Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTiếp tục tranh cãi về điều tra chống bán phá giá thép...

Tiếp tục tranh cãi về điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập từ TQ

Sát ngày Bộ Công Thương quyết định có điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập từ Trung Quốc hay không, các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục tranh cãi với các bằng chứng, lý lẽ riêng.

Ngày 14/6, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đầy đủ và hợp lệ. Trong vòng 45 ngày, tức chậm nhất ngày 29/7, Bộ Công Thương sẽ ra quyết định cuối cùng về việc có khởi xướng điều tra chống bán phá giá hay không.

Theo đề nghị của cơ quan chức năng, 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam đã có đơn phản biện đối với hồ sơ của bên đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá và trả lời các câu hỏi của Cục Phòng vệ thương mại liên quan ngành sản xuất thép cán nóng tại Việt Nam.

Hòa Phát có đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước?
Tiếp tục bảo vệ quan điểm Hòa Phát không đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước để nộp đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá, nhóm 8 doanh nghiệp tôn mạ, ống thép trích dữ liệu Hải quan để cho rằng các công ty con do Hòa Phát sở hữu và có quyền kiểm soát gần như tuyệt đối (hơn 99,9%) đã nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc trong giai đoạn 2019 đến 3/2024 với số lượng ngày càng tăng.

Theo nội dung phản biện, lượng thép cán nóng nhập từ Trung Quốc của các công ty con của Hòa Phát trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 9.776 tấn và 305.400 tấn, tăng 3024% so với năm 2022.

Theo định nghĩa “ngành sản xuất trong nước” của Luật Quản lý Ngoại Thương tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước có quyền nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong trường hợp nhà sản xuất trong nước trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì nhà sản xuất này có thể không được xem là nhà sản xuất trong nước.

“Như vậy, Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát không đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước để nộp hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập từ Trung Quốc. Bởi, Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến hết tháng 3/2024”, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép nêu quan điểm.

Theo nội dung phản biện, Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát cũng không nằm trong trường hợp vẫn được xem là đại diện hợp pháp của ngành sản xuất trong nước vì các mác thép cán nóng mà các công ty con của Hòa Phát nhập từ Trung Quốc đều là các chủng loại phổ biến và hoàn toàn nằm trong năng lực sản xuất của Hòa Phát.

Khi so sánh lượng thép cán nóng do các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc và lượng bán tại Việt Nam, tỷ lệ của năm 2023 là 19% và 3 tháng đầu năm 2024 là 30%. Đây là tỷ lệ rất cao.

Phản biện các yếu tố gây ra “thiệt hại đáng kể”
Phân tích về vấn đề thiệt hại kinh tế nếu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, nhóm 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam cho biết Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đang hưởng lợi rất lớn trong việc bán thép cán nóng cho các doanh nghiệp trong nước, khi một số thị trường xuất khẩu đặc thù như Mỹ và Mexico có yêu cầu đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu. Điều này khiến cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam phải sử dụng và chấp nhận mua thép cán nóng có nguồn gốc từ Việt Nam với giá cao để sản xuất các lô hàng xuất khẩu.

“Hiểu rõ lợi thế này, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh luôn bán thép cán nóng cho các doanh nghiệp Việt Nam với giá cao hơn so với giá nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10-20 USD/tấn. Hoàn toàn không có chuyện Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bị thiệt hại về giá bán khi bán thép cán nóng tại Việt Nam”, nhóm doanh nghiệp đối lập nêu quan điểm.

Giải thích cho việc Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh phản ánh bị “đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể” phải giảm giá bán, 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam cho rằng đây hoàn toàn là kết quả khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường. Cho dù Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh phải giảm giá bán theo diễn biến giá thế giới thì giá bán thép cán nóng cho các doanh nghiệp Việt Nam vẫn “luôn luôn cao hơn từ 10-20 USD/tấn, cao điểm có thể cao hơn tới 40-50 USD/tấn, thậm chí 90 USD/tấn so với giá nhập khẩu từ Trung Quốc”.

8 doanh nghiệp này cho rằng lý do lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, nguyên nhân cốt lõi do nguồn cung thép cán nóng nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam.

Nhu cầu thép cán nóng của Việt Nam trong năm 2022 và năm 2023 đều là hơn 11,5 triệu tấn. Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế sản xuất tại Việt Nam hiện nay chỉ là 8,2 triệu tấn/năm. Giả định Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sản xuất tối đa công suất và chỉ bán nội địa, không xuất khẩu thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam.

Thực tế, nguồn cung thép cán nóng nội địa từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh trong năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 4,88 triệu tấn và hơn 3,4 triệu tấn, chỉ đáp ứng được lần lượt là 42% và 29% nhu cầu thép cán nóng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhóm 8 doanh nghiệp cũng dẫn chứng số liệu cho rằng Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh tăng sản lượng xuất khẩu thép cán nóng nên sản lượng bán tại thị trường nội địa trong năm 2022 và năm 2023 đã giảm mạnh, lần lượt là 4.887.820 tấn và 3.402.704 tấn, giảm 1.485.116 tấn.

Trong năm 2022, sản lượng thép cán nóng bán tại thị trường nội địa của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chiếm 79% tổng sản lượng bán hàng thì đến năm 2023, tỷ trọng này chỉ còn 50%.

Điều này khiến cho nguồn cung thép cán nóng nội địa vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam lại càng thiếu hụt nghiêm trọng hơn nữa và lượng nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải tăng trong năm 2023.

Tình trạng cung không đủ cầu tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu 2024 và lượng thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam tăng trong 6 tháng đầu 2024. Trong 6 tháng qua, nhu cầu thép cán nóng là hơn 7,4 triệu tấn, tăng hơn 2,4 triệu tấn so với 6 tháng đầu năm 2023. Điều này hoàn toàn là bình thường vì nhu cầu thép là điều đã được dự báo từ trước.

Tuy nhiên, số lượng thép cán nóng mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán tại thị trường nội địa chỉ đạt hơn 2,1 triệu tấn, tuy có tăng nhẹ 435.022 tấn so với cùng kỳ, nhưng vẫn chỉ đáp ứng được 29% tổng nhu cầu tại Việt Nam, giảm 5% so với 2023.

Thực trạng nguồn cung thép cán nóng nội địa hiện không đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam còn thể hiện qua các công ty con của Hòa Phát vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc với số lượng lớn và ngày càng tăng, lần lượt là gần 3,3 triệu tấn (6 tháng đầu năm 2023) và 5,3 triệu tấn (6 tháng đầu năm 2024).

Nói riêng về lý do vì sao lượng thép cán nóng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng trong 6 tháng qua, nhóm 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép cho rằng lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác giảm 165.632 tấn so với cùng kỳ năm 2023, do đó, bắt buộc phải tăng cường nhập khẩu nguồn từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu.

Hòa Phát khẳng định đủ tư cách đứng đơn yêu cầu
Lên tiếng về những phản biện của 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Hòa Phát trích khoản 1, điều 69 của Luật Quản lý Ngoại Thương số 05/2017/QH14 định nghĩa “ngành sản xuất trong nước” và cho biết cơ quan điều tra sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác nhau để xem xét có loại bỏ tư cách đứng đơn của của nhà sản xuất trong nước hay không.

Tài liệu hướng dẫn quy định áp dụng biện pháp Chống bán phá giá được xuất bản bởi WTO có nêu ra một số tiêu chí khác để xem xét việc loại bỏ tư cách đứng đơn của nhà sản xuất trong nước có công ty liên kết nhập khẩu hàng hóa bị điều tra. Với tiêu chí tỷ lệ thị phần theo sản lượng sản xuất của nhà sản xuất trong nước, trong kỳ điều tra, Hòa Phát chiếm 46% tổng sản lượng sản xuất toàn ngành.

Ở tiêu chí việc loại bỏ tư cách nhà sản xuất trong nước của công ty có làm ảnh hưởng sai lệch tới việc đánh giá thông tin chung của toàn ngành sản xuất, Hòa Phát chiếm tỷ lệ thị phần 46% toàn ngành và là một trong số hai nhà máy sản xuất thép cán nóng duy nhất tại Việt Nam. Vì vậy, Hòa Phát cho rằng việc loại bỏ tư cách đứng đơn của doanh nghiệp này sẽ làm ảnh hưởng tới việc đánh giá dữ liệu và tình hình sản xuất kinh doanh của toàn ngành.

Ở tiêu chí cam kết ưu tiên hoạt động kinh doanh trong dài hạn với tư cách là một nhà sản xuất trong nước so với hoạt động kinh doanh nhập khẩu thương mại, Hòa Phát là công ty sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và trong khu vực, cam kết đầu tư nghiêm túc, dài hạn.

Riêng dự án thép cán nóng Dung Quất, Hòa Phát đã đầu tư hàng tỷ USD. Ngoài ra, mục đích nhập khẩu của thép cán nóng trong kỳ điều tra đều để phục vụ việc sản xuất, xây dựng chứ không nhằm mục đích thương mại.

Ở tiêu chí tỷ lệ giữa lượng hàng hóa nhập khẩu và lượng hàng hóa sản xuất trong kỳ của công ty, các công ty con thuộc Hòa Phát nhập khẩu 319.686 tấn thép cán nóng, tương đương với khoảng 10% của tổng lượng sản xuất của Tập đoàn. Như vậy, tổng lượng nhập khẩu của 6 công ty con trong tập đoàn là không đáng kể so với tổng lượng sản xuất cùng kỳ của Hòa Phát.

Sau khi đánh giá các tiêu chí nêu ra bởi WTO, Hòa Phát cho rằng doanh nghiệp thỏa mãn toàn bộ các tiêu chí đánh giá của WTO về việc đã và đang là một nhà sản xuất trong nước.

Về bằng chứng thiệt hại của các nhà sản xuất trong nước, Hòa Phát cho biết theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép cán nóng tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn.

Việc nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập có thời điểm gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu. Thị phần bán thép cán nóng Hòa Phát và Formosa giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023, không khai thác được hết công suất thiết kế do phải cạnh tranh thiếu công bằng với sản phẩm bán phá giá.

Theo Hòa Phát, trong năm 2023, sản xuất của doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng của Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế, giảm mạnh so với mức 86% của năm 2021. Trong khi đó năm 2023, lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước.

Tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng, bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023.

Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.

Hòa Phát cho rằng giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45 – 108USD/tấn. Giá trị kim ngạch nhập khẩu thép cán nóng 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới