Đồng USD sẽ chịu cú giáng mạnh nếu nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia rút khỏi thỏa thuận petrodollar với Mỹ.
Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, khả năng kết thúc thỏa thuận thương mại petrodollar mang tính bước ngoặt giữa Mỹ và nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia sẽ là một đòn giáng mạnh vào vị thế thống trị thị trường dầu mỏ của đồng USD và là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho việc phi USD hóa.
Tờ Business Insider đưa tin, trong một bài đăng mới trên blog, Hội đồng Đại Tây Dương – một trong những tổ chức tư vấn chính sách có ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ – đã đề cập đến khả năng thỏa thuận petrodollar năm 1974 có thể chấm dứt.
Hội đồng Đại Tây Dương cho hay, trong 50 năm qua, thỏa thuận petrodollar (sử dụng đồng USD trong các giao dịch dầu mỏ) đã đảm bảo vai trò của đồng USD là đồng tiền giao dịch và dự trữ chính của thế giới.
Khi sự bất ổn làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ vào những năm 1970, petrodollar đã trở thành một cách để giữ đồng USD ổn định. Để đổi lấy đảm bảo an ninh và vật tư quân sự, một phần của thỏa thuận với Saudi Arabia quy định đồng bạc xanh được giao dịch sẽ được quay vòng để mua trái phiếu Mỹ, làm sâu sắc thêm vai trò của đồng USD như một đồng tiền dự trữ.
Nhưng kể từ khi thỏa thuận bắt đầu cách đây 50 năm, nhiều điều đã thay đổi, Hội đồng Đại Tây Dương cho hay.
Sự thống trị kinh tế của Mỹ không còn rõ ràng nữa, với tỉ trọng của nước này trong GDP thế giới giảm từ 40% năm 1960 xuống 25% ngày nay. Hơn nữa, sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ của Saudi Arabia đã giảm đáng kể do sự bùng nổ lịch sử trong sản xuất nội địa của Mỹ.
Bên cạnh đó, các thị trường thay thế đã xuất hiện, khuyến khích các nền kinh tế dầu mỏ phải suy nghĩ lại về hoạt động giao dịch của họ.
“Trung Quốc trở thành khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Saudi Arabia, chiếm hơn 20% lượng dầu xuất khẩu của vương quốc này. Bắc Kinh thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ, định hướng thương mại trên khắp Trung Đông, nơi ảnh hưởng của Mỹ đã suy yếu” – chuyên gia Hung Tran của Hội đồng Đại Tây Dương viết.
Vì lý do này, Riyadh dần dần liên kết với phong trào phi USD hóa, nhằm tìm cách giảm bớt sự thống trị của đồng bạc xanh trong nền tài chính thế giới.
Ví dụ, Saudi Arabia là thành viên mới của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS – khối kinh tế đang trở thành một trong những tiếng nói hàng đầu chống lại đồng USD. Saudi Arabia cũng liên kết với Trung Quốc để thiết lập mBridge – hệ thống thanh toán xuyên biên giới sử dụng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Ông Hung Tran nhận định, nếu các hệ sinh thái thanh toán như vậy phát triển, đó sẽ là mối đe dọa thực sự đối với tính thanh khoản của Kho bạc Mỹ, gây rủi ro cho trụ cột chính trong vị thế quốc tế của đồng bạc xanh.
Ông Hung Tran nói: “Trong một thế giới như vậy, đồng USD sẽ vẫn phổ biến nhưng không có ảnh hưởng quá lớn, bởi thế giới còn có các loại tiền tệ khác như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng euro và đồng yên Nhật – những đồng tiền có ảnh hưởng tương xứng với dấu ấn quốc tế của các nền kinh tế này”.
Ông Hung Tran kết luận: “Trong bối cảnh đó, cách Saudi Arabia tiếp cận thỏa thuận petrodollar vẫn là một điềm báo quan trọng về tương lai tài chính sắp tới vì thỏa thuận này đã được tạo ra cách đây 50 năm”.
T.P