Sân bay đầu tiên của Bộ Công an nằm ở tỉnh nhỏ nhất Việt Nam, có vị trí đắc địa nằm giữa 4 thành phố, cách Hồ Gươm chỉ 40 km.
Đề xuất bố trí 1.000 tỷ thực hiện dự án sân bay đầu tiên của Bộ Công an
Sáng 27/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình về một số nội dung liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023 trước Quốc hội.
Nổi bật là nội dung Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư 4 dự án gồm: dự án sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh); dự án xây dựng mới trụ sở TAND tối cao tại 262 phố Đội cấn (TP.Hà Nội); dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở TAND các cấp (giai đoạn 1); dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Các dự án này dự kiến được bố trí 4.520 tỷ đồng. Trong đó, bố trí 1.000 tỷ đồng cho Bộ Công an thực hiện dự án sân bay Gia Bình; 1.520 tỷ đồng cho 2 dự án của TAND tối cao. Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1 đoạn qua tỉnh Tuyên Quang được bố trí 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành hồi tháng 6 năm 2023 nêu rõ: Thường trực Chính phủ đồng ý xem xét, bổ sung sân bay Gia Bình của Bộ Công an (đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh) vào danh mục các sân bay tiềm năng và duyệt quy hoạch bổ sung chính thức khi đủ điều kiện, đúng thẩm quyền để thực hiện ngay.
Hồi tháng 1/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã có quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch vị trí sân bay trực thăng Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.
Sân bay Gia Bình được quy hoạch ra sao?
Bộ Công an cho biết kế hoạch xây dựng Cảng hàng không Gia Bình tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, là để phục vụ hoạt động của lực lượng Không quân Công an nhân dân.
Theo Bộ Công an, với vị trí là một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, Trung đoàn Không quân Công an nhân dân có nhiệm vụ tổ chức hoạt động bay phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo, vận chuyển, tuần tra, giám sát, trinh sát, tác chiến, cơ động chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ bay phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an theo quy định; tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống khắc phục thảm họa, thiên tai; tổ chức thường trực sẵn sàng chiến đấu.
Không chỉ hoạt động tại sân bay Gia Bình, các máy bay thuộc Không quân Công an nhân dân có khả năng sử dụng các sân bay khác trên toàn quốc làm điểm xuất phát, điểm đến và dự bị để thực hiện nhiệm vụ sau khi có sự phối hợp, hiệp đồng, thống nhất giữa các đơn vị quản lý cảng hàng không, sân bay.
Cảng hàng không Gia Bình sẽ được xây dựng tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, có diện tích dự kiến 125 ha, và sẽ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới hàng không quốc gia như là một sân bay chuyên dụng.
Sân bay này dự kiến cách Hồ Gươm (thành phố Hà Nội) và thành phố Bắc Giang khoảng 40 km, cũng như chỉ cách thành phố Bắc Ninh và thành phố Hải Dương khoảng 25 km.
Sân bay Gia Bình sẽ được xếp hạng là sân bay trực thăng cấp 3, sân bay quân sự cấp 3 và sân bay dân dụng cấp 3C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Sân bay đề xuất có một đường băng kích thước 1.500mx36m, một đường lăn song song và các sân đỗ phù hợp cho hai phi đội trực thăng của trung đoàn, cùng với các cơ sở điều hành bay khác.
Nhiệm vụ cốt lõi của sân bay Gia Bình là phục vụ đào tạo bay và tính chiến đấu cho các đơn vị của Trung đoàn Không quân Công an nhân dân trên các loại máy bay trực thăng. Sân bay này cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động bay quân sự khác và một số hoạt động hàng không dân dụng.
Ngoài ra, sân bay Gia Bình cũng sẽ đóng vai trò như một sân bay dự bị cho các hoạt động bay quân sự và dân sự khác, đáp ứng các tiêu chuẩn cho phép máy bay hạ cánh và cất cánh an toàn.
Sân bay Gia Bình cũng có khả năng tham gia vào việc phục vụ các ngành công nghiệp khác nhau như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và du lịch, cũng như thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp, nghiên cứu khoa học và văn hóa, và phục vụ các mục đích cá nhân hoặc tổ chức khác không phục vụ để vận chuyển hành khách công cộng.
Trong trường hợp được phép, sân bay Gia Bình có thể phục vụ như một điểm dự bị cho các sân bay trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp, với khả năng đón nhận các loại máy bay như ATR 72 hay trực thăng Mi-8, Mi-171 và máy bay vận tải Casa-295, đồng thời có thể đảm bảo cho các loại máy bay chiến đấu như Su-27 và Su-30 cất cánh và hạ cánh trong các tình huống khẩn cấp cần thiết.
T.P