Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Vụ nổ rực lửa” và sự rạn nứt quan hệ Trung -Triều

“Vụ nổ rực lửa” và sự rạn nứt quan hệ Trung -Triều

Bình Nhưỡng tố Hàn Quốc và Nhật Bản là lẽ đương nhiên. Nhưng lần này lại tố cả Trung Quốc mới là chuyện nóng. Vấn đề này khiến dư luận quốc tế đang nóng lên. Chẳng lẽ mối quan hệ gắn bó “như môi với răng” giữa hai quốc gia láng giềng đã hết thời.

Kể ra thì ông Kim Jong Un cũng “to gan” thật khi dám đương đầu với Bắc Kinh. Chẳng là, mới rồi, lần đầu tiên sau nhiều năm, Bình Nhưỡng chỉ trích Tuyên bố chung do Bắc Kinh ký đề cập đến khả năng phi hạt nhân hóa. Tuyên bố này được ký giữa ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn quốc, nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Ông Kim “to gan” còn là vì trước đó ông đã quyết định tiến hành vụ phóng tên lửa khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đang có mặt ở Seoul chuẩn bị gặp Thủ tướng Nhật Bản và Hàn Quốc, đây là một phần của cuộc đối thoại ba bên (gần 5 năm rồi mới tổ chức được). Vỗ mặt nhau như thế thật là quá đáng!

Cuối ngày 27/5, vụ phóng kết thúc bằng một “vụ nổ rực lửa” ngay sau khi cất cánh. Cuộc đối thoại ba bên kết thúc trong bối cảnh Bình Nhưỡng phản ứng như thế. Đây là một hành động gây gián đoạn hiếm thấy của Triều Tiên trong một sự kiện chính trị lớn liên quan đến Trung Quốc.

Thật là “vuốt mặt không nể mũi”. Trung Quốc từ lâu đã là đồng minh chính và là huyết mạch kinh tế của Triều Tiên khi nước này bị cô lập trong “ốc đảo”. Rõ ràng, hơn cả sự rạn nứt, mối quan hệ Trung-Triều đang như cây lung lay trước bão.

Ông Lý Cường đã bẽ mặt khi đang làm khách quý ở Seuol. Ông khó xử vì đang đứng cạnh hai nguyên thủ của hai quốc gia vốn rất căm phẫn các hành động phóng tên lửa hạt nhân, gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ngay sau đó, ba nguyên thủ đã đưa ra Tuyên bố chung yêu cầu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cáo buộc ba nước “nhạo báng và lừa đảo”. Bình Nhưỡng cho rằng, ba nước đã “thách thức trắng trợn” đối với chủ quyền Triều Tiên, “can thiệp bừa bãi” vào các vấn đề nội bộ của nước này.

Thật ra, Triều Tiên cũng đã từng “chấp nhận ý tưởng phi hạt nhân hóa trong một số bối cảnh”. Minh chứng là, trong Tuyên bố chung được ký giữa Kim Jong Un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2018 đã nói tới điều hệ trọng này.

Thế nhưng, đó chỉ là sự ngập ngừng trong một thời khắc nhất định, và chỉ là “ý tưởng” thôi. Sự thật là, tháng 9/2023, Hội nghị nhân dân tối cao khóa 14 của Triều Tiên đã nhất trí thông qua việc sửa đổi Hiến pháp. Họ đã “sửa đổi” thế này: đưa vĩnh viễn chính sách vũ khí hạt nhân vào Bộ luật cơ bản của đất nước.

Ông Kim Jong Un tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc sản xuất vũ khí hạt nhân để “bảo vệ quyền sinh tồn và phát triển đất nước, ngăn chặn chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới”. Theo phân tích của các chuyên gia, việc đưa chính sách hạt nhân vào Hiến pháp là một động thái mang tính biểu tượng cho thấy Triều Tiên có ý định sở hữu lực lượng hạt nhân lâu dài và sẽ không đàm phán về vấn đề này. Điều này sẽ khiến triển vọng phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Hội nghị tháng 9/2023 cũng chỉ là bước tiếp theo cứng rắn và kiên quyết hơn sau một năm Hội nghị nhân dân tối cao pháp chế hóa chính sách vũ khí hạt nhân (tháng 9/2022). Ông Kim Jong Un đã cáo buộc liên minh quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc gây ra tình hình bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên. (Lúc bấy giờ Trung Quốc chưa bị “lôi” vào liên minh này).

Vì sao Triều Tiên có ý “lảng” Trung Quốc? Phải chăng có sự xích lại giữa Moscow và Bình Nhưỡng khi Triều Tiên và Nga đã đồng ý tăng cường hợp tác kinh tế và khả năng hợp tác quân sự giữa hai nước. Điều này khiến Mỹ và Hàn Quốc rất lo ngại, rằng, Bình Nhưỡng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nga cho các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này.

Trở lại sự đổ vỡ trong quan hệ Trung Quốc- Triều Tiên. Hai quốc gia đi theo con đường xã hội chủ nghĩa vốn nương tựa nhau về tinh thần. Vào năm 2017, Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với các vụ thử hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên. Do vậy, mối quan hệ Trung-Triều trở nên nồng ấm. Trung Quốc cũng phản đối các chế tài mới, ngay cả khi Triều Tiên mở rộng đáng kể các vụ thử phi đạn đạn đạo vốn bị cấm theo các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Nhưng hình giống như bên dưới mặt hồ phẳng lặng là những xoáy nước ngầm. Chẳng hiểu vì sao 5 năm qua Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không gặp ông Kim.

Ông Tập xa thì có Putin gần. Tháng 9/2023, ông Kim đã ung dung dạo bước tới vùng Viễn Đông của Nga. Tại đây Nga và Triều Tiên đã đồng ý mở rộng hợp tác quân sự. Nga cho phép Triều Tiên xây dựng lực lượng hạt nhân đáng kể ở biên giới nước này. Theo các quan chức Điện Kremlin, sắp tới ông Putin đã có kế hoạch sớm tới thăm Triều Tiên để thảo luận tiếp “những vấn đề mà hai bên quan tâm”.

Vậy là thế cờ đã thay đổi, Triều Tiên đang xích lại phía Nga. Và họ đang có xu hướng độc lập, tách dần khỏi Bắc Kinh. “Vụ nổ rực lửa” của Triều Tiên hôm 27/5 như một vết dao chém vào mối quan hệ Trung-Triều, cần phải có thứ thuốc công hiệu để chữa lành. Nhưng chắc chắn là không dễ vì nó động chạm đến những “mâu thuẫn cơ bản”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới