Thursday, September 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga-Trung tập trận - “cuộc hôn nhân theo lý trí”

Nga-Trung tập trận – “cuộc hôn nhân theo lý trí”

Cuộc tập trận chung Nga- Trung Quốc kéo dài ba ngày đã bắt đầu vào 15/7 tại vùng biển chung quanh Trạm Giang, thuộc tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc. Sự bắt tay nhau trên vùng biển nóng được dư luận thế giới hết sức quan tâm và hồi hộp theo dõi.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao hai cường quốc lại tập trận chung vào lúc này, trùng với thời điểm diễn ra cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (Rimpac) kéo dài một tháng? Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất do Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tổ chức hai năm một lần. Vì sao quan hệ Nga-Trung nóng lạnh thất thường và khó hiểu. Liệu đây có phải một “cuộc hôn nhân theo lý trí”, nhằm đối kháng với Mỹ?

Về phía Mỹ và đồng minh, năm nay, cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương có sự tham gia của 29 quốc gia, 40 tàu nổi, 3 tàu ngầm, hơn 150 máy bay và hơn 25.000 nhân sự. Cuộc tập trận bắt đầu gần Hawaii vào ngày 26/6 và sẽ kéo dài đến đầu tháng 8. Wasinghton cho biết, mục đích của cuộc tập trận là “ngăn chặn và đánh bại sự xâm lược của các cường quốc trên mọi lĩnh vực và cấp độ xung đột”. Nhiều quốc gia tham gia cuộc tập trận – bao gồm Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Brunei và Ấn Độ. Đây là các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ hoặc hàng hải với Trung Quốc trên Biển Đông.

Thông điệp của cái bắt tay trên Biển Đông giữa Nga và Trung Quốc là, thể hiện quyết tâm và khả năng cùng nhau giải quyết các mối đe dọa an ninh hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Hai “hùm xám” đã điều động 7 tàu chiến hiện đại, cùng các máy bay trực thăng trên tàu.

Tuy thời gian ngắn nhưng cuộc tập trận hình thành ba giai đoạn: tập hợp, lập kế hoạch và diễn tập trên biển. Riêng giai đoạn tập trận trên biển, sẽ bao gồm các bài tập giám sát, cảnh báo sớm, tấn công, phòng không và chống tên lửa.

Hải quân Trung Quốc cho biết, đây là cuộc tập trận chung thứ tư với hải quân Nga, kể từ năm 2021. Trung Quốc đã triển khai tàu khu trục Type 052D Ngân Xuyên, khinh hạm Type 054A Hành Thủy và tàu tiếp tế Type 903 Vệ Sơn Hồ. Còn Nga đã điều động tàu hộ tống lớp Steregushchiy Sovershennyy. Tàu hộ tống Steregushchiy là một lớp tàu đa năng, thiết kế để thay thế cho lớp tàu Grisha. Tàu có thể được triển khai trong các chiến dịch cận duyên hải, tác chiến chống ngầm và chống tàu mặt nước, tác chiến đổ bộ.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, cuộc tập trận chung không nhắm vào bên thứ ba và “không liên quan gì đến tình hình quốc tế và khu vực hiện nay”. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc Nhà Trắng đang dốc sức cho việc chuẩn bị bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong lần tranh cử hôm 14/7, ứng cử viên Donald Trump đã bị một viên đạn bắn gần, suýt… mất vành tai phải.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho hay, hải quân sẽ thực hiện các cuộc tập trận phòng không, chống tàu ngầm và các cuộc tập trận khác.

Cuộc tập trận lần này thể hiện ý chí sắt đá của Bắc Kinh và Moscow. Hồi tháng 5/2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã có “cơi trầu chạm ngõ” ở Bắc Kinh. Hai bên đã ký Tuyên bố chung bao gồm việc tăng cường hợp tác quân sự, chẳng hạn như mở rộng quy mô các cuộc tập trận quân sự chung.

Bình luận về cuộc tập trận mang đậm màu sắc chính trị, các nhà quan sát cho rằng, tiến trình xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga phần lớn được củng cố để phản đòn Mỹ, nghĩa là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài trong nhiều năm tới. Cuộc “so găng” này được tính toán ở nhiều cấp độ: Thương mại, công nghệ, chính trị, và trong một chừng mực nào đó là ý thức hệ.

Cuộc chiến âm thầm này hoàn toàn độc lập với quá trình chuẩn bị kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cho dù sẽ có những tác động nhất định nhưng dường như có một sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington – cùng xem Trung Quốc như một mối đe dọa cả trước mắt và lâu dài.

Bắc Kinh xác định, mối quan hệ với Mosccow có vai trò hàng đầu để giành thắng lợi sau cùng trong cuộc đọ sức dài hơi với Mỹ. Định hướng dứt khoát là, tìm cách giảm đến mức thấp nhất thế cô lập, nghĩa là xây dựng một liên minh các nước mà trong đó Nga là một cột trụ chính. Cụ thể hơn, phải xây dựng bằng được mặt trận chung đối phó Mỹ và phương Tây.

Đây là lý do Trung Quốc và Nga luôn có chung lập trường trên gần như tất cả các hồ sơ và các xung đột khu vực, cũng như thế giới hiện nay. Trung Quốc tỏ ra ăn ý khi hậu thuẫn kịp thời và hiệu quả cho Nga về mặt chính trị và ngoại giao, nhất là từ khi Nga phát động Chiến dịch quân sự đặc biệt, tấn công Ukraine, vào tháng 2/2022.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới