Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong việc xử lý khủng hoảng Ukraine, đồng thời chia sẻ với Bắc Kinh về quan điểm xung quanh “các liên minh quân sự khép kín” ở châu Á.
Ngày 16-5, ông Putin đã có cuộc họp báo chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh.
Trung Quốc là địa điểm nước ngoài đầu tiên ông Putin đến thăm kể từ lúc tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ mới.
Giới quan sát quốc tế chú ý tới chuyến thăm này, ở thời điểm quan hệ Nga – Trung đang phát triển mạnh mẽ.
Một số ý kiến cho rằng căng thẳng với Mỹ và phương Tây nói chung là sợi dây liên kết, càng góp phần kéo Matxcơva và Bắc Kinh lại gần nhau hơn.
Điều này dẫn tới suy đoán rằng Nga và Trung Quốc sẽ dễ tìm thấy tiếng nói chung ở một số ưu tiên chính sách đối ngoại và an ninh quan trọng.
Giới quan sát tập trung vào tình hình Ukraine trong nội dung trao đổi giữa ông Putin và ông Tập lần này.
Phương Tây phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông Putin ở Ukraine, đồng thời lo ngại Trung Quốc đang có phần nghiêng về phía Nga trong tiến trình tìm giải pháp.
Hôm 16-5, ông Putin nói với ông Tập rằng lãnh đạo Nga biết ơn các nỗ lực của Trung Quốc đối với giải pháp cho khủng hoảng Ukraine.
Theo Reuters, ông Putin cũng tiết lộ sẽ thông báo cho ông Tập về tình hình Ukraine, nơi Nga đang có những bước tiến trên nhiều mặt trận.
Trong khi đó, đề cập tới an ninh tại châu Á, nơi có lợi ích sát sườn của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Nga khẳng định các liên minh chính trị và quân sự tại châu Á gây hại cho cấu trúc an ninh khu vực.
Hiện nay, Trung Quốc tỏ ý không hài lòng về việc Philippines thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ, Nhật, và Úc.
“Cần phải nỗ lực hướng tới việc xây dựng một cấu trúc an ninh đáng tin cậy và phù hợp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi không có chỗ cho các liên minh quân sự khép kín. Chúng tôi tin rằng các liên minh ấy gây hại, và việc tạo ra chúng sẽ phản tác dụng”, ông Putin nói.
Phát biểu của ông Putin dường như phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về “các liên minh quân sự khép kín” tại châu Á – Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thời gian qua, Trung Quốc và Philippines gia tăng tranh cãi về các hoạt động ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng bày tỏ sự không hài lòng trước việc Philippines có động thái mới về việc thắt chặt quan hệ với Nhật Bản và Mỹ, tiêu biểu là cuộc họp ba bên hiếm thấy hồi tháng 4.
Thời điểm đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh phản đối “việc hình thành những mạng lưới riêng trong khu vực”, cũng như bất kỳ hành động nào “tạo ra và gia tăng căng thẳng”.