Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNăng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam chỉ bằng 30% Singapore

Năng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam chỉ bằng 30% Singapore

Dù lao động trong các doanh nghiệp góp phần tạo ra 60% GDP cả nước, song năng suất lao động thực tế trong các doanh nghiệp Việt Nam chỉ bằng 30% Singapore.

TS Nguyễn Tú Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư


Chia sẻ tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia tổ chức sáng 26.5, TS Nguyễn Tú Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư nêu vấn đề: năng suất lao động Việt Nam thực sự có thấp so với các nước trong khu vực hay không?

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua PPP là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia…

TS Nguyễn Tú Anh cho rằng, nếu nhìn con số này thì năng suất lao động Việt Nam thấp, do cơ cấu nền kinh tế phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình. Số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022.

Dù vậy số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP).

Tương ứng với việc tạo ra 60% GDP năng suất lao động của các lao động trong doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra là 53.582 USD/lao động.

Năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam chỉ bằng khoảng 30% Singapore. Thậm chí, năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nhà nước và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI.

Một trong những giải pháp theo TS Nguyễn Tú Anh là cần thực hiện chính sách tiền lương hiệu quả. Thực tế nếu tiền lương thấp sẽ tạo hiệu ứng ngược, người lao động không có động lực nâng cao tay nghề vì giá trị của việc nâng cao tay nghề không tương xứng.

Đơn cử như Trung Quốc luôn đã nâng tiền lương tối thiểu từ 690 tệ năm 2006 lên 2.600 tệ/tháng năm 2021 nhưng không làm giảm đầu tư mà ngược lại đầu tư tăng, năng suất lao động tăng.

Mặt khác, nếu tăng tiền lương tối thiểu quá nhanh có thể làm “chùn” ý nhà đầu tư. Do đó trong vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ doanh nghiệp, công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra lợi ích chung.

Muốn gắn bó cũng không thể ở lại khi lương thấp
Nhìn từ góc độ tiền lương, TS Phạm Thu Lan, Viện Công nhân công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích vì sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8 – 12%/tháng ở các ngành lao động.

Theo bà Lan, để nâng cao năng suất lao động, cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Mức lương tối thiểu là sàn an sinh xã hội và là quyền cơ bản của con người, không chỉ đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội. Mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai.

“Tổ chức công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất”, TS Phạm Thu Lan kiến nghị.

Ưu tiên tăng trưởng – tăng năng suất lao động
Kết luận diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, tính theo sức mua tương đương (PPP), trong giai đoạn 2021 – 2022, năng suất lao động Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của thế giới là 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á.

Khoảng cách giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn. Các yếu tố nền tảng cho tăng năng suất lao động nhanh và bền vững vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa thực sự có bước đột phá…

Thủ tướng đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng – coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục dạy nghề và chăm lo cho đời sống người lao động…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới