Wednesday, October 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhải chăng “Nước Mỹ đang suy tàn” ?

Phải chăng “Nước Mỹ đang suy tàn” ?

Trong giai đoạn tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra quyết liệt và nhiều yếu tố bất ngờ, thì ở Mỹ đã rộ lên những quan điểm trái chiều, trong đó có những trung tâm nghiên cứu khoa học tung ra bản Báo cáo: “Lý thuyết về sự suy tàn của Mỹ”.

Bản báo cáo này do một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Mỹ đưa ra. Ngay lập tức thu hút được nhiều sự chú ý của giới truyền thông trong nước và quốc tế. Báo cáo nêu tư tưởng nổi bật: Người Mỹ nên ý thức rằng, nếu nước Mỹ không giải quyết vấn đề của chính mình mà chỉ bận rộn tìm kiếm “vật tế thần” từ bên ngoài thì con đường đi đến suy tàn chỉ là thời gian mà thôi.

Cụ thể, Tập đoàn RAND đã công bố bản Báo cáo có tiêu đề khá hấp dẫn: “Phục hưng sức sống quốc gia”. Theo các nhà khoa học, trong lịch sử, các cường quốc đạt đến đỉnh cao thường sẽ chuyển sang trì trệ rồi cuối cùng suy tàn. Số cường quốc có thể tạo dựng được một quỹ đạo phát triển liên tục chỉ rất hãn hữu.

(RAND là một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái toàn cầu, có trụ sở tại Santa Monica, California, Mỹ. Tổ chức RAND được thành lập vào năm 1948 bởi công ty sản xuất máy bay Douglas nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phân tích cho Quân đội Mỹ).

Vì sao cường quốc hàng đầu Mỹ đang ở đỉnh cao và có xu hướng trượt dốc? Có mấy nguyên nhân. Đó là sự chậm lại của tốc độ tăng năng suất, sự già hóa dân số, sự phân cực của hệ thống chính trị. Đó là tình trạng ngày càng mục ruỗng của môi trường thông tin. Đó là những thách thức đến từ các yếu tố bên ngoài như sự phát triển của Trung Quốc và việc hàng chục quốc gia đang phát triển ngày cảng giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Những thông tin, đánh giá của RAND đã làm dậy sóng các công cụ truyền thông chính thống của Mỹ. Nhiều bài bình luận đặt vấn đề chát chúa: “Sức mạnh quốc gia của Mỹ có đang suy thoái ?”; “Nước Mỹ đang lao dốc và thứ có thể cứu Mỹ là một cam kết rộng rãi bắt đầu từ giới thượng lưu”; “Nếu không tìm được nhà lãnh đạo mới và đạt được đồng thuận về các giải pháp thích hợp, nước Mỹ sẽ gặp rắc rối”,v.v..

Quả đúng như vậy. Gần đây trong các cuộc tranh luận chính trị, quan điểm cho rằng nước Mỹ đang đi đến suy tàn tồn tại ở cả cánh tả lẫn cánh hữu. Có điều con đường hai cánh này lựa chọn để “đánh thức” nước Mỹ thì lại hoàn toàn trái ngược nhau. Cựu Tổng thống Donald Trump thường sử dụng khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông chỉ trích, nước Mỹ ngày càng suy thoái dưới thời Đảng Dân chủ cầm quyền.

Còn cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đồng quan điểm chung: Đổ lỗi cho đối thủ bên ngoài, và Trung Quốc đã trở thành “vật tế thần”. Họ đều muốn chứng tỏ ai “cứng rắn” hơn với Trung Quốc. Nay mai dù ai nắm quyền thì Mỹ cũng đều sẽ nhất quán trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, khác biệt duy nhất giữa hai đảng chỉ là về mặt phương pháp.

Trong thực tế nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, dù là sự độc đoán chuyên quyền và gây áp lực một cách cực đoan của Trump hay việc lôi kéo đồng minh để cùng ngăn chặn của Biden, thì cả hai cách thức đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Một khi không kiềm chế được Trung Quốc, người Mỹ càng cảm thấy lo lắng và khó đạt được sự đồng thuận trong cách đối phó với Trung Quốc.

Một số học giả Mỹ đề xuất xây dựng chiến lược “cạnh tranh và cùng tồn tại” với Trung Quốc. Theo đó nước Mỹ phải thực hiện chiến lược “thay đổi chính quyền” đối với Trung Quốc và “đánh bại triệt để” nước này. Đây là lý do khiến chính quyền Biden bỏ qua những kiến thức cơ bản về kinh tế, đi ngược lại nền kinh tế thị trường và thương mại tự do mà Mỹ luôn nhất mực cổ vũ. Chính quyền của Biden đã tưởng tượng ra “thuyết dư thừa công suất” để áp đặt mức thuế cao lên các sản phẩm năng lượng xanh mới của Trung Quốc như xe điện, pin lithium và tấm pin mặt trời.

Để “đánh bại triệt để”, Nhà Trắng áp đặt một cách nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát công nghệ cao đối với Trung Quốc và ngăn cản nước này có được những con chip tiên tiến. Đồng thời, ngăn cản các công ty Trung Quốc xuất khẩu chip thông thường sang Nga. Mỹ cũng liên tục gửi vũ khí cho Ukraine, nhưng lại hợp tác với các đồng minh châu Âu trong cuộc chiến tranh thông tin, cường điệu hóa “sự hỗ trợ của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga”.

Washington có thể chưa thấy rõ sự suy thoái trong vài thập niên gần đây là do chính bản thân mình. Sự mạnh lên của các nhóm lợi ích mà giới tinh hoa Mỹ cấu thành nên (chẳng hạn tổ hợp công nghiệp-quân sự, hay những ông trùm Phố Wall), đã khiến hệ thống “tam quyền phân lập” của Mỹ trở thành công cụ và cơ chế để củng cố lợi ích nhóm. Chính vì xung đột lợi ích giữa các nhóm lợi ích khác nhau đã phát triển thành sự chia rẽ ngày càng gay gắt giữa hai Đảng.

Các ngành công nghiệp và sản xuất ở Mỹ suy giảm nhanh trong thời đại toàn cầu hóa cũng là một trong những nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ. Mỹ khó có thể “đưa ngành sản xuất trở lại nước Mỹ” bởi vì xứ sở này vô hình trung đã trở thành một xã hội không chịu sản xuất, tiêu xài hoang phí và thịnh hành các quan niệm như kiếm tiền nhanh chóng hay “không làm mà hưởng”.

Sức ép dư luận trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024 là rất lớn. Ai trở thành ông chủ Nhà Trắng cũng phải cam kết “Biết cách điều chỉnh bản thân cho tốt” và nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình, của nước Mỹ. Trong bầu không khí xã hội bị phân hóa, dường như càng muốn chạy nhanh hơn thì lại càng cảm thấy chạy không nổi.

Ấy là chưa kể, như lời của một số học giả Trung Quốc, có một bộ phận người Mỹ muốn ngáng chân đối thủ cạnh tranh của mình, nhưng lại không biết rằng làm như vậy có thể khiến họ càng dễ vấp ngã hơn. Vâng đó chính là con đường dẫn đến suy tàn.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới