Một tàu ngầm hạt nhân của Nga cùng các tàu hải quân khác đã đến Cuba ngày 12-6, trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày.
Theo Hãng tin AFP, tàu ngầm Kazan – Cuba khẳng định không mang vũ khí hạt nhân – được hộ tống bởi tàu khu trục Đô đốc Gorshkov, một tàu chở dầu và một tàu cứu hộ.
Video tàu ngầm hạt nhân Nga tham gia tập trận tên lửa trước khi đến Cuba – Nguồn: AFP
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trước khi vào cảng Havana, hạm đội đã “hoàn thành một cuộc tập trận sử dụng vũ khí tên lửa chính xác cao”.
Việc quân đội Nga có hoạt động gần Mỹ (bờ biển bang Florida) như vậy diễn ra trong bối cảnh hai nước leo thăng căng thẳng do xung đột ở Ukraine, nơi chính quyền Kiev được phương Tây hậu thuẫn đang chiến đấu chống lại Matxcơva.
“Chúng tôi đương nhiên xem xét vấn đề này rất nghiêm túc, nhưng các cuộc tập trận này không đe dọa Mỹ”, phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói với báo giới.
Chuyến thăm cảng này trùng với cuộc gặp gỡ ở Matxcơva giữa Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Trong cuộc gặp, ông Rodriguez bày tỏ sự “phản đối việc mở rộng NATO về phía biên giới Nga”, vì sẽ “dẫn đến cuộc xung đột hiện tại ở châu Âu, đặc biệt là giữa Matxcơva và Kiev”.
Ông Rodriguez cũng kêu gọi “một giải pháp ngoại giao, xây dựng và thực tế” cho cuộc xung đột này.
Quân đội Cuba cho biết chuyến thăm của đội tàu hải quân Nga “tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế” và là sự tôn vinh “quan hệ hữu nghị lịch sử” giữa Havana và Matxcơva.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Singh cho biết các chuyến thăm cảng như vậy là “những chuyến thăm hải quân thường lệ mà chúng ta đã thấy dưới nhiều chính quyền khác nhau”.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước trong cuộc diễu hành quân sự thường niên ngày 9-5 tại quảng trường Đỏ trước Điện Kremlin.
Ông Miguel Diaz-Canel đã chúc Nga “thành công” trong chiến dịch ở Ukraine và lên án “sự thao túng địa chính trị” của Mỹ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Cuba là một quốc gia khách hàng quan trọng của Liên Xô. Việc triển khai các địa điểm tên lửa hạt nhân của Liên Xô ở Cuba đã gây ra Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi Washington và Matxcơva suýt đối đầu.
Quan hệ giữa Nga và Cuba đã trở nên thân thiết hơn kể từ cuộc gặp vào năm 2022 giữa ông Diaz-Canel và ông Putin.