Thursday, December 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửTân Cương có ý nghĩa thế nào với TQ

Tân Cương có ý nghĩa thế nào với TQ

Trong những năm gần đây, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên khốc liệt, các nước phương Tây liên tục lấy vấn đề nhân quyền ở Tân Cương để hạ uy tín của Trung Quốc, cũng như dựa vào cao trào dư luận để chống lại chiến lược của nước này.

Tại sao Tân Cương, một khu vực vốn nằm ở vùng biên giới đất liền, lại liên tục bị Mỹ và các nước phương Tây công kích? Mặc dù là một khu vực đất rộng người thưa và có nền kinh tế kém phát triển, nhưng Tân Cương lại có một vị trí đặc biệt quan trọng về mặt an ninh quốc gia và vị thế chiến lược đối với Trung Quốc.

Tân Cương chính là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào toàn bộ lục địa Á-Âu, đồng thời còn gánh trên vai nhiệm vụ “hướng ra nước ngoài” của đường bộ Trung Quốc. Một khi các tuyến thương mại đường bộ mà Tân Cương là cửa ngõ phát triển thịnh vượng, mối đe dọa từ sức mạnh biển của Mỹ đối với Trung Quốc và thậm chí là toàn bộ lục địa Á-Âu sẽ suy giảm đáng kể. Chúng ta có thể phân tích ý nghĩa chiến lược của Tân Cương từ hai khía cạnh là sự tồn vong và sự phát triển của quốc gia.

  1. Sinh tồn là nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu: Tân Cương là con hào của an ninh quốc gia

Ý nghĩa to lớn nhất của Tân Cương đối với sự tồn vong của Trung Quốc nằm ở phương diện quốc phòng. Tân Cương nằm trong vùng nội địa của lục địa Á-Âu và tại giao lộ của Cầu lục địa Á-Âu mới (The New Eurasian Land Bridge); và các Hành lang kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga, Trung Quốc-Trung Á-Tây Á và Trung Quốc-Pakistan. Khu vực này có đường biên giới dài hơn 5.700 km và tiếp giáp với 8 quốc gia láng giềng, gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và Mông Cổ. Diện tích của Tân Cương chiếm tới 1/6 lãnh thổ Trung Quốc.

Nói đến Tân Cương, chúng ta nên bắt đầu từ khi Trương Khiên nhà Tây Hán mở ra “Con đường Tơ lụa”. Khi xưa, Tân Cương ngày nay được gọi với cái tên Tây Vực và được mệnh danh là “vùng đất Tây Thành bị thiên nhiên kiềm tỏa từ xa xưa, dân cư không kết nối với Trung Nguyên”. Tân Cương luôn nắm giữ một vai trò trọng yếu trên Con đường Tơ lụa và là nơi buộc phải đi qua trong quá trình trao đổi hàng hóa giữa Trung Quốc nội địa với các nước láng giềng ở phía Tây.

“Tân Cương được mất chỉ trong khoảnh khắc, thế công thủ dị thường, sinh tử một mất một còn.” Trong Tôn Chỉ Thống Trù Toàn Cục Chiết, Tả Tông Đường đã chỉ ra tầm quan trọng của Tân Cương trong phòng thủ biên giới và an ninh quốc gia của Trung Quốc cổ đại: “Đó là lý do mà người coi trọng Tân Cương phải gìn giữ Mông Cổ, người gìn giữ Mông Cổ phải bảo vệ kinh đô, cánh tay và ngón tay phía Tây Bắc liền một dải, địa hình địa thế toàn vẹn, dĩ nhiên sẽ không còn kẽ hở nào có thể tận dụng.” Điều này có nghĩa, việc gìn giữ Tân Cương cũng tương đương với việc bảo vệ thủ đô. Nếu Tân Cương bị phá vỡ, vậy thì hệ thống phòng thủ quân sự vốn được bố trí ở mỗi khu vực sẽ khó ngăn chặn được sự xâm nhập từ bên ngoài, không cách nào phòng thủ được và đất nước sẽ không có ngày nào được yên bình. Hiện nay, ngay cả khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang bắt đầu gia tăng thì tầm quan trọng của Tân Cương vẫn là điều không thể bỏ qua.

Nhìn từ địa hình địa thế của Trung Quốc thì gần như toàn bộ núi non, sông ngòi của nước này đều bắt nguồn từ phía Tây Bắc, mà Tân Cương chính là rào cản chiến lược của Tây Bắc Trung Quốc. Nhiều ngọn núi ở Tân Cương nối liền với nhau tạo thành một hình thế cực cao và cực dốc tựa như “cực thứ ba” của thế giới, chúng đã trở thành rào chắn tự nhiên trong hệ thống phòng thủ ở biên giới phía Tây của Trung Quốc.

Nhìn từ ý nghĩa địa chiến lược, Tân Cương và Tây Tạng cùng tạo thành một vùng đệm giữa Trung Á và vùng nội địa Trung Quốc. Một khi các thế lực bên ngoài kiểm soát được, họ có thể bành trướng và xâm lấn vào vùng nội địa Trung Quốc thông qua đường giáp ranh tỉnh dài, từ đó gây nguy hiểm cho nền móng của nước này. Nhìn từ góc độ về tính đe dọa, không giống như Tây Tạng có rào cản là núi non trùng điệp, Tân Cương vốn có giao thông thuận tiện với các nước láng giềng và là cửa ngõ phía Tây Bắc của Trung Quốc. Mức độ rủi ro cao này đã quyết định vị thế của Tân Cương với tư cách là “pháo đài số một” ở phía Tây Trung Quốc và luôn là một trong những điểm trọng yếu trong hệ thống biên phòng của nước này.

Ý nghĩa to lớn thứ hai của Tân Cương đối với sự tồn vong của Trung Quốc nằm ở vấn đề năng lượng. Sau hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có kim ngạch thương mại hàng đầu thế giới với một nền sản xuất đa dạng bậc nhất. Đặc biệt, tại các khu vực ven biển phía Đông, hàng loạt nhà máy hoạt động không ngừng nghỉ, các đô thị rực rỡ ánh đèn, đường phố tấp nập xe cộ qua lại, phía sau tất cả sự thịnh vượng này đều không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ của năng lượng. Do sự phân bổ tài nguyên năng lượng hết sức không đồng đều ở Trung Quốc, mâu thuẫn giữa sự phát triển nhanh chóng của kinh tế và tình trạng thiếu năng lượng ở vùng ven biển phía Đông ngày càng trở nên gay gắt.

Theo thống kê, Tân Cương có tổng trữ lượng dầu mỏ đã xác minh là 6,72 tỷ tấn, chiếm 15% toàn Trung Quốc; tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên đã xác minh là 3,06 nghìn tỷ mét khối, chiếm 18% toàn Trung Quốc; tổng lượng tài nguyên than đã xác minh là 450 tỷ tấn, chiếm 25% tổng sản lượng cả nước. Có thể nói, Tân Cương là trạm dầu khí của cả Trung Quốc, trạm dầu khí này không chỉ tự sản xuất dầu khí mà còn đảm nhận trọng trách là lối vào cho dầu khí của nước ngoài.

Một số khu vực ở Tân Cương như Tarim hay Junggar chứa một lượng lớn tài nguyên dầu khí. Mạng lưới dầu mỏ gồm các mỏ dầu như Karamay, Tuha, Tarim… cùng mạng lưới khí đốt tự nhiên gồm các mỏ khí đốt như Qaidam… đã liên tục cung cấp nguồn năng lượng cho toàn Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm qua. Trong số đó, Dự án Vận chuyển khí đốt từ Tây sang Đông là hạng mục lớn nhất, toàn bộ mạng lưới đường ống bắt đầu từ lưu vực Tarim thuộc Tân Cương ở phía Tây và tỏa ra Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tô, Chiết Giang và Hồng Kông, mang lại lợi ích cho 400 triệu người. Ba trong số sáu lưu vực sản xuất khí đốt chính trong dự án này đều nằm ở Tân Cương. Trữ lượng của mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất ở lưu vực Tarim chiếm tới 16% tổng trữ lượng đã xác minh của toàn Trung Quốc, với sản lượng mỗi ngày đạt hơn 80 triệu mét khối.

