Doanh thu từ dầu khí của Nga tăng vọt 41% trong nửa đầu năm 2024.
Reuters dẫn dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho hay, số tiền thu được từ việc bán dầu và khí đốt cho ngân sách liên bang của Nga đã tăng khoảng 41% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm, đạt 5,698 nghìn tỉ rúp (65,12 tỉ USD).
Doanh thu từ dầu khí là nguồn tiền mặt quan trọng nhất đối với Điện Kremlin, chiếm khoảng 1/3 đến một 1/2 tổng ngân sách liên bang trong thập kỷ qua.
Cuộc xung đột quân sự ở Ukraina đã khiến phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế doanh thu từ dầu khí của Nga, nhưng các biện pháp trừng phạt dường như không mấy hiệu quả.
Trong nửa đầu năm 2024, giá dầu Urals hàng đầu của Nga đạt trung bình 69,1 USD/thùng, cao hơn mức giá trần do phương Tây áp đặt là 60 USD, tăng từ mức 52,5 USD trong cùng kỳ năm 2023.
Đồng thời, tỉ giá đồng rúp suy yếu xuống mức 90,8 rúp đổi 1 USD so với 76,9 rúp/1 USD cùng kỳ nửa đầu năm 2023.
Riêng trong tháng 5, doanh thu từ dầu khí đã giảm xuống mức 794 tỉ rúp so với dự báo của Reuters là 814 tỉ rúp.
Theo Bộ Tài chính, số tiền thu được từ thuế khai thác khoáng sản (MET) trong tháng 6.2024 tăng lên hơn 1 nghìn tỉ rúp so với mức 631,6 tỉ rúp trong tháng 6.2023.
Dữ liệu cũng cho thấy các khoản thanh toán cho các nhà máy lọc dầu theo “cơ chế giảm xóc” – được đưa ra để ngăn các công ty tận dụng giá xuất khẩu nhiên liệu cao và bảo vệ thị trường nội địa – đạt 158,1 tỉ rúp (1,8 tỉ USD) vào tháng trước, giảm so với 201,7 tỉ rúp (2,3 tỉ USD) trong tháng 5 và 78,6 tỉ rúp (894 triệu USD) trong tháng 6 năm 2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nói rằng chúng vượt xa các nền kinh tế phương Tây.
Nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% vào năm 2023 sau khi giảm 1,2% vào năm 2022. Các nhà kinh tế ở Nga cho biết, sản xuất tên lửa và đạn pháo có thể góp phần tăng GDP.
Trong cả năm 2024, chính phủ đặt mục tiêu doanh thu từ dầu khí cho ngân sách liên bang là 10,7 nghìn tỉ rúp (122 tỉ USD), tăng 21% so với năm 2023. Nguyên nhân là do giá dầu yếu hơn và xuất khẩu khí đốt giảm làm doanh thu giảm 24%.
Nga đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và an ninh kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina vào tháng 2 năm 2022, dẫn đến thâm hụt hai năm liên tiếp vượt trên 3 nghìn tỉ rúp (34 tỉ USD), khoảng 2% GDP.
Mátxcơva bù đắp thâm hụt bằng khoản vay nội bộ và bằng rút Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF).
T.P