Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương với 7 thành phố là Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái – Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn.
Đầu tiên là Hạ Long. Đây là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Ninh có dân số khoảng 342.000 người (2022), cùng diện tích hơn 1.100 km2. Với diện tích này, thành phố Hạ Long được xem là thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước hiện tại, lớn hơn diện tích của 3 tỉnh nhỏ nhất là Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên và xấp xỉ diện tích của thành phố trực thuộc trung ương Đà Nẵng (1.285 km2).
Thành phố Hạ Long là địa điểm du lịch nổi tiếng không chỉ của miền Bắc, toàn quốc mà trên khắp thế giới. Hạ Long có vịnh biển, có các di sản thế giới, các hoạt động du lịch phong phú, đồ ăn ngon… Chỉ tính đến 10 tháng năm 2023, thành phố Hạ Long đã đón trên 7,5 triệu lượt khách du lịch, con số này cao gấp 7 lần cả năm 2023 của tỉnh Quảng Ngãi, với khoảng hơn 1 triệu khách du lịch.
Cách Hạ Long khoảng 40 km là thành phố Cẩm Phả. Thành phố có diện tích 486 km2 cùng dân số 191.000 người (2022). Nhắc đến Cẩm Phả là nhắc đến những con số kỷ lục. Năm 2022, Cẩm Phả lập kỷ lục về thu ngân sách, đạt hơn 20.400 tỷ đồng, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh thu ngân sách cao nhất Việt Nam, cao gần gấp 3 lần Hạ Long.
Năm 2023, Cẩm Phả tiếp tục duy trì vị trí thành phố trực thuộc tỉnh thu ngân sách cao nhất Việt Nam, với mức tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố gần bằng 8 tỉnh thấp nhất cộng lại.
Tiếp theo, nằm ở vị trí cửa ngõ chiến lược của tỉnh Quảng Ninh là Thành phố Uông Bí. Uông Bí được xem là tâm điểm của tam giác phát triển Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, khơi thông hai mạch giao thương quan trọng Quốc lộ 18 và Quốc lộ 10.
Với định hướng mới giai đoạn 2020 – 2030, hàng tỷ USD đã được tỉnh Quảng Ninh đầu tư nhằm thu hút phát triển kinh tế, hạ tầng, phát triển công nghiệp để Uông Bí trở thành trọng điểm phát triển kinh tế ven biển miền Bắc. Đặc biệt kết nối với tam giác kinh tế Hải Dương – Hà Nội – Quảng Ninh tạo thành cửa ngõ để phát triển kinh tế ven biển theo định hướng của Chính phủ.
Quy hoạch có sự xuất hiện của thành phố Móng Cái – Hải Hà. Dự kiến thành phố Móng Cái (rộng 518 km2) sẽ sáp nhập với huyện Hải Hà (rộng 690 km2) để trở thành một “siêu thành phố” có diện tích lên tới 1.200 km2. Với diện tích này, Móng Cái – Hải Hà sẽ rộng gần bằng các thành phố trực thuộc trung ương như Đà Nẵng (1.285 km2), Cần Thơ (1.402 km2) hay Hải Phòng (1.519 km2). Trong ảnh là thành phố Móng Cái.
Điểm đặc biệt trong quy hoạch phát triển Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là việc tỉnh này sẽ phát triển thêm 3 thành phố. Trong đó, thị xã Đông Triều đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Ninh trước năm 2025. Đông Triều hiện có diện tích gần 400 km2, với dân số gần 250.000 người (2023).
Thị xã Quảng Yên là địa phương được tỉnh Quảng Ninh đầu tư hơn 8.000 tỷ để phát triển và xác định là hạt nhân tăng trưởng mới. Nơi đây còn có khu kinh tế ven biển Quảng Yên thu hút được hàng loạt các nhà đầu tư lớn với tổng vốn đăng ký đạt 3,7 tỷ USD và trên 54.900 tỷ đồng.
Cuối cùng là huyện Vân Đồn. Đây là một huyện đảo nằm ở phía Đông và Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh có diện tích đất tự nhiên khoảng 551 km2. Huyện đảo nằm trên đường trung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, ASEAN – Trung Quốc, nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt – Trung, hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore và khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng. Đây là huyện đảo duy nhất tại Việt Nam có cao tốc, sân bay và cảng biển.
Theo kế hoạch phát triển, huyện Vân Đồn phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí đô thị loại III. Đến năm 2030, thành lập thành phố Vân Đồn và phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại II.
T.P