Các hãng xe như GM, Ford hay Stellantis đang thực hiện một chiến lược mà theo nhiều chuyên gia là bất hợp lý, đốt tiền cho một thị trường không có tương lai, cố gắng theo đuổi một thời hoàng kim đã qua.
Ngân hàng Bank of America (BoA) mới đây đã cảnh báo các hãng xe Mỹ như GM, Ford và Stellantis nên từ bỏ thị trường Trung Quốc sớm nhất có thể và chuyển hướng tập trung vào khách hàng nội địa.
“Từ khía cạnh lợi nhuận và chiến lược phát triển, chúng tôi cho rằng việc rời bỏ Trung Quốc là hợp lý để tập trung vào thị trường dễ kiếm lợi nhuận hơn như Bắc Mỹ”, chuyên gia phân tích ngành xe hơi John Murphy của BoA cho hay.
Thời hoàng kim đã qua
Nhận xét của BoA diễn ra trong bối cảnh nhiều hãng xe Mỹ đang cố gắng trụ vững tại Trung Quốc sau nhiều năm kiếm lời lớn, tận dụng ưu thế về công nghệ để kinh doanh tại thị trường 1,4 tỷ dân này. Tuy nhiên với sự bùng nổ của xe điện, tình hình đang đảo chiều nhanh chóng.
Ví dụ như hãng xe GM, với bề dày lịch sử tiếp cận thị trường Trung Quốc từ sớm đã kiếm được đến 2 tỷ USD doanh thu mỗi năm trong thập niên 2010 với khoảng 4 triệu xe được tiêu thụ.
Thế nhưng sự trỗi dậy của những tên tuổi nội địa như BYD và Geely trong ngành xe điện đã làm xói mòn lợi nhuận cũng như số lượng xe bán được của GM. Doanh số của GM năm 2023 đã giảm xuống chỉ còn 2,1 triệu chiếc, thậm chí hãng xe Mỹ này còn báo khoản lỗ 106 triệu USD trong quý I/2024, mức lỗ nặng thứ 3 trong suốt 15 năm qua.
Với những tên tuổi lớn khác của Mỹ như Ford hay Chrysler (Stellantis), tình hình còn tệ hơn. Cả 2 hãng xe này đã thất bại hoàn toàn trong việc phát triển thị phần xe điện ở thị trường Trung Quốc, bị đánh bại hoàn toàn bởi các thương hiệu địa phương và đang phải cố gắng hợp tác với nhà sản xuất nội địa tại đây để có thể sống sót.
Theo chuyên gia Murphy, hệ quả tất yếu của việc thua lỗ tại Trung Quốc là các hãng xe Mỹ sẽ phải bào mòn nguồn tài chính của mình để tiếp tục trụ lại trên thị trường. Trong bối cảnh này, việc từ bỏ thị trường xe điện lớn nhất thế giới để chuyển hướng nguồn lực về sân nhà được cho là hợp lý hơn.
“Hãy tập trung vào những thị trường chính của mình. Trung Quốc không còn là thị trường chiến lược của GM, Ford hay Stellantis nữa”, chuyên gia Murphy cảnh báo.
Bất chấp điều đó, các hãng xe Mỹ dường như không muốn bỏ lỡ thị trường 1,4 tỷ dân khi cho rằng thua lỗ hiện nay chỉ là tạm thời.
Người phát ngôn của GM đã dẫn lại lời của CEO Mary Barra nói vào tháng 4/2024 rằng hãng xe này sẽ vẫn tiếp tục cạnh tranh tại Trung Quốc. Dù cuộc cạnh tranh tại đây đang bào mòn nguồn lực của GM nhưng hãng vẫn liên tục đưa các dòng xe Hybrid mới vào thị trường Trung Quốc.
Về phía Ford, sau khi lỗ ròng 572 triệu USD năm 2022 tại Trung Quốc, hãng xe này cho biết đã có lãi trong 3 quý gần nhất và cũng không có kế hoạch từ bỏ thị trường này.
Thế khó của GM, Ford và Stellantis
Tờ Fortune cho hay những hãng xe truyền thống của Mỹ không nên chia sẻ nguồn lực cho cả thị trường Trung Quốc lẫn Mỹ. Trong khi Tesla lấn át tại Mỹ thì Trung Quốc lại là sân chơi của những thương hiệu nội địa.
Bởi vậy cách hợp lý nhất là chuyển hướng nguồn lực về sân nhà để cạnh tranh với Tesla, nơi các hãng xe như Ford, GM được bảo trợ bởi chính phủ Mỹ.
Tại Trung Quốc, những thương hiệu địa phương đang lấn át các hãng xe nước ngoài với cuộc cách mạng ô tô điện. Họ thuê các chuyên gia thiết kế Châu Âu, sản xuất trong các nhà máy được chính phủ hỗ trợ giá với mức chi phí nhân công rẻ, khiến các thương hiệu nước ngoài khó lòng cạnh tranh nổi.
Thậm chí công nghệ xe điện của nhiều hãng xe Trung Quốc còn hiện đại đến mức một số doanh nghiệp quốc tế phải hợp tác thay vì cạnh tranh.
Ngoài ra, việc các sản phẩm xe điện nội địa tương thích được với phần mềm ứng dụng Trung Quốc cũng là ưu thế vượt trội. Người tiêu dùng Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ nội địa như ứng dụng WeChat trong cuộc sống hàng ngày và họ cũng mong muốn các sản phẩm xe điện cũng tích hợp được vào hệ sinh thái này.
Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến Volkswagen thất bại khi chào bán xe điện tại thị trường tỷ dân do sản phẩm không tương thích được với hệ sinh thái phần mềm Trung Quốc so với các đối thủ địa phương.
Bên cạnh đó, những yếu tố khiến dòng xe ngoại từng chiếm ưu thế ở Trung Quốc trước đây như lịch sử phát triển, công nghệ, chất lượng…đều đã bị cào bằng so với hàng nội địa ở mảng ô tô điện. Thậm chí do được hỗ trợ từ chính phủ và đi trước nên các dòng xe điện Trung Quốc giờ đây không chỉ đẹp, đa dạng, công nghệ cao mà còn có chất lượng đảm bảo hơn xe Mỹ.
Tệ hơn, việc các hãng xe điện Trung Quốc tham gia cuộc chiến dìm giá càng khiến GM, Ford và Stellantis gặp khó hơn do không thể cạnh tranh nổi về chi phí.
Do đó theo chuyên gia Murphy, các hãng xe Mỹ cần xem xét lại kế hoạch của mình thay vì mù quáng theo đuổi một thị trường mà họ không có nhiều tương lai.
“Đẩy mạnh sản lượng và tiếp tục đốt tiền là một chiến lược không thực sự hợp lý”, chuyên gia Murphy nói.
T.P