Các quan chức ngoại giao cấp cao Philippines đang tích cực tham gia các cuộc họp marathon để chuẩn bị chiến lược cho nước này trước khi Toà trọng tài Công ước Luật Biển ra phán quyết vụ kiện Trung Quốc, dự kiến vào ngày 7.7 tới.
Một trong những nội dung kiện của Philippines là yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc.
Theo nguồn tin của tờ Manila Times tham gia các cuộc gặp riêng, Philippines sẽ biết phán quyết của Toà trọng tài vào ngày 7.7. Trong khi dư luận cho rằng, phán quyết của Toà nhiều khả năng sẽ đứng về phía Philippines, nhưng vấn đề đặt ra là Manila sẽ thực thi phán quyết như thế nào khi mà Bắc Kinh liên tục tuyên bố không tuân thủ quyết định của Toà.
Ông Lauro Baja, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines, đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc, nói rằng Manila cần chuẩn bị kỹ càng cho các kịch bản khác nhau hậu phán quyết. “Ngay cả trước khi phán quyết được đưa ra, chúng ta cần có kịch bản trong trường hợp phán quyết có lợi, bất lợi, hoặc vừa có lợi vừa bất lợi. Nhưng tôi tin rằng, dù phán quyết là gì đi chăng nữa, thì nó không thể là con số 0, đồng nghĩa với việc sẽ mở ra cơ hội để đàm phán” – ông Baja nói.
Trong khi đó, giới chuyên gia và các nhà phân tích cho rằng, ngay cả trước khi Toà trọng tài ra phán quyết vụ kiện của Philippines, Trung Quốc có thể đã thua trong dư luận thế giới qua hành động kiên quyết từ chối hợp tác và tham gia vụ kiện. Bất chấp sức ép của quốc tế, Trung Quốc công khai bác bỏ vụ kiện, phản đối Toà có thẩm quyền, tuyên bố không chấp nhận và không thực hiện bất kỳ phán quyết nào của Toà, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp chống lại vụ kiện.
Trong nhiều tháng qua, các quan chức Trung Quốc, báo chí chính thống và nhiều sĩ quan cao cấp quân đội đã không ngừng công kích chống lại việc Philippines theo đuổi vụ kiện, trắng trợn gọi đó là hành động “bất hợp pháp”, thậm chí là “trò hề chính trị”.
Hồi đầu tháng, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu với báo giới rằng, việc Philippines đơn phương kiện lên Toà trọng tài chẳng qua là ý đồ chính trị để một bên xúc phạm bên khác và sẽ được ghi nhận là vụ kiện “đáng hổ thẹn” nhất trong lịch sử luật pháp quốc tế.
Các nhà chỉ trích của Trung Quốc cho rằng, bản thân việc Chánh án Toà án quốc tế về Luật Biển là người Nhật Bản đã là một điều không công bằng với Trung Quốc. “Phán quyết của toà không thể khách quan và công bằng, vì vậy chúng tôi sẽ không từ bỏ quyền lịch sử của mình” – ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông cho biết.
Kể từ đó, Trung Quốc liên tục tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay thực tế số nước ủng hộ Trung Quốc chỉ có vài nước nhỏ ở bên ngoài khu vực, gần như có rất ít ảnh hưởng và không có liên quan gì đến tranh chấp ở Biển Đông.
“Chính những lập luận của Trung Quốc phủ nhận tính hợp pháp của Toà trọng tài sẽ làm hỏng danh tiếng và hình ảnh của nước này” – AP dẫn lời ông Yun Sun, một chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Trung tâm Stimson của Mỹ nhận định.
Trong khi đó, quan điểm chung của các nước, tổ chức quốc tế và giới học giả, truyền thông thế giới là ủng hộ việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, không sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Do vậy, các nước khi phát biểu đều thể hiện sự đồng tình với việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được quy định trong Công ước Luật Biển 1982.
Mỹ và Nhật Bản tiếp tục ủng hộ Philippines sử dụng biện pháp trọng tài để giải quyết tranh chấp, khẳng định phán quyết của Toà trọng tài có giá trị ràng buộc với các bên trong vụ kiện, đồng thời gây sức ép với Trung Quốc trong việc tuân thủ phán quyết.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.
Đánh giá chung của các nước và giới học giả, luật gia là phán quyết của Toà trọng tài sẽ giúp thu hẹp tranh chấp, tạo cơ sở cho các bên tiếp tục đối thoại, đàm phán để giải quyết, xử lý tranh chấp, kể cả thông qua hợp tác cùng phát triển.