Mỹ cảnh báo mạnh mẽ ngân hàng phương Tây lớn nhất ở Nga, dọa loại ngân hàng này khỏi hệ thống đồng USD.
Reuters đưa tin, Mỹ cảnh báo Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen (RBI) của Áo rằng ngân hàng này có thể bị hạn chế quyền truy cập vào hệ thống đồng USD do các giao dịch ở Nga.
Ngày 6.5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo gửi thư cho RBI, bày tỏ lo ngại về việc mở rộng của RBI ở Nga.
Trong thư, Thứ trưởng Adeyemo cho biết, các hoạt động mở rộng của RBI sẽ mâu thuẫn với những đảm bảo mà ngân hàng đã đưa ra rằng họ đang cố gắng giảm bớt hoạt động ở Nga.
Ông Adeyemo cảnh báo, hành động của RBI làm tăng nguy cơ Bộ Tài chính Mỹ thực hiện hành động nhằm hạn chế quyền truy cập vào hệ thống tài chính Mỹ do lo ngại rằng hành vi của RBI khiến an ninh quốc gia Mỹ gặp rủi ro.
Mỹ là nước quyền lực nhất thế giới vì có thể cắt đứt khả năng tiếp cận đồng USD của ngân hàng. Việc mất khả năng tiếp cận đồng USD có thể khiến bất kỳ ngân hàng nào rơi vào khủng hoảng.
Trong thư, Thứ trưởng Adeyemo cũng đề cập đến Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các tổ chức tài chính nước ngoài thực hiện các giao dịch quan trọng liên quan đến cơ sở công nghiệp quân sự của Nga.
Thứ trưởng Adeyemo còn đề cập đến thỏa thuận trị giá 1,5 tỉ USD của RBI với tỉ phú Nga Oleg Deripaska – người nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
RBI được cho là đang làm thủ tục mua cổ phần của Strabag có trụ sở tại Vienna từ một công ty được xác định là do tỉ phú Nga Oleg Deripaska kiểm soát. Ngân hàng đã chuyển hóa đơn qua Nga, như một cách để giải phóng một phần trong số hàng tỉ euro bị mắc kẹt ở Nga.
Hồi tháng 3, Mỹ phản đối gay gắt thỏa thuận của RBI với tỉ phú Deripaska. Cho rằng tỉ phú Nga Deripaska sẽ được hưởng lợi từ việc mua bán này, giới chức Mỹ đã yêu cầu ngân hàng Raiffeisen cung cấp thông tin chi tiết về các cá nhân và công ty liên quan đến thỏa thuận.
RBI cho biết đã hủy thỏa thuận liên quan đến ông trùm Nga vài ngày sau khi lá thư cảnh báo được gửi đến.
Lời cảnh báo này là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất đối với ngân hàng phương Tây lớn nhất ở Nga, được đưa ra sau nhiều tháng gây áp lực từ Washington. Mỹ đã điều tra hoạt động kinh doanh của ngân hàng Áo này ở Nga trong hơn một năm.
Người phát ngôn của RBI khẳng định đã từ bỏ thỏa thuận với Oleg Deripaska. Theo người phát ngôn, RBI cũng đã “giảm đáng kể” các hoạt động ở Nga và thực hiện các biện pháp rộng rãi để giảm thiểu rủi ro từ các lệnh trừng phạt. RBI sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới việc hủy hợp nhất công ty con ở Nga.
Cảnh báo này gây thêm áp lực lên RBI – cầu nối tài chính quan trọng cho các cá nhân và công ty Nga với phương Tây, giúp họ tiếp cận đồng euro và USD.
RBI đã có ý định tách hoạt động kinh doanh tại Nga sau khi chịu áp lực từ các cơ quan quản lý quốc tế. Nhưng hai năm sau xung đột Nga – Ukraina có rất ít thay đổi. RBI có khoảng 2.600 khách hàng doanh nghiệp, 4 triệu chủ tài khoản địa phương và 10.000 nhân viên.
Chính quyền Nga đã nói rõ với RBI rằng họ muốn ngân hàng này ở lại để giúp Nga thực hiện các thanh toán quốc tế.
Mặc dù ngân hàng UniCredit của Italy cũng có hoạt động kinh doanh ở Nga và cũng không muốn rời đi, nhưng Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen có quy mô lớn hơn nhiều và đã trở thành một phép thử cho quyết tâm của phương Tây trong việc chấm dứt quan hệ với Nga.
T.P