Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngHải cảnh bắt giữ vô cớ người nước ngoài - Bước leo...

Hải cảnh bắt giữ vô cớ người nước ngoài – Bước leo tháng mới nguy hiểm của Bắc Kinh

Ngày 15/5/2024, Trung Quốc ban hành “Quy định thủ tục về thực thi hành chính” của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc cho phép nhân viên của lực lượng này bắt giữ người nước ngoài bị tình nghi vượt hải giới “trái phép”. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6.

Quy định mới của Trung Quốc không chỉ gây lo ngại lớn đối với các nước ven biển láng giềng của Trung Quốc mà còn khiến dư luận quốc tế hết sức bất bình. Quy định này được ban hành trong bối cảnh những va chạm giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông không ngừng leo thang nên một số ý kiến cho rằng động thái này của Bắc Kinh là nhằm vào Manila, song đa số các ý kiến đều cho rằng đây là bước leo thang mới nguy hiểm của giới cầm quyền Bắc Kinh nhằm thực hiện mưu đồ khống chế, thống trị Biển Đông và các vùng biển khác xung quanh Trung Quốc. Các chuyên gia luật pháp quốc tế cho rằng quy định mới của Bắc Kinh hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế.

Quy định này của Bắc Kinh dài 92 trang, có tổng cộng 16 chương và 281 điều, gồm các nguyên tắc chung, thẩm quyền, giám sát và kiểm tra tại chỗ, lưu trữ hồ sơ…. Chương 14 quy định về việc xử lý các sự vụ hành chính liên quan đến người nước ngoài bị tình nghi “vi phạm” biên giới của Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc được phép bắt giữ đến 30 ngày người nước ngoài vi phạm quy định của Trung Quốc về xuất – nhập cảnh. Thời hạn có thể kéo dài đến 60 ngày đối với những trường hợp phức tạp, sau khi được người đứng đầu cơ quan Hải cảnh phê chuẩn. Theo đó, có ít nhất 4 trường hợp là đối tượng có thể bắt giữ gồm: (1) Người bị tình nghi xuất nhập cảnh trái phép; (2) Người bị nghi ngờ giúp đỡ người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; (3) Người bị nghi ngờ cư trú hoặc làm việc bất hợp pháp; (4) Người bị nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh, lợi ích quốc gia, phá rối đời sống xã hội và trật tự công cộng, hoặc tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm khác.

Quy định mới của Trung Quốc gây phản ứng dữ dội từ giới chức các cấp của Philippines. Ngày 18/05, Tổng thống Philippines Marcos Jr. lên án những quy định mới của Trung Quốc “là hoàn toàn không chấp nhận được đối với Philippines” và Manila “sẽ đưa ra mọi quyết định cần thiết để bảo vệ công dân của mình”. Cũng trong ngày 18/5, Thiếu tướng Jay Tarriela, Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines về biển Tây Philippines (tên Philippines gọi Biển Đông), khẳng định “luật Trung Quốc sẽ không ngăn được tuần duyên và quân đội Philippines bảo vệ lợi ích của nhân dân Philippines”.

Quy định mới được Hải cảnh Trung Quốc công bố ngày 15/05, không rõ là trùng hợp hay cố tình, đúng vào ngày hiệp hội “Atin Ito” của Philippines bắt đầu đợt tiếp tế nhiên liệu và lương thực thứ hai cho ngư dân và những công dân đến bảo vệ chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và bị Bắc Kinh khống chế, kiểm soát từ năm 2012. Do vậy, Thiếu tướng Jay Tarriela lên án quy định mới của Hải cảnh Trung Quốc “là thêm một hành động hăm dọa” để làm nhụt chí những hoạt động, như chương trình của hiệp hội “Atin Ito” và là “một hành động bất hợp pháp” khác được bao biện bằng yêu sách chủ quyền trong “đường 9 đoạn” được Bắc Kinh vạch ra đối với hầu hết Biển Đông. Theo ông Jay Tarriela, quy định mới có thể “sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực cho Trung Quốc” vì khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ, “rất có khả năng là thêm nhiều nước khác lên tiếng chỉ trích, phản đối kiểu luật bất hợp pháp được Trung Quốc thông qua bất chấp luật pháp quốc tế”.

