Các nước NATO đang tích cực xây dựng những tuyến đường vận chuyển nhanh và hệ thống phòng tuyến kiên cố để đối phó với một cuộc tấn công tiềm tàng.
Theo EurAsian Times, NATO đang lên kế hoạch tạo ra các con đường hậu cần quan trọng, cho phép triển khai nhanh chóng quân đội và vũ khí hạng nặng tới tiền tuyến. Động thái này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu trước “một cuộc tấn công tiềm tàng” từ Nga.
Được đặt tên là “hành lang trên bộ”, những tuyến đường này được thiết kế để đẩy nhanh việc di chuyển của binh lính và xe bọc thép đến các vùng chiến sự quan trọng. Điều này sẽ đảm bảo phản ứng nhanh chóng của phương Tây trước bất kỳ mối đe dọa lớn nào từ Moskva.
Kế hoạc xây dựng “hành lang trên bộ”
Theo các quan chức NATO, “hành lang trên bộ” sẽ cho phép binh sĩ Mỹ đến các cảng được chỉ định và di chuyển lực lượng dọc theo các tuyến đường đã được lên kế hoạch từ trước để đến tiền tuyến. Kế hoạch hiện tại cho thấy rằng, lực lượng Mỹ sẽ đổ bộ vào các cảng của Hà Lan và sau đó di chuyển bằng tàu hỏa qua Đức để đến Ba Lan.
Những tuyến đường mới này nhằm mục đích bỏ qua các quy định của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển quân sự và hậu cần suôn sẻ hơn. Trong số năm cảng được chọn để quân đội Mỹ triển khai nhanh tới châu Âu, bốn cảng có khả năng tiếp cận biên giới phía tây của Ukraine, còn một cảng dẫn thẳng đến biên giới Nga qua Phần Lan.
NATO đang tích cực mở rộng các kế hoạch này để bổ sung thêm một số cảng biển khác, đảm bảo rằng các tuyến đường vẫn có thể hoạt động hiệu quả bất chấp tình huống bị lực lượng Nga gây gián đoạn.
Sự phát triển của các hành lang này tuân theo nghị quyết từ hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái ở Litva, nơi các nhà lãnh đạo cam kết duy trì 300.000 quân trong tình trạng sẵn sàng cao độ để bảo vệ liên minh.
Trung tướng Alexander Sollfrank, Giám đốc Bộ chỉ huy hậu cần JSEC của NATO (Bộ chỉ huy hỗ trợ và kích hoạt chung), nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các hệ thống hậu cần trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Ông nói với The Telegraph: “Hệ thống hậu cần của Ukraine phải hứng chịu rất nhiều thiệt hại từ các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Nga”. Vì thế, Sollfrank đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một mạng lưới hậu cần kiên cố để chống chọi với những cuộc tấn công như vậy.
Trong trường hợp các cảng hoặc tuyến đường Bắc Âu bị gián đoạn bởi các cuộc tấn công của Nga, Sollfrank đã lên kế hoạch dự phòng chi tiết để chuyển các tuyến hậu cần sang các cảng ở Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ các cảng của Italia, quân đội Mỹ có thể đi qua Slovenia và Croatia tới Hungary, quốc gia giáp Ukraine. Các chiến lược tương tự cũng đã được lên kế hoạch cho các lực lượng di chuyển từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp qua Bulgaria và Romania tới sườn phía đông của NATO.
Các kế hoạch bổ sung đang được xem xét để vận chuyển quân qua các cảng ở Balkan, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Các cảng ở Bắc Âu, bao gồm Hà Lan, Đức và các nước vùng Baltic, được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Suy ngẫm về những bài học rút ra từ cuộc xung đột tại Ukraine, Sollfrank lưu ý tầm quan trọng của việc tránh xây dựng các căn cứ hậu cần lớn, bởi chúng dễ bị phát hiện và sẽ bị phá hủy sớm khi xung đột nổ ra.
NATO tăng cường phòng thủ
Chiến lược phát triển các “hành lang trên bộ” này của NATO nhằm mục đích đảm bảo phản ứng nhanh chóng và liên tục trước mọi mối đe dọa trong tương lai, củng cố cam kết của liên minh đối với an ninh của châu Âu.
Sáng kiến này được xem là một nỗ lực mới nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chống lại “một cuộc tấn công tiềm tàng” từ Nga. EurAsian Times gần đây cũng đưa tin rằng, Na Uy, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan đã đồng ý tạo ra một “bức tường máy bay không người lái” để bảo vệ phần còn lại của châu Âu khỏi những mối nguy hiểm đang đến gần.
Kế hoạch đầy tham vọng này bao gồm hàng nghìn camera giám sát và máy bay không người lái có vũ trang tuần tra vùng biên giới căng thẳng, trải dài từ Na Uy đến Ba Lan. Tổng thống Latvia, Edgars Rinkevics mô tả sáng kiến này gợi nhớ đến “những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh”.
Theo Tổng thống Rinkevics, các máy bay không người lái (UAV) sẽ được triển khai để giám sát và chống lại các hành động khiêu khích của Nga và Belarus, bao gồm cả khả năng sử dụng số lượng lớn người di cư làm “vũ khí”.
Mặc dù vai trò chính của những máy bay không người lái này là trinh sát nhưng khả năng triển khai máy bay không người lái có vũ trang vẫn chưa bị loại trừ. Các quốc gia tuyến đầu của NATO lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin, có thể đặt mục tiêu tiến xa hơn về phía tây nếu ông thành công ở Ukraine.
Nga đã chuyển tên lửa hạt nhân tới Belarus và dự trữ vũ khí ở Kaliningrad. Ngoài ra, Moskva còn đề xuất vẽ lại đường biên giới trên biển với Phần Lan và Litva. Để đối phó với những mối đe dọa này, Ba Lan cũng đang tăng cường tuyến phòng thủ với các công sự kiên cố với tên gọi là “Tusk Line” dài hơn 600 km.
Tuyến phòng thủ rộng lớn này sẽ bao gồm các bãi mìn, hào chống tăng và hầm trú ẩn. Ba Lan có chung đường biên giới dài 430 km với Belarus và đường biên giới dài 370 km với Kaliningrad, của Nga.
Khi công bố dự án vào tháng trước, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh rằng “kẻ thù sẽ không thể vượt qua được phòng tuyến này”. Ngoài ra, Estonia đang xây dựng 600 hầm trú ẩn quân sự dọc theo tiền tuyến của mình như một phần của “tuyến phòng thủ Baltic” nhằm tăng cường an ninh khu vực.