Săn cáo” trong 10 năm qua đã bắt giữ đưa về nước hơn 9.000 nghi phạm kinh tế bỏ trốn từ hơn 120 quốc gia và khu vực, trong đó có 62 người nằm trong “Danh sách 100 người bị truy nã đỏ”; truy tìm và thu hồi được gần 49 tỉ NDT (171.500 tỉ VND), đóng góp tích cực vào sự nghiệp thúc đẩy pháp trị toàn diện.
Dữ liệu cho thấy, năm 2021 bắt về được 1.273 người, thu hồi được 16,74 tỉ NDT; chiến dịch “Săn cáo 2023” bắt đưa về được tổng cộng 1.624 kẻ bỏ trốn, và số người trốn mới tiếp tục được giữ ở mức thấp. Trong năm 2023, nỗ lực điều tra các vụ tham nhũng xuyên biên giới và thu hồi được 10,2 tỉ NDT.
Phối hợp đồng hành động, quy về một mối
Nói đến “Văn phòng trung ương truy đào”, nhiều người nghĩ ngay đến việc nó có quan hệ hợp tác thế nào với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương ĐCS Trung Quốc (UBKTKLTW).
Đầu năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu tại Hội nghị lần thứ 3 của UBKTKLTW khóa 18 đã nhấn mạnh: “Không được để nước ngoài trở thành thiên đường lánh nạn của các phần tử tham nhũng hủ bại. Những kẻ tham nhũng dù có chạy trốn đến nơi chân trời góc biển cũng phải truy bắt đưa về để pháp luật trừng trị”.
Để thực hiện được nhiệm vụ gian nan này, cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ban ngành. Tháng 6/2014, trung ương ĐCS Trung Quốc quyết định thành lập “Văn phòng trung ương truy đào” với thành phần gồm 8 đơn vị thành viên: UBKTKLTW, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhân dân trung ương. Cục Hợp tác quốc tế thuộc UBKTKLTW là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm điều phối công tác cụ thể.
Tháng 3/2015, Hội nghị Công tác truy đào của Tổ lãnh đạo phối hợp chống tham nhũng trung ương đã họp ở Bắc Kinh, tiến hành bố trí nhiệm vụ “truy đào”, đồng thời quyết định khởi động chiến dịch mang tên “Thiên Võng” (Lưới trời, tên tiếng Anh là “Skynet”). Bốn ngành, cơ quan chính tham gia chiến dịch gồm có: Ban Tổ chức trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Ngân hàng nhân dân Trung Quốc.
Nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Công an là bắt các nghi phạm; trách nhiệm của Viện Kiểm sát là truy nã nghi phạm, truy thu tang vật; Ngân hàng trung ương phụ trách việc kiểm soát tìm kiếm hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các tham quan; Ban Tổ chức trung ương phụ trách thanh tra, kiểm soát hộ chiếu của các quan chức.
Mục đích của “Chiến dịch Thiên Võng” là thông qua sử dụng tổng hợp biện pháp của các ngành, tập trung thời gian, tập trung lực lượng bắt một đợt phần tử tham nhũng, thanh lọc các visa sai quy định, trừng trị các ngân hàng chui, truy thu tài sản đến liên quan các vụ án, bắt và khuyên bảo các phần tử bỏ trốn ra nước ngoài trở về Trung Quốc.
Năm 2020, Văn phòng trung ương truy đào đã họp hội nghị công tác, đánh giá: Qua 5 năm triển khai, 31 tỉnh, thành, khu tự trị và Binh đoàn sản xuất xây dựng Tân Cương đều thành lập “Văn phòng truy đào”. Số đơn vị thành viên từ 4 cơ quan ban đầu mở rộng tăng lên thành 12. Từ trung ương đến địa phương đã hình thành hệ thống cơ quan “truy đào” ngày càng được kiện toàn, nâng cao khả năng phối hợp, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thay đổi tình trạng “cửu long trị thủy” (mỗi nơi một phách, mạnh ai nấy làm) trước đây.
Số đơn vị thành viên của Văn phòng truy đào tăng thêm, bao phủ nhiều lĩnh vực, có nhiều chức năng khác nhau nên đòi hỏi phải có cơ chế điều hành, phối hợp hợp lý. Văn phòng thường xuyên tổ chức Hội nghị phối hợp đánh án để bàn giải quyết những khó khăn và vấn đề phát sinh. Trong năm 2016, Văn phòng đã họp hội nghị điều phối công tác tới hơn 150 lần.
Để nắm chắc thông tin về quan tham bỏ trốn, Văn phòng đã xây dựng hai mạng lưới thu thập thông tin: Hệ thống quản lý thông tin về công tác truy đào được xây dựng, từ trung ương tới cấp huyện có kho dữ liệu về những kẻ chạy trốn, được cập nhật thường xuyên; Diễn đàn tố giác truy đào quốc tế tiếp nhận các thông tin của công chúng trong, ngoài nước tố giác quan chức bỏ trốn, giúp công tác truy đào triển khai hiệu quả.
T.P