Nga đang đưa khí đốt giảm giá vào thị trường châu Âu, theo Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu.
Việc Nga tung khí đốt giảm giá vào thị trường châu Âu nhằm thúc đẩy sự ủng hộ của phương Tây cho một thỏa thuận vận chuyển khí đốt quan trọng giữa Nga và phương Tây, Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu giải thích.
Trong vòng chưa đầy 6 tháng nữa, hợp đồng trung chuyển khí đốt qua một đường ống dẫn khí lớn sẽ hết hạn, chấm dứt hành lang thương mại lịch sử chạy qua Ukraina. Việc gia hạn hành lang khí đốt này nằm trong tay Kiev.
Học giả Aura Sabadus của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu chỉ ra: “Quyết định trung chuyển của Ukraina sẽ không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lâu dài của đất nước mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ các chính sách năng lượng trong tương lai của châu Âu và cuối cùng là số phận của hoạt động kinh doanh khí đốt của Nga”.
Khi xung đột ở Ukraina nổ ra năm 2022, khách mua khí đốt Nga ở châu Âu rút đi đã ảnh hưởng tới toàn bộ ngành khí đốt nước này.
Theo một ước tính nội bộ, gã khổng lồ khí đốt nhà nước Gazprom Nga đã công bố khoản lỗ lớn nhất trong 25 năm và khó có thể phục hồi doanh số bán khí đốt trong ít nhất một thập kỷ.
Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu nhận định, các thị trường thay thế giúp doanh số khí đốt Nga phục hồi phần nào nhưng Nga cũng đang sẵn sàng nỗ lực giành lại khách hàng châu Âu.
Dù đường ống dẫn khí đốt qua Ukraina vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt Nga cho thị trường phương Tây trong suốt cuộc xung đột nhưng việc hợp đồng trung chuyển hết hạn trong năm nay có thể đủ để gây nguy cơ phá sản cho Gazprom, Business Insider nhận định.
Do đó, việc Nga giảm giá khí đốt ít nhất 10% đã có tác động đến các thị trường Trung, Đông Âu và sự quan tâm của khách hàng đang bắt đầu thể hiện. Slovakia, Hungary và Áo nằm trong số những ví dụ được Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu coi là khách hàng mua khí đốt của Nga.
Học giả Sabadus giải thích, giá chiết khấu, các tuyến vận chuyển khác nhau có lợi cho các công ty châu Âu, mang lại lợi nhuận tiềm năng lớn hơn. Những điều này có thể đủ để gây dựng lại thị phần đã mất của Gazprom.
Bà chỉ ra, các nhà giao dịch Nam Âu đang thu lợi nhuận bằng cách mua khí đốt giá rẻ của Nga được bơm qua đường ống dẫn khí của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó bán với giá cao ở các thị trường Tây Âu.
“Vì năng lực xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn hạn chế và hệ thống truyền tải của Ukraina có thể vận chuyển hơn 100 tỉ mét khối mỗi năm, nên người mua chắc chắn sẽ nhìn thấy cơ hội nhân rộng mô hình này trên quy mô lớn hơn nhiều” – bà Sabadus nói.
Ukraina khẳng định sẽ không gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga qua đường ống dù cơ sở hạ tầng năng lượng bị tàn phá trong xung đột tạo ra cho Kiev nhiều sức ép về nguồn cung. Tuy nhiên, Ukraina có thể chọn lấy khí đốt từ các nhà cung cấp như Ba Lan, Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu lưu ý.
T.P