Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Biden hạ cờ

Ông Biden hạ cờ

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định “hạ cờ”, không tham gia ứng cử Tổng thống Mỹ khóa tới không phải là bất ngờ lớn đối với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, đây cũng là một cú sốc đối với cá nhân ông và cử tri Mỹ vì đây là lần đầu tiên (kể từ năm 1968 đến nay) xứ Cờ Hoa có một ứng cử viên quyết định rút lui khi đang trong chiến dịch tranh cử.

Hơn nửa thế kỳ trước, tại đất nước phát triển, văn minh này đã có những tổng thống phải từ bỏ chiến dịch tái tranh cử sau khi thấy sự ủng hộ từ công chúng giảm sút mạnh. Còn nay, Tổng thống Biden quyết định rút lui là vì những lý do khác: Chính bản thân Joe Biden cuối cùng cũng nhận ra một điều: Ông không thể chiến thắng trong cuộc đối đầu với ông Donald Trump. Ông đã suy nghĩ về vấn đề này trong vài ngày qua. Đó là một quyết định được cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Trước khi thông báo tin này tới các nhân viên trong chiến dịch tranh cử và Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã đăng bức thư này lên mạng xã hội X.

Khi biết con thuyền không thể qua sông khi bão lớn, nếu cố thì sẽ bị lũ nhấn chìm. Đó là sự minh triết và tỉnh táo. Vẫn biết đây là một quyết định không dễ dàng đối với ông Biden và nhiều thành viên Đảng Dân chủ. Trước cái đêm 21/7, ứng cử viên 81 tuổi này đã chịu nhiều áp lực bủa vây, trong đó áp lực lớn nhất là từ Đảng Dân chủ.

Cuộc tranh luận với Donald Trump hôm 27/6, ông Biden đã thừa nhận thất bại. Có thể do trận cảm lạnh đã hại ông, rồi sau đó ông nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhưng các thành viên Đảng của ông và những người chăm chú theo dõi thì thấy ông đã thật sự lực bất tòng tâm, do tuổi đã cao, sức đã yếu. Trong khi đó đối thủ của ông, nhà tỷ phú, cựu Tổng thống Trump là tỏ ra hoạt ngôn, sắc sảo và cứng rắn. Sau khi bị ám sát hụt ông đã biến “họa” thành “phúc” khi tuyên bố: kẻ xấu đã bắn vào nền Dân chủ Mỹ.

Không phải ông Joe Biden “lờ mờ nhận ra” thế trượt dốc của mình mà căn cứ vào những thông tin đáng buồn qua các điều tra, thăm dò cụ thể. Cuộc khảo sát ở một số tiểu bang quan trọng trong hơn hai tháng qua đã thu được kết quả rất ảm đạm. Ông Biden không chỉ tụt lại ở cả 6 bang chiến trường quan trọng, mà còn thất bại ở những nơi như Virginia và New Mexico – các bang mà Đảng Dân chủ không có kế hoạch phải chi tiêu nguồn lực lớn để giành chiến thắng.

Trong lúc ông còn đang phân vân nên ở lại hay tháo lui thì hàng loạt ý kiến từ Đảng Dân chủ và những phò tá tin cậy khuyên ông nên “hạ cờ”. “Tiên thủ hạ vi cường”, hành động trước là hơn, là thua trong danh dự. Hôm 2/7, Thượng nghị sĩ Lloyd Doggett là đảng viên Dân chủ đầu tiên kêu gọi ông Biden rút lui khỏi chiến dịch tranh cử. Còn Nghị sĩ Dân chủ Jim Clyburn (người đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng năm 2020 của Biden) thì tế nhị hơn khi nói rằng, ông ta ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris tranh cử, nếu Biden rút lui.

Một số yếu nhân khác “ngồi cách xa Tổng thống Biden (ông đang mắc Covid-19), cung cấp những thông tin tin cậy và mong ông chấm dứt nỗ lực tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ Tổng thống, đẩy nhanh việc dừng sự nghiệp chính trị của mình”.

Và rồi, Đảng Dân chủ – sau ba tuần gây áp lực buộc Joe Biden rút lui, giờ đây đã dành cho ông những lời ngọt ngào, ca ngợi thành tích, sự nghiệp phục vụ công chúng và quyết định “đặt đất nước lên trước nhất”. Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, nói rằng: “Joe Biden không chỉ là một tổng thống vĩ đại và một nhà lãnh đạo lập pháp vĩ đại, mà ông còn là một con người thật sự tuyệt vời !”.

Hiện tại, Đảng Dân chủ đang gấp rút tìm ứng cử viên thay thế. Tổng thống Biden đã đăng một thông điệp thứ hai, nêu rõ ông thực sự ủng hộ bà Harris, coi đây là “sự lựa chọn hiển nhiên”. Người đàn bà thép này có thể đối đầu ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris 59 tuổi, có cha người Jamaica và mẹ người Ấn Độ, là một người tiên phong. Bà đang ở vị trí thuận lợi để trở thành người thay thế. Bà là người da màu đầu tiên và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Tổng chưởng lý California, và sau đó là thượng nghị sĩ Mỹ gốc Nam Á đầu tiên; Phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ.

Cùng với bà Harris còn có ba ứng cử viên khác. Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ dự kiến sẽ họp vào vào trung tuần tháng 8 tới, tại thành phố Chicago. Đại hội sẽ có khoảng 4.672 đại biểu, trong đó có 3.933 đại biểu cam kết – những người bị ràng buộc phải bỏ phiếu cho một ứng viên nhất định. Ngoài ra còn có 739 “siêu đại biểu” là các thành viên cấp cao của đảng và có thể tự do bỏ phiếu cho ứng viên tại đại hội đảng.

Chỉ xin nhắc một chút về ứng cử viên Tổng thống Donald Trump. Với những bước tiến chính trị mạnh mẽ tại đại hội toàn quốc, ông tiếp tục củng cố ưu thế của mình và đầy ưu thế cho “chặng về đích”. Có điều lịch sử chính trường Mỹ vốn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Đã nhiều lần các cuộc bầu cử tổng thống tưởng nắm chắc phần thắng cho một ứng cử viên nào đó nhưng kết cục đã đảo ngược hoàn toàn.

Kịch bản nào cũng có thể xảy ra trên sân khấu chính trị mở màn vào ngày 5/11 tới.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới