Một xu hướng và dịch vụ mới ở Trung Quốc đang thu hút được giới trẻ, nhưng khiến các chuyên gia lo ngại. Có ý kiến cho rằng, do nền kinh tế Trung Quốc hiện cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng tiêu cực hơn. Trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới, giới trẻ cũng đang thích nghi với thực tế là ngày mai sẽ không thể tốt hơn.
Gần đây, tại các vùng ngoại ô và nông thôn của Trung Quốc như Trùng Khánh, Hợp Phì (tỉnh An Huy), Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), Đại Lý (tỉnh Vân Nam), Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam), v.v., đã xuất hiện các “viện dưỡng lão thanh niên”.
Thực tế, “viện dưỡng lão thanh niên” không phải là viện dưỡng lão theo nghĩa truyền thống, mà là những nơi để người trẻ “tạm thời trốn thoát, thư giãn, nạp lại năng lượng và chữa lành tâm hồn”. Tức là, một nhóm người trẻ tự xây dựng các “viện dưỡng lão” để thu hút một nhóm người trẻ khác đến đây trải nghiệm cuộc sống “dưỡng lão”, cung cấp cho những người trẻ sống trong trạng thái căng thẳng cao độ một nơi để thư giãn tâm hồn, giúp họ tránh xa tiếng ồn và áp lực của thành phố; cũng như cung cấp cho những người trẻ đang ở trong tình trạng “không làm việc được mà nằm thẳng cũng không xong”, đang trải qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống và cần tránh xa thực tại, một môi trường tự do.
(“Nằm thẳng” là một khái niệm mới trong xã hội Trung Quốc, chỉ lối sống mặc kệ đời thay vì nỗ lực cống hiến và đạt được thu nhập cao để trang trải cuộc sống chất lượng cao. Theo The Washington Post, giới trẻ Trung Quốc có rất nhiều kiểu “nằm thẳng”. Nó bao gồm việc từ chối kết hôn, không lập gia đình, không làm thêm, và không làm việc bàn giấy).
“Viện dưỡng lão thanh niên” thực chất là nơi nghỉ ngơi cho tâm hồn, nơi mọi người có thể cùng nhau uống trà, trò chuyện, làm vườn, tắm nắng, nuôi gia súc, cùng xem phim hoặc đi dép lê, quần áo ở nhà để ăn bữa ăn nhẹ… Kênh Vision Times dẫn lời một chàng trai trẻ sinh năm 1993 từ Đông Bắc, gần đây đã chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc sống hàng ngày tại “viện dưỡng lão”. Anh ấy nói rằng với 1.700 nhân dân tệ mỗi tháng (tương đương gần 6 triệu đồng), anh có thể ở trong phòng đôi, có người định kỳ dọn vệ sinh, không cần lo lắng về tiền điện, nước, internet, và đồ ăn cũng khá ngon. Mặc dù cuộc sống đơn giản nhưng anh ấy vẫn hài lòng.
Anh tiết lộ rằng mình từng mở công ty, cũng từng mở cửa hàng, nhưng hiện tại môi trường kinh tế kém, không kiếm được tiền, đột nhiên nghĩ đến việc vào “viện dưỡng lão”.
Người sáng lập “Viện dưỡng lão thanh niên” ở làng cổ Mạn Đâu (曼丢), Vân Nam, tên Lư Bá (卢柏) nói với The Paper (hay Bành Bái Tân Văn) rằng, có hai nhóm chính đang sống ở “Viện dưỡng lão thanh niên”: “Một là những người làm nghề tự do, đến đây để tăng cơ hội giao lưu; hai là những người trẻ gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống, gia đình, tình cảm, cần nghỉ ngơi và điều chỉnh trước khi bắt đầu lại”.
Lư Bá cho biết: “Chúng tôi không nhận người trên 45 tuổi, và không nhận những người chưa từng đi làm”. Ở đây, không ai yêu cầu bạn phải có giờ giấc sinh hoạt cụ thể, không có lo lắng về công việc, không có mâu thuẫn gia đình, bạn có thể “sống theo ý thích của mình”.
NetEase trích lời Tim – người sáng lập ban đầu của “Viện dưỡng lão thanh niên”, tiết lộ rằng: “Trong giai đoạn thử nghiệm, đã có rất nhiều người liên hệ qua các nền tảng mạng xã hội, mỗi ngày tôi phải kết bạn với hàng trăm người”.
Không chỉ vậy, mô hình này còn thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến thảo luận, ở Quảng Châu, An Huy, Lạc Dương đều có người liên hệ, hy vọng sẽ tiếp tục phát triển và lên kế hoạch cho ý tưởng này.
Một người sinh vào những năm 90 đã vào ở viện dưỡng lão thanh niên, Tiểu Vũ, cho biết: “Đối với tôi, đây không chỉ là một viện dưỡng lão, mà còn là một ‘bệnh viện’”.
Trên thực tế, cái tên “Viện dưỡng lão thanh niên” đã gây ra nhiều tranh cãi kể từ khi xuất hiện. Sở dân sự địa phương đã phỏng vấn Vincent vì biển hiệu của “viện dưỡng lão thanh niên”. Bởi vì chăm sóc người già là phạm vi công việc của sở dân sự, và “viện dưỡng lão thanh niên” không phù hợp với công việc của sở dân sự, nghe có vẻ vô lý và suy đồi.
Cuối cùng, Vincent chấp nhận đề nghị của bộ phận dân sự, giữ lại cái tên “Nhà Vạn Thạch” và chuyển dòng chữ “Viện dưỡng lão thanh niên” vào trong nhà, nhưng khách hàng vẫn gọi là đó là “viện dưỡng lão”.
Ông chủ của một “Viện dưỡng lão thanh niên” ở Giang Môn, Quảng Đông, Vincent, nói với “Jimu News” rằng, một số thanh niên hiện nay không tìm được mục tiêu vì áp lực cuộc sống và công việc, họ đến “Viện dưỡng lão thanh niên” để giảm bớt áp lực về cuộc sống và tinh thần.
Người sáng lập “Viện dưỡng lão thanh niên Vấn Sào” ở Tây Song Bản Nạp, Vân Nam, với biệt danh Lu, cho biết, nhóm khách hàng chính của “Viện dưỡng lão thanh niên” chủ yếu là những người trẻ và trung niên từ 25-26 tuổi trở lên, với những người sinh sau năm 90 là chủ yếu. Nhiều người vào đây “dưỡng lão” là đến mà không cho cha mẹ biết.
Tên “viện dưỡng lão thanh niên” của Lu là “Vấn Sào” có nghĩa là một nơi tụ tập để mọi người đều có thể học hỏi, giao tiếp và khám phá các vấn đề.
Điểm khác biệt lớn nhất so với các nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng thông thường là ở đây không có TiVi. Lu cho biết: “Đó là vì chúng tôi không muốn những người trẻ ở trong nhà và trong phòng mà chúng tôi muốn mọi người giao tiếp và học hỏi nhiều hơn, gần gũi hơn với thiên nhiên và có được sức mạnh từ giao tiếp và thiên nhiên”.
Hiện tại, những người muốn ở lại “Vấn Sào” phải trả phí ăn ở hàng tháng là 1.500 nhân dân tệ (tương đương 5,2 triệu đồng), các chi phí khác do họ tự chịu, dựa trên nguyên tắc tham gia tự nguyện.
So với dự án ký túc xá thanh niên trước đây của Lu, “Viện dưỡng lão thanh niên” cung cấp nhiều hoạt động xã hội hơn: mọi người cùng nhau làm ruộng và chăn nuôi, cùng nhau xem phim và trò chuyện bên bếp lửa.
Người sáng lập công ty săn đầu người IMC Talent ở Hồng Kông, David Xu, phân tích với VOA rằng, bối cảnh chính cho sự phát triển của viện dưỡng lão thanh niên là môi trường làm việc ở Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn, đòi hỏi cao và không thân thiện với người trẻ, thể hiện cụ thể ở việc làm thêm giờ, các mối quan hệ nhân sự phức tạp, công việc vô nghĩa ngày càng tăng, quy trình hành chính rườm rà, khiến người trẻ ngày càng thất vọng với công việc, lựa chọn trốn tránh.
David nói thêm, thế hệ sau năm 2000, được gọi là “Thế hệ Z”, chịu ảnh hưởng của phương Tây trong quá trình trưởng thành của họ. Chủ nghĩa cá nhân có ảnh hưởng mạnh mẽ, tính tự lập đặt lên hàng đầu, việc ra quyết định không bị ràng buộc bởi áp lực xã hội và gia đình, tâm lý việc làm cũng được đặt lên hàng đầu, rằng chỉ cần bạn không thích công việc nào đó, bạn sẽ kiên quyết nghỉ việc hoặc từ chức để thay đổi công việc, thậm chí ở nhà hoặc đi học một thời gian. Việc đó đã tạo nên mảnh đất cho sự mọc lên của các viện dưỡng lão thanh niên.
Nhân viên nghiên cứu trợ lý của Viện nghiên cứu kinh tế Trung Hoa, Vương Quốc Thần (王国臣), cho biết, việc thanh niên đổ xô vào “Viện dưỡng lão thanh niên” phản ánh tỷ lệ thất nghiệp cao của thanh niên Trung Quốc, trong khi áp lực công việc leo thang, người trẻ tuổi đối diện với lương thấp, không có hy vọng mua nhà, khó lập gia đình, và chọn cách “nằm thẳng”. Nhưng “Viện dưỡng lão thanh niên” không thể phát triển lâu dài, trừ khi những người trẻ này “ăn bám”, khi họ phải tiêu tiền mà không làm việc, không có cơ sở kinh tế, điều này không phù hợp với logic kinh tế, và nếu kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc.
Ông Vương nói với VOA rằng: “[Nền kinh tế Trung Quốc] hiện cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi. Trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sang trạng thái bình thường mới, họ cũng đang thích nghi với thực tế là ngày mai sẽ không tốt hơn. Khi bạn đến một Viện dưỡng lão thanh niên, là một người làm việc tự do, nếu bạn thường xuyên nghỉ việc hoặc nghỉ phép dài hạn, không tích lũy được vốn kiến thức và kỹ năng thì sự phát triển kinh tế của cá nhân lâu dài tất nhiên sẽ bị ức chế”.
T.P