Ngoài nguồn tài nguyên dầu khí bản địa, Tân Cương còn là đầu mối quan trọng nhất để dầu khí nước ngoài tiến vào Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ về năng lượng của mình, Trung Quốc đã phát triển bốn mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên xuyên biên giới trên đất liền, mà Tân Cương lại chính là trạm trung chuyển dầu khí trên đất liền của nước này.

Mạng lưới đường ống khí đốt tự nhiên này bao gồm: mạng lưới Đường ống Trung Quốc-Myanmar, lối vào ở Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam; mạng lưới Đường ống phía Đông Trung Quốc-Nga, lối vào ở Mạc Hà, tỉnh Hắc Long Giang; hai mạng lưới Đường ống phía Tây Bắc, một đến từ ba nước Trung Á là Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan và một đến từ Nga, với lối vào ở Horgos, Tân Cương. Trong số đó, mạng lưới đường ống phía Tây Bắc có lưu lượng truyền tải lớn nhất. Sau khi các đường ống từ nước ngoài hội tụ ở Horgos, chúng sẽ được hợp vào mạng lưới Vận chuyển khí đốt từ Tây sang Đông của nội địa Trung Quốc. Bên cạnh đó, bốn đường ống dẫn dầu bao gồm: Đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Myanmar, Đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Kazakhstan, Đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Nga và Đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Nga số hai. Trong đó, Đường ống Trung Quốc-Kazakhstan đi qua A Lạp Sơn Khẩu và được hợp vào mạng lưới Tân Cương Karamay-Dushanzi.

Có thể thấy, Tân Cương đảm nhận một trọng trách nặng nề về giao thông, nơi này kết nối với nhiều quốc gia, là điểm khởi đầu và nút thắt then chốt trong chuỗi năng lượng quốc gia, cũng như đóng một vai trò quan trọng trong việc cung ứng và chuỗi cung ứng năng lượng của Trung Quốc. Một khi Tân Cương rơi vào tình trạng hỗn loạn, nước này sẽ chỉ còn cách tăng cường vận tải biển, mà vận tải biển thì vốn nằm dưới cái bóng bá quyền hàng hải của Mỹ, từ đó khiến cho hệ thống an ninh năng lượng quốc gia của Trung Quốc trở nên mất cân bằng và nước này khó lòng yên ổn.

Việc Mỹ và các nước phương Tây khác có những hành động ở Tân Cương và ban hành các dự luật liên quan đến Tân Cương chính là nhằm phá hoại hệ thống năng lượng và an ninh quốc gia của Trung Quốc.

  1. Phát triển là đạo lý trụ cột: Tân Cương là khu vực cốt lõi cho sự trỗi dậy của Trung Quốc

Tân Cương sở hữu 20 cửa khẩu được nhà nước cho phép mở cửa với thế giới bên ngoài, trong đó có 17 cửa khẩu đường bộ và 3 cửa khẩu hàng không, với những lợi thế địa lý độc đáo. Với sự thúc đẩy hơn nữa của Chiến lược phát triển miền Tây và việc cùng xây dựng sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, Tân Cương đã chuyển đổi từ một vùng nội địa tương đối khép kín thành một nơi cởi mở với thế giới bên ngoài, và từ một khu vực xa xôi trở thành một vùng trung tâm và vùng lõi.

Trung Quốc có một nền ngoại thương phát triển thịnh vượng và dịch vụ hậu cần xuyên biên giới đóng đặc biệt quan trọng trong đó. Tuy nhiên, một nửa lãnh thổ của Trung Quốc giáp với Nga và Mông Cổ, nếu muốn vươn ra toàn cầu, nước này chỉ có hai lựa chọn: hướng về phía Tây hoặc phía Nam. Vận tải đường biển có chi phí thấp, mang tính phổ quát và thuận lợi nhất đối với thương mại, vì vậy việc tiến về phía Nam là lựa chọn hàng đầu để Trung Quốc vươn ra toàn cầu. Trung Quốc nằm ở phía Đông của lục địa Á-Âu, nếu muốn vận chuyển hàng hóa đến Trung-Tây Á, châu Âu và châu Phi thì cần phải đi qua eo biển Malacca.

Hãy vẫn lấy dầu mỏ – nguồn tài nguyên huyết mạch của Trung Quốc làm ví dụ. Trung Quốc có hai tuyến đường chính để vận chuyển dầu qua đường biển: Một tuyến bắt đầu từ Ả Rập Saudi, Iran, Iraq ở Trung Đông và các nước Bắc Phi, đi qua eo biển Hormuz hoặc kênh đào Suez, Vịnh Aden để đến Ấn Độ Dương, rồi băng qua eo biển Malacca và vào Biển Đông; một tuyến xuất phát từ Nigeria ở Tây Phi, đi qua Mũi Hảo Vọng đến Ấn Độ Dương, rồi băng qua Malacca để vào Biển Đông.

Nhìn vào mạng lưới thương mại toàn cầu, eo biển Malacca là trạm kiểm soát mà Trung Quốc không thể vượt qua, và trạm kiểm soát này nằm dưới sự kiểm soát quân sự của Mỹ.

Hải quân Trung Quốc có thể kiểm soát eo biển Malacca không? Kinh nghiệm lịch sử của Nga và Đức trong thời kỳ từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 cho thấy, trong bối cảnh các cường quốc theo chủ nghĩa đế quốc nối nhau xưng bá một phương, khi các cường quốc mới nổi nỗ lực phát triển đến trình độ bắt đầu có xung đột và va chạm lợi ích với các cường quốc biển hiện thời, thì họ đều sẽ phải đối mặt với bá quyền và áp lực chiến lược từ các cường quốc biển. Và Trung Quốc, một quốc gia mới nổi, cũng không phải ngoại lệ. Khi Nga và Đức ứng phó với những thách thức và mối đe dọa từ các cường quốc biển, do chịu ảnh hưởng từ lý thuyết sức mạnh biển của Alfred Mahan lúc bấy giờ cùng tham vọng cạnh tranh với các cường quốc biển, họ đã không chỉ tập trung vào sức mạnh trên bộ, mà còn chú trọng xây dựng sức mạnh quân sự và kinh tế trên biển trong quá trình phát triển của mình.

Tuy nhiên, cả lịch sử và thực tiễn đều chứng minh rằng, dù đã dồn lực phát triển lực lượng hải quân nhưng họ vẫn không thể cạnh tranh được với các cường quốc biển. Có thể thấy, không phải quốc gia mới nổi nào cũng có khả năng theo đuổi chiến lược phát triển cả trên bộ và trên biển, ngay cả siêu cường thế giới hiện nay là Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc phát triển cả hai tuyến. So với Nga và Đức trước đây, Trung Quốc không có lợi thế địa lý mang tính chiến lược trong phát triển hàng hải và gần như không có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc đối đầu trực diện với Mỹ về sức mạnh biển.

Nếu sức mạnh hàng hải quan trọng đến vậy đối với sự phát triển trong tương lai, trong khi hiện lại không thể phát triển được do trở ngại từ bá quyền của Mỹ, vậy thì Trung Quốc chỉ có thể chọn cách khác để tìm kiếm lợi thế nhằm “bẻ khóa” vị thế cường quốc biển vốn luôn bị Mỹ đe dọa.

Trong hoàn cảnh như vậy, Trung Quốc buộc phải phát triển một tuyến tấn công thứ cấp, đó là tiến về phía Tây và sử dụng các tuyến đường bộ để phá vỡ chiến lược phong tỏa trên biển của Mỹ. Tân Cương đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong việc đột phá sự phong tỏa trên biển của Mỹ. Để tìm lối ra biển cho Tân Cương, chiếc chìa khóa phá vỡ cục diện chính là Pakistan.

Trong thế kỷ trước, Trung Quốc và Pakistan đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược bền vững trong mọi hoàn cảnh (all-weather strategic partnership). Pakistan đã chủ động đề nghị xây cầu vượt biển cho Trung Quốc. Năm 2015, khi Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, dự án hàng đầu trong chiến lược “Một Vành đai, Một Con đường”, khởi công xây dựng, Trung Quốc đã giành được quyền thuê cảng Gwadar của Pakistan trong 43 năm. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan dài khoảng 3.000 km, giáp “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” ở phía Bắc và nối với “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” ở phía Nam, là đầu mối trọng yếu xuyên suốt Con đường Tơ lụa Bắc-Nam của Trung Quốc. Một mặt, việc xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan có thể kết nối các tuyến đường bộ và đường biển nằm trong quy hoạch chiến lược của Trung Quốc lại với nhau, mặt khác, Trung Quốc đang sử dụng phương thức xuất khẩu vốn này để từng bước thúc đẩy chiến lược quyền lực trên bộ của mình. Mà cốt lõi của các tuyến đường bộ là xây dựng đường cao tốc và đường sắt, việc giúp đỡ các nước dọc theo “Một Vành đai, Một Con đường” xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ có lợi cho việc thực thi chiến lược của Trung Quốc ở Trung Đông, Trung Á và châu Âu.

Với tuyến vận tải này, việc vận chuyển giữa Trung Quốc với châu Á, châu Phi và châu Âu hoàn toàn có thể vượt qua eo biển Malacca và chuỗi đảo đầu tiên, trực tiếp cập bến ở Ấn Độ Dương, tiến vào Tân Cương bằng đường bộ, qua đó hoàn toàn thoát khỏi sự phong tỏa của Mỹ ở eo biển Malacca.

“Một vành đai, Một con đường” có tổng cộng 5 tuyến đường chính: 1) Bắc Mỹ – Nhật Bản và Hàn Quốc – Cảng Zarubino – Hunchun – Diên Cát – Cát Lâm – Trường Xuân – Mông Cổ – Nga – châu Âu; 2) Bắc Kinh – Nga – Đức – Bắc Âu; 3) Bắc Kinh – Tây An – Urumqi – Trung Á – Hungary – Paris; 4) Phúc Kiến – Quảng Châu – Hải Khẩu – Hà Nội – Kuala Lumpur – Jakarta – Colombo – Calcutta – Nairobi – Athens – Venice; 5) Liên Vân Cảng – Trịnh Châu – Tây An – Lan Châu – Tân Cương – Trung Á – châu Âu.

Nhìn từ thiết kế tuyến đường có thể đánh giá rằng, Tân Cương là cửa ngõ đối ngoại trên bộ quan trọng nhất của Trung Quốc và có thể coi là viên ngọc trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường”.

Việc Trung Quốc chuyển trọng tâm chiến lược vào việc xây dựng sức mạnh trên bộ không có nghĩa nước này trực tiếp từ bỏ cuộc chiến ở Biển Đông, mà là để phát triển quyền lực trên biển thì buộc phải tăng cường quyền lực trên bộ. Điều này cũng được thể hiện một cách rõ ràng trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” do Trung Quốc đề xuất. Một vành đai trong số đó là “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” coi Tân Cương là điểm khởi đầu và điểm đột phá cốt lõi để phát triển các tuyến đường bộ.

Lý do khiến Mỹ nhắm vào Tân Cương để trấn áp Trung Quốc trong những năm gần đây là điều đã quá rõ ràng. Với một vị trí chiến lược tương đối quan trọng trong “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa”, Tân Cương là đầu mối liên kết chiến lược giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đồng thời cũng là chìa khóa để Trung Quốc tạo ra đột phá ở châu Á và kết nối với các nước châu Âu trên đất liền.

Phân tích từ góc độ địa lý thế giới, Tân Cương nằm chính tại vị trí trung tâm của châu Á, khu vực này cũng là một bộ phận quan trọng cấu thành nên “trái tim” (heartland) của Hòn đảo thế giới (World Island). “Hòn đảo thế giới” là một khái niệm quan trọng được Halford Mackinder đưa ra khi nghiên cứu về địa chính trị toàn cầu. Mackinder tin rằng, trong tương lai, kẻ nắm giữ được trái tim của Hòn đảo thế giới sẽ kiểm soát được Hòn đảo thế giới, tức là nắm quyền kiểm soát toàn cầu. Nhìn từ góc độ này có thể thấy, Tân Cương có một ý nghĩa chiến lược mang tính toàn cầu, việc nắm giữ hay đánh mất Tân Cương có lẽ sẽ tác động to lớn đến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai.

Do vậy, Tân Cương không chỉ là vùng chiến lược để Trung Quốc áp chế quyền lực biển của Mỹ, mà còn là cốt lõi và niềm tin để Trung Quốc tăng cường sức mạnh trên bộ, cũng như để cân bằng và cạnh tranh trong cuộc chơi với Mỹ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới