Tuesday, November 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSố liệu bị bóp méo ẩn giấu các vấn đề về cơ...

Số liệu bị bóp méo ẩn giấu các vấn đề về cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc có vấn đề về cơ cấu kinh tế nghiêm trọng, và người Trung Quốc cũng như các nhà phân tích kinh tế không nên bị đánh lừa bởi những số liệu GDP bị bóp méo.

(Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Hiện nay, ở Trung Quốc, người ta đã có những lo lắng về nền kinh tế vĩ mô. Tại sao người ta lại lo lắng về vấn đề này? Các dữ liệu kinh tế vĩ mô cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 6,7% trong quý 1! So với số liệu mới nhất từ ​​các nước trên thế giới, thì 6,7% là mức tăng trưởng cao nhất. Không có nước nào có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn Trung Quốc.

Ngay cả nếu nó có phần nào được phóng đại, tỷ lệ này là 6,5%, hay thậm chí 6%, thì Trung Quốc vẫn có mức tăng cao nhất thế giới. Người ta lo lắng về điều gì? Tôi nghĩ người ta lo lắng về những vấn đề về cơ cấu tồn tại bên trong nền kinh tế Trung Quốc, chứ không phải là những dữ liệu vĩ mô.

Các khoản nợ xấu

Chúng tôi đã xem nhiều bản báo cáo và giải trình về lý do tại sao nền kinh tế của Trung Quốc lại đang gặp rắc rối. Theo quan điểm của tôi, vấn đề chính xuất phát từ những mâu thuẫn cơ cấu nổi cộm trong các ngành công nghiệp. Dữ liệu ngân hàng cho thấy rõ ràng rằng những thách thức là thực sự tồn tại trong nhiều ngành công nghiệp sản xuất truyền thống, chẳng hạn như sắt, thép, than, quang điện, điện phân nhôm và xi măng. Nhiều công ty, bao gồm cả các công ty thép và than đá, đang gặp khó khăn trong việc trả nợ. Một số doanh nghiệp trong các ngành này đang hoạt động tốt, nhưng một số khác lại đang làm ăn sa sút.

Đối với thị trường bất động sản, vốn đang hoạt động rất tốt ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hàng Châu, nhưng thị trường này lại rất tệ trong nhiều thành phố bậc ba và bậc bốn ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc Trung Quốc.

Bất bình đẳng xã hội

Ngoài ra còn có vấn đề về khoảng cách thu nhập. Có rất nhiều người giàu ở Trung Quốc hiện nay. Người Trung Quốc nếu có tổng tài sản ước khoảng 1 tỉ USD thì được coi là siêu giàu, và số lượng những người này vượt trội so với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn 100 đến 200 triệu người ở Trung Quốc là rất nghèo. Khoảng cách giữa các nhóm trong xã hội tạo ra những mâu thuẫn rất nghiêm trọng.

Đầu cơ

Một mâu thuẫn mang tính cơ cấu khác là sự tồn tại của nền kinh tế ảo và thực ở Trung Quốc. Trên thực tế, rất nhiều dòng tiền không chảy vào nền kinh tế thực, mà thay vào đó, lại chảy vào nền kinh tế ảo, chẳng hạn như đầu cơ.

Trong những năm gần đây, mức cung tiền tăng rất nhanh, đã đạt đến con số rất lớn. Vậy tại sao lại rất khó khăn và tốn kém khi tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho nền kinh tế thực? Tôi luôn luôn nói rằng mặc dù mức cung tiền và nguồn tín dụng là cao, nhưng cơ cấu chính sách cho vay lại vô cùng bất hợp lý. Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (POC), dư nợ ngành công nghiệp bất động sản chiếm tới 41% dư nợ tín dụng của cả nước. Cấc ông trùm bất động sản nói rằng ngành bất động sản đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Trung Quốc. Nó đã đóng góp được bao nhiêu? Mặc dù ngành công nghiệp bất động sản được xem là một ngành công nghiệp trụ cột ở Trung Quốc, nhưng nó chỉ đóng góp 21% trong khi đã lấy mất 41% nguồn tài chính.

Sự mất cân bằng cấu trúc

Trên thực tế, lo lắng chính về nền kinh tế Trung Quốc không phải là tỷ lệ GDP là 6,7; 6,6 hay 6,5%. Mối quan ngại của họ là sự mất cân bằng về cấu trúc, tính dễ bị tổn thương của cấu trúc, và các rủi ro cơ cấu.

Cải cách cơ cấu của phía cung đã được thảo luận trong cuộc họp gần đây nhất của Tổ chức hàng đầu về Tài chính và Kinh tế. Sự cần thiết phải giảm cung, năng lực sản xuất và hàng tồn kho, và sự cần thiết cắt giảm chi phí, rõ ràng đã được nêu ra. Vì vậy, vấn đề đối với nền kinh tế của Trung Quốc không phải là tốc độ tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay GDP. Những dữ liệu cấp độ vĩ mô là ở mức trung bình và không tiết lộ các vấn đề cơ cấu tồn tại bên trong.

Lạm phát

Ở Trung Quốc, chỉ số CPI không phản ánh lạm phát thực tế. Lý do rất đơn giản. Các chỉ số lạm phát cơ bản bao gồm trong chỉ số CPI của Trung Quốc chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Các hạng mục quan trọng nhất ảnh hưởng đến cuộc sống người dân không bao gồm trong đó, hoặc chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong đó. Ví dụ, chi phí bất động sản, giáo dục và chăm sóc y tế không được phản ánh trong chỉ số CPI. Vậy làm thế nào chỉ số CPI này có thể thực sự phản ánh lạm phát?

Kinh tế học cổ điển nói về chỉ số Misery, và theo tôi chỉ số này phản ánh lạm phát chính xác hơn. Hiện nay, chỉ số CPI ở mức 2,3% có nghĩa là giảm phát ở Trung Quốc. Nhưng chúng ta không thể chỉ đề cập đến một số ngành công nghiệp khi nói về lạm phát. Chúng ta không thể chỉ bao gồm sản xuất truyền thống hoặc các sản phẩm công nghiệp. Hãy công bằng! Cho dù đó là người Trung Quốc ở khu vực thành thị hay nông thôn, mối quan tâm lớn nhất của họ không phải là mua một chiếc iPhone hay một chiếc xe hơi, mà là mua một căn hộ, gửi con đến một trường học tốt, và có được các dịch vụ y tế với giá phải chăng. Đây là những nhu cầu hàng đầu của người dân ngày nay.

Khi thêm vào những nhân tố này, lạm phát thực tế không phải là 2.3%. Nếu bạn nói với người dân trên đường phố là không có lạm phát ở Trung Quốc, liệu họ có tin bạn không? Giá lương thực đã tăng lên 7,4%, và chỉ điều này thôi cũng đã có ảnh hưởng rất lớn đối với người có thu nhập thấp. Tôi có thể nói, không hề phóng đại, rằng Trung Quốc đang có vấn đề lạm phát nghiêm trọng.

Liệu chúng ta có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định bằng cách tăng cung tiền? Kinh tế có quy tắc riêng của nó. Tôi muốn đưa ra cảnh báo như vậy đối với nền kinh tế của Trung Quốc.

Đây là một bản dịch tóm tắt của một bài giảng của Xiang Songzuo – chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, được công bố trên trang website tổng hợp Consensus Net vào ngày 18/5/2016.

RELATED ARTICLES

Tin mới