Bộ trưởng Hàng hải và nghề cá Indonesia khẳng định, Indonesia và Trung Quốc không có bất kỳ thỏa thuận hàng hải nào hợp tác trong một vùng lãnh thổ cụ thể.
Một tàu hải quân Indonesia. Ảnh: EPA
Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc dâng cao sau khi Hải quân Indonesia bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna hôm 17/6 và bắt giam một số thuyền viên.
Sau vụ đụng độ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “Trung Quốc và Indonesia có những tuyên bố chồng lấn về lợi ích cũng như quyền hàng hải”.
Trước đó, Bắc Kinh bảo vệ hành động của mình bằng cách khẳng định tàu cá Trung Quốc “hoạt động trong ngư trường truyền thống của nước này”.
Tuy nhiên, ngày 21/6, Bộ trưởng Hàng hải và nghề cá của Indonesia, bà Susi Pudjiastuti cho hay Trung Quốc trước đó nói rằng nước này không có tranh chấp với Indonesia, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Theo bà Pudjiastuti, hai nước không có bất kỳ thỏa thuận hàng hải nào để hợp tác trong một vùng lãnh thổ cụ thể, vì vậy các tàu cá Trung Quốc sẽ được đối xử giống bất kỳ tàu cá nào khác bị phát hiện đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia.
“Chúng tôi không thừa nhận các tuyên bố của bất kỳ ai nói rằng có một vùng đánh bắt truyền thống trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, ngoại trừ một vùng lãnh thổ mà chúng tôi ký thỏa thuận với Malaysia, eo biển Malacca”, Bộ trưởng Pudjiastuti nhấn mạnh.
Bà Pudjiastuti tái khẳng định vùng đặc quyền kinh tế là một phần của chủ quyền lãnh thổ thuộc Indonesia.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi không quan tâm đó là nước nào, đó là tàu gì và tàu của ai. Nếu bạn đánh cắp cá của chúng tôi, tôi muốn khẳng định rằng chúng tôi sẽ không xem nhẹ việc đó. Chúng tôi sẽ không xem xét mối quan hệ giữa các nước trong vấn đề này. Điều mà chúng tôi nhìn thấy là một sự vi phạm nghiêm trọng”, bà Pudjiastuti tuyên bố.
Indonesia không là một bên trong tranh chấp Biển Đông và cũng giống như Malaysia, Indonesia vẫn giữ vai trò trung lập trước những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông do còn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu thụ sản phẩm dầu cọ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc đưa quần đảo Natuna vào bên trong “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh đưa ra nhằm đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, Jakarta đã kiên quyết phản đối, đồng thời ngày càng có lập trường cứng rắn hơn với các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Trước đó, trả lời Reuters về việc Hải quân Indonesia đã bắn cảnh báo một số tàu cá mang cờ Trung Quốc đang đánh bắt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Natuna, khi được hỏi liệu chính phủ Indonesia có quyết đoán hơn nếu vi phạm tái diễn, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kallacho biết: “Vâng, chúng tôi sẽ tiếp tục”.