Trong suốt thập niên vừa qua tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã nóng lên đáng kể, bởi mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào năm 2021, Mỹ cùng với Anh và Úc đã chính thức thiết lập Liên minh Quốc phòng ba bên mang tên AUKUS.
Mặc dù họ tuyên bố mục tiêu chính là đảm bảo an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng thực tế là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Động thái này ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của chính quyền Bắc Kinh, khi cho rằng AUKUS được định hướng theo tư duy Chiến tranh lạnh và có khả năng gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, thậm chí là chạy đua vũ trang hạt nhân.
Sự ra đời đầy bất ngờ của AUKUS
Với sức mạnh ngày càng gia tăng của Đại lục, chính quyền Mỹ bắt đầu xoay trục sang Châu Á từ năm 2012 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Từ đó cho đến nay Xứ cờ hoa đã tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà một trong những quốc gia quan trọng nhất chính là Úc cường quốc số 1 ở khu vực châu Đại Dương, Mỹ cũng muốn tăng cường sức mạnh hải quân để đối phó với tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Năm 2016 Úc và Pháp đã ký một thương vụ lịch sử, theo đó xứ sở chuột túi sẽ nhận được 12 tàu ngầm động cơ diezel trị giá 66 tỷ USD. Tập đoàn Hải quân của Pháp đã hoàn thành mọi công việc chuẩn bị để đóng những chiếc tàu ngầm đầu tiên cho Úc. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi một cách nhanh chóng khi Liên minh AUKUS ra đời vào ngày 15/9/2021 với trọng tâm “hợp tác để tăng cường sức mạnh quân sự”.
Cụ thể, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Khi bị nẫng tay trên hợp đồng đóng tàu trị giá 66 tỷ USD, Pháp đã rất tức giận. Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian gọi hành động của Úc là sự bội tín và là nhát dao đâm sau lưng nước Pháp. Tuy nhiên Thủ tướng Úc khi đó Scott Morrison cho rằng, việc hủy hợp đồng với Pháp chẳng qua chỉ là sự thay đổi nhu cầu, do nước này mong muốn sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân điều mà Pháp không thể đáp ứng, còn Mỹ thì sẵn sàng chuyển giao công nghệ đó cho xứ sở chuột túi.
Đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, AUKUS đã nhanh chóng trở thành trung tâm trong nỗ lực nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc. Còn đối với Úc, việc thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ là một lựa chọn có tác động sâu rộng, trong khi Anh coi đây là biểu tượng cho tham vọng toàn cầu mới của nước này.
Không chỉ vậy, cả ba thành viên AUKUS đều là các cường quốc biển, có lợi ích gắn bó với việc giao thương và đi lại tự do trên đại dương. Việc tăng cường hợp tác hải quân sẽ giúp họ tăng cường sức mạnh tập thể để đối phó hiệu quả hơn với sự thách thức đến từ đại lục. Ngoài ra điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Úc, một đất nước rộng lớn có chiều dài gần 36.000 km bờ biển, tiếp giáp với hai đại dương rộng lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thế nhưng Úc lại có dân cư rất thưa thớt với gần 80% dân số sống ở khu vực ven biển Úc cũng là quốc gia có tiềm lực hải quân yếu nhất, cũng như dễ bị tổn thương nhất trong số ba thành viên của Liên minh.
Ảnh hưởng đến trật tự khu vực
AUKUS được thành lập với hai trụ cột chính; thứ nhất, Mỹ và Anh chia sẻ năng lực hạt nhân cho Úc bằng cách cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân; thứ hai, hợp tác phát triển các năng lực quốc phòng tân tiến, liên quan tới tám lĩnh vực bao gồm: Năng lực dưới biển, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, các năng lực mạng tân tiến, năng lực vũ khí siêu thanh cũng như chống vũ khí siêu thanh, tác chiến điện tử, đổi mới sáng tạo và chia sẻ thông tin.
Về mặt kỹ thuật việc sở hữu các tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là một bước nhảy vọt về công nghệ đối với Úc, thế nhưng dự án này cũng rất tốn kém có thể lên tới 66 tỷ USD tương đương số tiền mà Úc định chi để mua tàu ngầm động cơ diezel của Pháp. Vì vậy dự án của AUKUS sẽ kéo dài và được tiến hành theo ba giai đoạn phức tạp: Đầu tiên Úc sẽ đại tu các tầu ngầm thông thường hiện có của mình, sau đó vào đầu những năm 2030 nước này sẽ nhận một số tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia đã qua sử dụng của Mỹ, tiếp đến, trong khoảng 10 năm nữa, các tàu ngầm lớp AUKUS đầu tiên sẽ được triển khai, các tàu này được thiết kế ở Anh sử dụng công nghệ Mỹ trong khi được chế tạo ở Anh và Úc.
Đây chỉ là một phần trong sự hợp tác an ninh ngày càng sâu rộng giữa ba nước, nhằm chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Các bước tiếp theo có thể bao gồm việc đặt các phương tiện có năng lực hạt nhân của Mỹ ở Úc, chẳng hạn như máy bay ném bom chiến lược, cũng như hợp tác về tên lửa siêu thanh, chiến tranh mạng, điện toán lượng tử và các lĩnh vực khác. Tất cả những diễn biến này, có thể làm cho Liên minh của họ trở nên quan trọng hơn đối với cán cân quân sự khu vực (các nhóm tiểu đa phương, bao gồm đối thoại an ninh bốn bên với sự tham gia của Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, hoặc thỏa thuận phòng thủ ngũ cường giữa Anh, Úc, New Zealand, Malaysia và Singapore).
Sự ra đời của AUKUS và cùng với đó là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ đưa đến một số hậu quả tiêu cực đối với các nước trong khu vực:
Thứ nhất, nó có thể thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang mới tốn kém tại vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đặc biệt là việc các nước trong khu vực tìm cách nâng cấp lực lượng hải quân, với mong muốn sở hữu các thế hệ tàu ngầm hiện đại của Mỹ và các nước phương Tây, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh lên, còn Nga thì đang vướng vào cuộc chiến với Ukraina và việc mua vũ khí từ nước này gặp nhiều khó khăn do các lệnh cấm vận.
Thứ hai, các xung đột tiềm tàng và tranh chấp lãnh thổ ở khu vực có thể được khơi mào, thậm chí là bị đẩy lên mức độ mới nguy hiểm hơn so với trước, chẳng hạn như tranh chấp ở khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn Độ hai quốc gia tỷ dân đều có vũ khí hạt nhân, bên cạnh đó, căng thẳng đã trở lại trên bán đảo Triều Tiên với việc Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân, cũng không thể không kể đến hàng loạt tranh chấp ở Biển Đông, khi Đại lục đối đầu với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên cuộc xung đột nghiêm trọng nhất có thể xảy ra là ở eo biển Đài Loan.
Thứ ba, cạnh tranh Trung – Mỹ còn có khả năng tạo ra sự bất ổn cho toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các quốc gia trong khu vực cũng đang đang có sự phân cực về chính trị ngoại giao, khi một số nước thân Bắc Kinh còn các nước kia thì ủng hộ Mỹ. Điều này gợi nhớ đến sự phân cực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ thập niên 1960 đến cuối thập niên 1980 trong giai đoạn cao điểm của thời kỳ chiến tranh lạnh. Ngày nay Liên Xô đã không còn nhưng Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm hơn, nước này có nền kinh tế hùng mạnh thậm chí có thể thách thức vị trí số một mà Mỹ đã nắm giữ trong hơn một thế kỷ qua.
Liệu AUSKUS có thể mở rộng?
Dù cho Trung Quốc đã tăng cường ảnh hưởng trên thế giới nhưng nước này lại không có nhiều đồng minh. Ngược lại trong khu vực, Mỹ có mối quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng với đó, xứ cờ Hoa còn là thành viên trụ cột của Liên minh tình báo Ngũ Nhãn bao gồm Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada. Như vậy đã có ba trong số năm nước tham gia vào AUKUS, do đó liên minh này có thể mở rộng với sự tham gia của New Zealand và Canada cùng với một số quốc gia khác có chung mục tiêu.
Tóm lại, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có lý do để tham gia vào trụ cột hai của AUKUS, trong đó Canada là nước duy nhất tỏ ra có tham vọng với tổng ngầm hạt nhân, nhằm đối đầu với Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực.
T.P