Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Cơn đau đầu mới” của Philippines

“Cơn đau đầu mới” của Philippines

Để thực thi Luật Hải cảnh năm 2021, Trung Quốc vừa ban hành quy định mới, theo đó, từ ngày 15-6-2024, Hải cảnh Trung Quốc được tạm giữ người nước ngoài bị nghi ngờ xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà không cần xét xử; thời hạn tạm giữ 30 ngày, trong một số trường hợp có thể lên đến 60 ngày.

Tàu hải cảnh Trung Quốc được cho là trang bị vòi rồng 76mm

Liên quan cái Luật Hải cảnh này, sau khi kỳ họp thứ 25 Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc thông qua, và được ông Tập Cận Bình ký ban hành ngày 22-1-2021, dư luận đã phản ứng dữ dội quy định của Điều 49: “Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn”.

Diễn dịch một cách dễ hiểu hơn, Trung Quốc cho phép lực lượng Hải cảnh nước này “quyền được bắn” tàu nước ngoài. Trong bối cảnh Biển Đông sôi sục như một vạc dầu, động thái của Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra “tính toán sai lầm” tại biển Hoa Đông và Biển Đông – nơi Trung Quốc đang tranh chấp các đảo, đá với Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Phản ứng chỉ trích của dư luận quốc tế, thời điểm đó, Trung Quốc đã lên tiếng: Luật hải cảnh giúp bảo vệ hiệu quả cái gọi là “các quyền lợi trên biển, an ninh và chủ quyền quốc gia”; rằng: việc thông qua luật hải cảnh là “hoạt động lập pháp bình thường” của nước này và Trung Quốc “sẽ vẫn cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển”.

Lý sự cùn của Bắc Kinh khiến dư luận như…bó tay. Mà cũng đâu có lạ, đến phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Tòa trọng tài (PCA) ở The Hague, Hà Lan, Bắc Kinh cũng còn không thèm đếm xỉa, nữa là hai tiếng “quan ngại” gần như chỉ mang tính biểu tượng mà các phát ngôn viên ngoại giao một số quốc gia lặp lặp đi lặp lại đến nhàm chán.

Câu chuyện liên quan “quyền được bắn” đang có chiều nguội dần, thì nay, lại bùng lên câu chuyện “quyền được giữ” để thực thi Luật Hải cảnh năm 2021.

Tại sao Trung Quốc thay đổi quy định, giao cho Hải cảnh cái quyền phi lý đó vào giữa tháng 5. Lý do: từ nhiều năm nay, tháng 5 là tháng Trung Quốc ban hành lệnh đơn phương lặp lại cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Lệnh cấm này đã là vô lý. Kết hợp với “quyền bắt người” của lực lượng Hải Cảnh, sự vô lý nhân thành hai.Và, nghiêm trọng hơn, điều đó đánh dấu một nấc thang mới, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Bên gây ra cái sự phức tạp đó lại dám quả quyết là giữ ổn định và hòa bình – liệu còn gì đáng nhạo báng hơn?

Thực ra, chưa cần ai mách, dư luận cũng biết, tác động của cái quy định ngang ngược mới này là như thế nào, một khi Trung Quốc khăng khăng không từ bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” vô lý mà họ đã và đang theo đuổi.

Theo “đường lưỡi bò” (cách gọi khác của dư luận về “đường 9 đoạn”, hàm ý phê phán sự tham lam của Trung Quốc), 90% Biển Đông chính là “lãnh hải hoặc vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”. Vậy thì để cho an toàn, không bị lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc tạm giữ, ngư dân các nước Philippines,Việt Nam, Malaysia chỉ còn nước…đánh cá trên sông, đừng nghĩ tới chuyện giong buồm ra biển. Thậm chí, tàu bè các quốc gia khác, kể cả Mỹ, qua lại mà không xin phép, cũng có thể bị Hải Cảnh Trung Quốc bắt giữ…

Trước tình thế này, các nước liên quan vấn đề chủ quyền Biển Đông đã làm gì? Việt Nam, cũng như mọi khi, phản ứng bằng cách nhắc lại rằng, mình có đủ bằng chứng pháp lý, cơ sở lịch sử về chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, Hà Nội nhấn mạnh sẽ “luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp của Việt Nam”.

Trong tình thế này, có lẽ phản ứng của Hà Nội là phù hợp: không mới, nhưng kín kẽ, chặt chẽ. Vẻ như trong câu chuyện này, Hà Nội đã quá quen và thuần thục khi cần ứng xử. Với Hà Nội, quan trọng là hành động. Chính Trung Quốc cũng biết, từ nhiều năm nay, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá, dù khó khăn và phải đề phòng, ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi vào lộng đều đều ở các ngư trường truyền thống.

Còn Philippines, tiếp ngay sau câu nói căng thẳng: “Chính sách mới (của Trung Quốc) đe dọa giam giữ công dân của chúng tôi. Đó là sự leo thang tình hình”, nhà lãnh đạo Philippines Marcos lại “mềm hóa” sự căng thẳng trên bằng lời lẽ Manila “sẽ sử dụng bất kỳ đầu mối liên lạc nào với Trung Quốc để ngăn chặn các hành động gây hấn” và cho phép ngư dân Philippines đánh cá ở biển Đông; rằng: “nếu các hành động hung hăng được quản lý “thì chúng tôi (ngư dân Philippines) có thể tiến hành công việc của mình một cách hòa bình”.

Nhìn vào cách nói năng đó của ông Marcos đủ biết, cùng với những vụ gây hấn, uy hiếp của Trung Quốc trong thời gian qua ở các bãi cạn Cỏ Mây, Scaborough, quy định mới này của Bắc Kinh đang khiến Manila đau đầu thêm như thế nào.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới