Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết chính quyền Ukraine cần tuân thủ luật pháp trước khi bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.
“Khi những người bạn của chúng tôi từ nhiều quốc gia khác nhau đưa ra đề nghị đàm phán, đôi lúc họ nói: “Chúng ta hãy chấm dứt hành động thù địch ngay bây giờ và bắt đầu đàm phán”. Liệu yêu cầu tôn trọng quyền của bất kỳ dân tộc thiểu số nào, đặc biệt là một dân tộc lớn như người Nga ở Ukraine, là một điều kiện sơ bộ giả tạo không? Tôi không nghĩ vậy. Chính quyền Ukraine nên quay trở lại khuôn khổ pháp lý mà tất cả các thành viên trung thực và có trách nhiệm khác của cộng đồng quốc tế đang tuân thủ theo”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp cấp bộ trưởng khối BRICS hôm 11/6.
Ông nhấn mạnh rằng, việc để mọi việc diễn ra như hiện tại và ngồi vào bàn đàm phán như không có chuyện gì xảy ra là không đúng.
Ông nhắc lại rằng cuộc đàm phán ở Istanbul giữa Nga và Ukraine vào tháng 4/2022 đã đưa ra một tài liệu giúp chấm dứt tình trạng xung đột. “Nhưng những người tham gia đoàn đàm phán của Ukraine sau đó thừa nhận rằng họ đã bị Anh, Mỹ và những bên giật dây khác cấm tham gia việc này (ký hiệp ước với Nga)”, ông Lavrov nói.
“Tôi muốn yêu cầu những người đang tìm cách thúc đẩy các sáng kiến về việc bắt đầu quá trình đàm phán hãy lưu ý hai điều quan trọng. Đầu tiên, đừng quên vào tháng 9/2022 (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky đã ký sắc lệnh cấm tất cả các quan chức Ukraine tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với chính phủ của (Tổng thống Nga) Vladimir Putin. Đầu tháng 5/2024, Bộ Ngoại giao Ukraine đã đưa ra một tuyên bố chính thức nói rằng Ukraine không công nhận ông Vladimir Putin là một tổng thống hợp pháp được bầu cử dân chủ”, ông Lavrov nói.
“Thứ hai, những người thúc đẩy những sáng kiến như vậy đang nói những điều đúng đắn về việc không thể chia cắt an ninh, việc không thể gia nhập các khối, cũng như sự cần thiết của việc phân tích các nguyên nhân, nên lưu ý rằng tiếng Nga bị luật pháp Ukraine cấm hoàn toàn ở Ukraine, vi phạm trắng trợn tất cả các công ước quốc tế có thể có về quyền của các dân tộc thiểu số”, ngoại trưởng Nga nói thêm.
Trước đó, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin hôm 4/6 tuyên bố cách hiệu quả nhất và nhanh nhất để chấm dứt xung đột ở Ukraine là ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev.
Moscow nhiều lần cảnh báo việc phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine cho thấy thực tế các nước này đã tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Nga cũng cho rằng, những viện trợ này chỉ kéo dài xung đột, nối dài khổ đau cho người Ukraine thay vì có thể thay đổi tình hình.
Điện Kremlin nhiều lần khẳng định, Nga không bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine, song Kiev cần chấp nhận “thực tế mới về lãnh thổ”. Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10/2022 và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Trong khi đó, Ukraine đưa ra công thức hòa bình, kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, cũng như thành lập một tòa án để truy tố các quan chức hàng đầu của Nga vì phát động cuộc chiến. Nga đã bác bỏ đề xuất này vì cho rằng “xa rời thực tế”.