Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, ông muốn các cuộc giao tranh với quân Nga kết thúc càng nhanh càng tốt để ngăn chặn thiệt hại về nhân mạng.
Theo đài RT, Tổng thống Zelensky hôm 23/7 đã bày tỏ mong muốn trên trong cuộc gặp Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Vatican đang công du Kiev. Ông Zelensky cũng cảm ơn Tòa thánh Vatican vì “tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ” dành cho Ukraine.
Tuần trước, người đứng đầu Kiev cũng phát biểu với hãng thông tấn BBC rằng, ông hy vọng có thể chấm dứt “giai đoạn nóng bỏng” của cuộc xung đột vào cuối năm nay. Theo ông, không ai muốn tiếp tục xung đột “thêm 10 năm hoặc lâu hơn nữa”.
Tuy nhiên, cũng trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Anh, ông Zelensky khẳng định, giải pháp của Kiev là để các đồng minh phương Tây nhất trí ủng hộ “kế hoạch hòa bình” do ông đề xuất và gửi nó tới Nga như một khối thống nhất.
Ông Zelensky lần đầu công bố “kế hoạch hòa bình 10 điểm” vào tháng 11/2022, trong đó yêu cầu Moscow phải rút hết lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ Ukraine, bán đảo Crưm và 4 vùng mới sáp nhập vào Nga hồi tháng 10/2022 cũng như trả tiền bồi thường và mở tòa án xét xử các sai phạm mà quân Nga có thể phạm phải ở Ukraine. Song, phía Nga đã bác bỏ các đề xuất đó.
Nga “ăn miếng, trả miếng” Nhật Bản
Hãng thông tấn Tass đưa tin, cùng ngày 23/7, Chính phủ Nga thông báo triển khai các lệnh trừng phạt nhằm vào 13 công dân Nhật Bản để trả đũa việc Tokyo áp hàng loạt lệnh cấm vận chống Moscow vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo quyết định mới ban hành, Moscow cấm Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản Tanaka Akihiko, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn xe hơi Toyota Akio Toyoda, người sáng lập tập đoàn Rakuten Hiroshi Mikitani, Chủ tịch tập đoàn Shinsei Bussan Co Seigo Iwamatsu, Chủ tịch hãng Toray Industries Mitsuo Ohya và một số người khác nhập cảnh vào Nga.
Tokyo chưa lên tiếng bình luận về động thái mới của Moscow.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, Nhật Bản cùng với các thành viên G7 khác đã áp đặt phong tỏa tài sản đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hàng chục cá nhân và tổ chức cũng như Ngân hàng Trung ương Nga. Nhà chức trách ở đất nước mặt trời mọc cũng cấm cung cấp kim cương Nga cho mục đích phi công nghiệp từ các nước thứ 3.
T.P