Ngày 20/05, ông Antonio Carpio, nguyên thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines, cho rằng Trung Quốc có nguy cơ chịu thêm thất bại về mặt pháp lý nếu bắt giữ ngư dân Philippines ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn đài TeleRadyo Serbisyo, được trang ABS-CBN trích dẫn, luật gia nổi tiếng về Biển Đông Antonio Carpio giải thích là Tòa Trọng Tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS về Biển Đông đã ra phán quyết năm 2016 bác “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có vùng biển Tây Philippines. Có nghĩa là Manila có thể kiện Bắc Kinh ngay lập tức nếu Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ công dân Philippines hoạt động trong vùng biển này. Ông khẳng định Philippines chắc chắn thắng kiện dù Bắc Kinh không công nhận phán quyết năm 2016.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm của hải quân Philippines hôm 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro tố cáo,  những quy định mới trao thêm quyền cho Hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông là “một hành vi khiêu khích” và là “vấn đề bận tâm của quốc tế”. Ông Teodoro nhấn mạnh: “Hành vi như vậy (quy định cho phép hải cảnh Trung Quốc giam giữ trái phép lên tới 60 ngày không qua xét xử đối với người nước ngoài) không chỉ vi phạm UNCLOS 1982 mà còn vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó quy định mỗi quốc gia có trách nhiệm phải kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc gây hấn để thực thi, đặc biệt trong trường hợp này, các yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp trên biển”.

Ông Risa Hontiveros, người đứng đầu phe đối lập ở Thượng Viện Philippines, có chung ý tưởng với cựu thẩm phám Carpio. Ông cho rằng “chính phủ Philippines hiện giờ cần kêu gọi các nước đồng minh như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp và những nước chung chí hướng, lên tiếng phản đối hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, bằng cách tham gia các cuộc tuần tra với Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”. Ngoài ra, phe đối lập Philippines cũng yêu cầu Tổng thống Marcos Jr. kiện Trung Quốc lên cơ quan tài phán quốc tế. Neri Colmenares, Chủ tịch đảng Bayan Muna đối lập, cho rằng Philippines cùng với các đối tác ở ASEAN, cũng là nạn nhân trong chính sách hăm dọa của Trung Quốc, như Việt Nam, Malaysia, nên nộp đơn kiện Bắc Kinh lên cơ quan tài phán quốc tế để chấm dứt “hành động hiếu chiến ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở trong vùng”.

Trong buổi họp báo hôm 20/05 Jonathan Malaya, Người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về biển Tây Philippines (National Task Force West Philippines Sea), kêu gọi rằng “tất cả các nước ven biển, nhất là các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia, không công nhận những quy định bất hợp pháp này và tiếp tục lưu thông ở những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép” để qua đó bác bỏ mối đe dọa của Trung Quốc về việc bắt giữ vô cớ người nước ngoài thâm nhập Biển Đông.

Giới chuyên gia chỉ trích mạnh mẽ động thái mới của Bắc Kinh khi đưa ra những quy định cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc “lộng hành” trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa được xác định theo UNCLOS của các nước láng giềng ven Biển Đông; nhấn mạnh điều này hoàn toàn trái với quy định ở Điều 56 của UNCLOS chỉ cho phép quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và phi sinh vật và các hoạt động thăm dò năng lượng, khai thác kinh tế khác ở EEZ.

Ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ đánh giá: “Giống như luật Hải cảnh Trung Quốc năm 2021, quy định lần này mang lại cho Hải cảnh Trung Quốc quyền hạn rộng rãi để can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của các nước láng giềng. Tuy nhiên, quy định mới này cho phép Hải cảnh Trung Quốc có thể bắt giữ ngư dân nước ngoài và giam giữ họ tới 60 ngày mà không cần xét xử. Mức độ chi tiết đó có thể cho thấy rằng Bắc Kinh thực sự có ý định thực hiện điều này, không giống như luật năm 2021 mang tính đe dọa nhiều hơn”.

Phó Giao sư Kei Koga thuộcChương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công Trường Khoa học xã hội, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhấn mạnh: “Đó là cách Trung Quốc muốn thể hiện quyền tài phán ở Biển Đông. Để củng cố yêu sách ở cấp độ quốc tế, Trung Quốc củng cố luật pháp trong nước về Biển Đông. Thời điểm thực hiện điều này cho thấy Trung Quốc sẽ không lùi bước ngay cả khi Philippines tăng cường quan hệ chiến lược với Mỹ và các quốc gia có cùng quan điểm khác như Nhật Bản”.

Ông Benjamin Blandin,chuyên về địa chính trị, Đại học Công giáo Paris, Pháp cho rằng:Động thái trên của Trung Quốc thực tế không có gì mới, mà chỉ là một động thái đánh lạc hướng nhằm duy trì áp lực lên các nước láng giềng, và diễn ra sau một loạt quyết định dần dần biến Hải cảnh Trung Quốc thành một lực lượng tác chiến hỗn hợp trong những năm gần đây: thống nhất nhiều cơ quan an ninh hàng hải khác nhau thành một lực lượng hỗn hợp. Hải cảnh Trung Quốc được thông qua cho phép nổ súng và nhận bàn giao các tàu hộ tống hải quân cũ của Trung Quốc và gần đây là các tàu đổ bộ. Hải cảnh Trung Quốc đã thể hiện rõ qua sự gia tăng của các hành động hung hãn, thiếu chuyên nghiệp và gần như gây chết người diễn ra qua hàng chục vụ việc, chẳng hạn như đâm tàu và sử dụng vòi rồng hai nòng ở công suất tối đa và tầm bắn thẳng nhằm vào các tàu dân sự mỏng manh và không có vũ trang”.

Giáo sư – Tiến sĩ Prakash Panneerselvam thuộc Chương trình Nghiên cứu an ninh và chiến lược quốc tế, Viện Nghiên cứu tiên tiến quốc gia Ấn Độ nhấn mạnh: “Nếu Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ người nước ngoài ở Biển Đông thì đó là hành động bất hợp pháp. Nhưng Trung Quốc vẫn cho phép là nhằm tìm cách khẳng định chủ quyền của mình đối với các khu vực rộng lớn ở Biển Đông. Bằng cách cho phép bắt giữ, Trung Quốc đang báo hiệu ý định thực thi các yêu sách của mình một cách mạnh mẽ hơn. Với tầm quan trọng chiến lược của tuyến hàng hải qua Biển Đông, Trung Quốc có thể muốn kiểm soát hoặc giám sát các hoạt động ở vùng biển này. Thời gian qua, Trung Quốc sử dụng dân quân biển là một cách để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi Trung Quốc cố gắng tăng cường ảnh hưởng trong khu vực”.

Giáo sư Stephen Robert Nagy thuộcĐại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật Bản nhận định:Việc Trung Quốc cho phép lực lượng Hải cảnh được bắt giữ người nước ngoài trên biển như ở Biển Đông là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh đang dùng luật pháp trong nước đối với khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ngay cả khi đó là tuyên bố chủ quyền phi pháp. Khi tiến hành một vụ bắt giữ như vậy, Trung Quốc tự tạo ra một bộ hồ sơ hành chính để tự hình thành nên một cơ sở dữ liệu để hợp pháp hóa việc thực thi luật pháp (dù phi pháp) trong khu vực. Qua đó, Bắc Kinh tự mở rộng quyền kiểm soát mà không cần sử dụng vũ lực. Các bên liên quan khác cần tìm cách giảm thiểu chiến lược vừa nêu của Trung Quốc. Các cường quốc khu vực cần hỗ trợ các bên khác tăng cường khả năng nhận thức về hàng hải nhằm duy trì quyền tự chủ”.

Giáo sư Yoichiro Sato, chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản phân tích: “Cách đây chưa lâu, Trung Quốc cho phép lực lượng Hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài. Nhưng đây là hành động khó xảy ra vì dễ làm gia tăng căng thẳng vượt ra ngoài vùng xám, nơi Trung Quốc đang tỏ ra rất linh hoạt về mặt chiến thuật. Lần này, với thay đổi mới thì Hải cảnh Trung Quốc trước mắt có thể bắt giữ ngư dân Philippines trong vùng biển tranh chấp nhằm đe dọa chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.”. Qua đánh giá của các chuyên gia có thể thấy quy định mới trên của Trung Quốc được xem là bước tiếp theo nhằm tăng cường kiểm soát chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Động thái mới này của Trung Quốc không chỉ khiến họ càng mất đi uy tín mà còn tạo thêm những khó khăn mới cho cuộc đàm phán về COC. Việc làm này của giới cầm quyền Bắc Kinh có thể là “chất xúc tác” thúc đẩy các nước trở nên đoàn kết hơn trong việc chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông nói riêng và Tây Thái Bình Dương nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới