Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngBiển Đông lại có nhiều diễn biến phức tạp

Biển Đông lại có nhiều diễn biến phức tạp

Tình hình Biển Đông lại có thêm nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tiếp tục gia tăng.

Ngày 15.6 vừa qua, Philippines thông báo vừa gửi văn bản lên LHQ về việc đăng ký mở rộng thềm lục địa (ECS) ở Biển Đông, theo Reuters. Giải thích cho động thái này, ông Marshall Louis Alferez, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines về các vấn đề hàng hải và đại dương, cho rằng đó là sự “đảm bảo tương lai bằng cách thể hiện quyền riêng để khám phá và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong quyền lợi ECS” của nước này.
Trung Quốc và Philippines chỉ trích lẫn nhau

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc không ngừng gia tăng ở Biển Đông.

Ngày 14.6, CGTN dẫn lời ông Trương Hiểu Cương, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố nước này sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đối phó “các hành động nguy hiểm và leo thang của Philippines ở Biển Đông”. Phát ngôn viên Trương còn cáo buộc “Philippines là một kẻ hủy diệt hòa bình và gây bất ổn trong khu vực”.

Phát ngôn của ông Trương nhằm phản ứng lại việc Manila phủ nhận việc binh sĩ Philippines đã chĩa súng vào tàu hải cảnh Trung Quốc (CCG) theo như cáo buộc của Bắc Kinh. Mới đây, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin trong quá trình tiếp tế cho binh sĩ Philippines đóng trú trên một tàu chiến bị mắc cạn tại Biển Đông vào ngày 19.5, ít nhất có 2 quân nhân Philippines trên tàu đã chĩa súng vào các tàu CCG đang theo dõi gần đó.

Thời gian qua, Philippines nhiều lần nỗ lực thực hiện công tác tiếp tế trên bất chấp sự cản trở từ các tàu CCG và lực lượng tàu dân binh Trung Quốc. Hai bên đã xảy ra nhiều vụ va chạm, dù hậu quả không lớn nhưng đã dẫn đến nhiều căng thẳng ngoại giao mà cả Bắc Kinh lẫn Manila đều không tỏ dấu hiệu xuống thang.

Bên cạnh đó, trước sức ép quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, Philippines cũng tiến hành nhiều động thái ứng phó, bao gồm cả việc tăng cường thực lực quốc phòng cũng như củng cố hợp tác với các đồng minh và đối tác như Mỹ, Nhật, Úc. Mới đây, chuyên trang Naval News ngày 11.6 đưa tin Philippines đang tìm cách xây dựng một căn cứ mới trên địa điểm từng là căn cứ không quân của hải quân Mỹ ở vịnh Subic. Dự kiến, căn cứ mới được sử dụng để tăng cường khả năng giám sát trên không và triển khai sức mạnh ở Biển Đông.
Trung Quốc tăng cường kiểm soát Biển Đông

Cùng ngày 14.6, tờ The Guardian đưa tin Philippines bắt đầu tăng cường tuần tra ở Biển Đông.

Đây là động thái đối phó việc Trung Quốc trao quyền nhiều hơn cho CCG – một lực lượng từng có nhiều hành động gây căng thẳng ở khu vực. Cụ thể, kể từ ngày 15.6, Trung Quốc cho phép CCG áp dụng hình phạt giam giữ lên tới 60 ngày không qua xét xử đối với người nước ngoài “vượt biên trái phép” qua vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Vấn đề đặt ra qua đó, CCG có thể áp dụng hình phạt trên ở những khu vực trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp – vốn đã bị Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) ra phán quyết bác bỏ vào năm 2016. Lâu nay, Trung Quốc tự trao quyền thực thi các nhiệm vụ chấp pháp ở những vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Năm 2021, Trung Quốc tự ban hành luật cho phép CCG được quyền nổ súng vào tàu nước ngoài ở vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Chính vì thế, quy định mới trên của Trung Quốc được xem là bước tiếp theo nhằm tăng cường kiểm soát chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.

Trả lời Thanh Niên về vấn đề trên, GS-TS Prakash Panneerselvam (Chương trình Nghiên cứu an ninh và chiến lược quốc tế, Viện Nghiên cứu tiên tiến quốc gia Ấn Độ) cho rằng: “Nếu CCG bắt giữ người nước ngoài ở Biển Đông thì đó là hành động bất hợp pháp. Bằng cách cho phép bắt giữ, Trung Quốc đang báo hiệu ý định thực thi các yêu sách của mình một cách mạnh mẽ hơn”.

Tương tự, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) phân tích: “Việc Trung Quốc cho phép CCG được bắt giữ người nước ngoài trên biển như ở Biển Đông là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh đang dùng luật pháp trong nước đối với khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ngay cả khi đó là tuyên bố chủ quyền phi pháp. Khi tiến hành một vụ bắt giữ như vậy, Trung Quốc tự tạo ra một bộ hồ sơ hành chính để tự hình thành nên một cơ sở dữ liệu để hợp pháp hóa việc thực thi luật pháp (dù phi pháp) trong khu vực. Qua đó, Bắc Kinh tự mở rộng quyền kiểm soát mà không cần sử dụng vũ lực”.

Vị chuyên gia này đề xuất: “Các bên liên quan khác cần tìm cách giảm thiểu chiến lược vừa nêu của Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới