Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinBác phán quyết 'đường lưỡi bò', Trung Quốc sẽ bị cô lập

Bác phán quyết ‘đường lưỡi bò’, Trung Quốc sẽ bị cô lập

Chuyên gia an ninh biển Indonesia khẳng định Trung Quốc sẽ bị cộng đồng quốc tế cô lập nếu không tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.

Ông Basilio Araujo, phó trợ lý phụ trách an ninh và an toàn biển, Bộ Điều phối Các vấn đề hàng hải Indonesia. Ảnh: NVCC

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tuyên bố sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông. Ông Basilio Araujo, phó trợ lý phụ trách an ninh và an toàn biển, Bộ Điều phối Các vấn đề hàng hải, Indonesia, trao đổi vớiVnExpress về phán quyết sắp tới này.

– Ông có thể dự đoán khi nào tòa PCA sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines?

– Đây là vấn đề rất khó dự đoán, bởi PCA sẽ còn phải xử lý nhiều vấn đề liên quan, chẳng hạn như những yêu cầu của phía Đài Loan liên quan đến “đường 9 đoạn” này, đồng thời yêu cầu phía Philippines làm rõ những lập trường, chứng cứ pháp lý của họ. Chỉ khi tất cả những vấn đề liên quan được giải quyết, PCA mới có thể ra phán quyết cuối cùng. Bởi vậy, phán quyết này có thể được đưa ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

– Ông nhận định gì về nội dung phán quyết sắp tới của PCA?

– Điều mà Philippines đang làm là yêu cầu PCA làm rõ định nghĩa của các thực thể trên Biển Đông, để xác định xem chúng là đảo, bãi cạn hay đá. Đó là điều rõ ràng. Tôi cho rằng PCA sẽ ban hành cách diễn giải của họ đối với các thực thể này theo quy định của UNCLOS, có nghĩa là phán quyết đó nhiều khả năng sẽ có lợi cho Philippines.

Với phán quyết này của PCA, những đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc bồi đắp, cải tạo trái phép từ các đá, bãi cạn sẽ không có giá trị về mặt chủ quyền. Một thực thể nếu là đá, nó sẽ luôn là đá, không phải là hòn đảo có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, dù anh có bồi lấp biến nó thành đảo nhân tạo lớn thế nào đi chăng nữa.

– Phán quyết này của PCA sẽ ảnh hưởng thế nào đến các tranh chấp ở Biển Đông?

Phán quyết của PCA không đề cập đến vấn đề chủ quyền, nhưng nó sẽ là cơ sở để các quốc gia khác trong khu vực khẳng định chủ quyền của mình với những hòn đảo có lãnh hải, có vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của UNCLOS trên Biển Đông. Tham vọng mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc bằng con đường cải tạo, bồi lấp bãi đá thành đảo như vậy sẽ bị chặn đứng về mặt pháp lý. Trung Quốc không còn cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế để biện minh cho các hành động của mình.

Nếu PCA tuyên bố cách giải thích các thực thể trên Biển Đông theo quy định của UNCLOS, đó sẽ là một dấu mốc tích cực đối với các nước trong khu vực để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình. Các quốc gia trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Malaysia… sẽ có cơ sở pháp lý rõ ràng để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của mình trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Rõ ràng nếu PCA ra một phán quyết như vậy, tất cả các nước, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ có lợi.

– Trung Quốc tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của PCA. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Trung Quốc là một nước lớn, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, họ có nghĩa vụ phải tuân thủ luật pháp quốc tế đã được cả thế giới thừa nhận. Trung Quốc là một phần của UNCLOS, tòa PCA cũng là một phần của UNCLOS. UNCLOS quy định mọi quốc gia thành viên phải tuân thủ phán quyết cuối cùng của tòa trọng tài. 

Nếu Trung Quốc khăng khăng bác bỏ phán quyết của PCA, họ sẽ trở nên đơn độc trong cộng đồng quốc tế. Trong lịch sử của mình, PCA đã xem xét và ra phán quyết khoảng 10 vụ liên quan đến tranh chấp, phân định biên giới, và các bên liên quan đều chấp hành phán quyết của tòa.

Chẳng hạn như giai đoạn 1998-1999, PCA xét xử vụ tranh chấp quần đảo Zukur-Hanish giữa Yemen và Eriteria. Hai nước đã có những cuộc xung đột quân sự, giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát quần đảo này. Tuy nhiên, khi PCA ra phán quyết quần đảo thuộc về Yemen, Eriteria đã phải rút lực lượng quân sự khỏi khu vực này dưới áp lực của cộng đồng quốc tế.

Nếu Trung Quốc bác bỏ phán quyết của PCA, họ sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới có hành động như vậy, và điều đó sẽ ảnh hưởng rất xấu đến Trung Quốc. Phạm vi hoạt động của Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông, mà còn ở Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Nếu họ không tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, những quyền lợi quốc tế của họ trên những vùng biển khác sẽ không được tôn trọng, và sẽ không còn ai đứng ra để bảo vệ họ trong trường hợp đó.

bac-phan-quyet-bien-dong-trung-quoc-se-bi-co-lap-1

Trung Quốc bồi lấp phi pháp bãi cạn thành đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh: CSIS

– Yemen và Eriteria là những nước nhỏ, còn Trung Quốc là một cường quốc, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Điều này có tạo ra lợi thế cho họ?

Khi nói đến khía cạnh luật pháp quốc tế, mọi quốc gia trên thế giới đều bình đẳng. Luật pháp quốc tế phải có chủ thể có thẩm quyền để bảo vệ nó, và đó chính là tòa án quốc tế. Chỉ có PCA mới có thể xác định xem mình có thẩm quyền giải quyết một vụ kiện hay không, chứ không phải là một quốc gia như Trung Quốc.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu, và chúng ta cũng phải sống xung quanh những nước láng giềng, không ai có thể “một mình một ngựa” trong thời đại hiện nay, do đó chúng ta phải tôn trọng nhau. Nếu ta không tuân thủ các quy tắc đã đặt ra, sẽ chẳng còn luật lệ nào nữa.

Chúng tôi thường nói với chính phủ Trung Quốc rằng chưa có quốc gia nào trên thế giới đưa ra khái niệm “quyền về ngư trường truyền thống”. Nếu Trung Quốc tin rằng đây là quyền chính đáng của họ, thì họ phải làm rõ điều đó bằng các lập luận, chứng cứ thuyết phục theo các điều khoản quốc tế. Nếu họ làm đúng theo trình tự, quy định của luật pháp quốc tế, các nước khác không có lý do gì mà không ủng hộ họ.

Tương tự, đối với các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, nếu Trung Quốc tin rằng mình có chủ quyền đối với các hòn đảo, bãi cạn, thì họ phải tranh đấu cho điều đó bằng luật pháp quốc tế, bằng cách đứng ra bảo vệ các luận điểm của mình trước tòa án quốc tế, chứ không phải bằng cách khăng khăng không tham gia tranh tụng, rồi phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế.

– Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần làm gì để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực?

Phán quyết của PCA sẽ là một điều kiện để Việt Nam và các nước khác trong khu vực làm rõ quyền của mình đối với các thực thể trên Biển Đông. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam và các nước thể hiện tiếng nói, lập trường của mình trên các diễn đàn quốc tế, qua đó gây sức ép về chính trị, ngoại giao đối với Trung Quốc.

Chúng ta đang chia sẻ một không gian chung, việc sử dụng vũ lực để giải quyết các bất đồng, tranh chấp không phải là biện pháp tốt. Đấu tranh bằng các biện pháp pháp lý, ngoại giao vẫn là con đường duy nhất để giúp khu vực giữ vững hòa bình, ổn định.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới